Phụ huynh Hà Nội đừng quên hỗ trợ tâm lý cho con trước khi trở lại trường học!

Xã hội - Ngày đăng : 09:16, 07/02/2022

Theo kế hoạch đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, từ ngày 8/2, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 tại các địa bàn có mức độ dịch cấp độ 1, 2 sẽ tới trường học trực tiếp.

Ngay sau khi có thông tin được mở cửa trường học, các cơ sở giáo dục tại Hà Nội đã khẩn trương triển khai rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng, chống dịch, đồng thời lên phương án, kịch bản ứng phó với các tình huống phát sinh khi học sinh học tập trực tiếp tại trường.

Theo ông Nguyễn Khắc Thắng- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai, toàn huyện có 23 trường trung học cơ sở, 4 trường THPT công lập, 1 trường THPT ngoài công lập và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Hiện các trường đã hoàn tất việc vệ sinh, khử khuẩn, đồng thời đã xây dựng phương án, kịch bản để ứng phó với các tình huống phát sinh của dịch Covid-19 khi học sinh tới trường học trực tiếp. Với địa bàn xã Đại Thành là “vùng cam”, Phòng đã chỉ đạo các trường linh hoạt trong công tác giảng dạy, không để việc học tập của học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Phụ huynh Hà Nội đừng quên hỗ trợ tâm lý cho con trước khi trở lại trường học!
Ảnh minh họa

“Toàn bộ các trường đã chuẩn bị sẵn sàng từ cơ sở vật chất đến phương án cụ thể để đón học sinh, đồng thời gửi thông báo và đăng tải đầy đủ thông tin về việc học sinh chuẩn bị đến trường cũng như khi ở trường để phụ huynh nắm rõ, yên tâm cho con đi học”, ông Nguyễn Khắc Thắng cho biết thêm.

Theo các chuyên gia tâm lý thì sau gần một năm học sinh Hà Nội ở nhà học trực tuyến, cha mẹ cần hỗ trợ tâm lý cho con trước ngày đi học trực tiếp.

Theo ông Nguyễn Đình Sơn, Hội tâm lý học Giáo dục Hà Nội thì trường học sẽ an toàn nếu được quản trị rủi ro một cách an toàn. Mọi người cần làm việc cùng nhau để giảm sự lây truyền dịch bệnh trong cộng đồng và bảo vệ con cái.

Cha mẹ cần thảo luận với các con về việc đeo khẩu trang đúng cách, cần thay trong trường hợp cần thiết. Đến trường cũng đồng nghĩa với tinh thần sẵn sàng chấp nhận tình huống bạn hoặc bản thân là F0 nhưng con không phải bối rối, hoảng hốt vì sẽ có thầy cô, bác sĩ hỗ trợ.

Trước khi các con quay lại trường, cha mẹ nên giúp con giảm bớt thách thức trong giai đoạn chuyển đổi môi trường học, cách học và trấn an nếu con lo lắng.

Cha mẹ cũng nên có thái độ tích cực, đồng thời nhắc nhở con trẻ rằng thầy cô đều đang làm việc để giữ an toàn cho các con khi được quay trở lại trường học. Mặc dù không thể hứa với trẻ rằng các con sẽ không bị bệnh nhưng chúng ta có thể cho chúng thấy chúng ta tin tưởng vào các biện pháp phòng ngừa mà trường học đang thực hiện.

Cha mẹ cũng có thể cùng con xem xét những cách gia đình đã thực hành an toàn ở nhà và nơi công cộng, chẳng hạn như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và duy trì quy tắc giãn cách xã hội.

Thiết lập quy trình và mô hình hỗ trợ tại gia đình và nhà trường. Những ngày đầu, cha mẹ hỗ trợ nhắc nhở trẻ về lịch học hàng ngày, sách vở và dụng cụ học tập. Nhắc con có thể không ôm và nắm tay bạn như trước nhưng có thể cười nhiều hơn và vẫn có thể chơi vui mà không cần quá sát bên nhau.

Khi trẻ đến trường, đối diện với các tình huống như lớp học có F0 hay các vấn đề khiến trẻ lo lắng, áp lực, thầy cô nên hướng dẫn cho các em "mẹo bỏ túi" như: hít thở sâu; bình tĩnh đếm từ 1 đến 100; sử dụng các câu "thần chú" tích cực, nhờ sự tư vấn của thầy cô....

Về phía các trường học, khi đón học sinh đi học trở lại cũng cần khởi động mô hình Phòng tư vấn tâm lý học đường để hỗ trợ học sinh một cách hiệu quả nhất.

Hoàng Thanh