Từ mật ong rừng U Minh Hạ đến nghề di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Dòng chảy - Ngày đăng : 11:46, 06/02/2022
Nghề gác kèo ong U Minh Hạ
Có lẽ không ai rõ nghề gác kèo ong ở U Minh Hạ bắt đầu từ ai và khi nào, chỉ biết chắc rằng đến nay đây là nghề truyền thống lâu đời được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Khi chưa có nghề gác kèo ong, trước đây, người dân chỉ lấy mật ong từ thiên nhiên khi ong tự làm tổ trong rừng. Sau đó, trải qua thời gian và những kinh nghiệm trong cuộc sống, người dân thấy được tập tính của ong mật ở rừng U Minh Hạ thường làm tổ ở các thân cây nghiêng, từ đó họ nghĩ ra cách "làm nhà" cho ong và nghề gác kèo ong ra đời.
Qua bao thế hệ, nghề gác kèo ong ngày càng nhân rộng và hiện nay được xem là một nghề chính của người dân ở vùng đất U Minh Hạ (nay chủ yếu thuộc huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời của tỉnh Cà Mau).
Theo nhiều người trong nghề gác kèo ong, không phải ai cũng có thể gác kèo và có ong về làm tổ "đẻ" mật. Nếu quan sát thì chỉ thấy đơn giản là có một cây kèo gác nghiêng ở trong một đám rừng chứ không có gì khác, nhưng để cây kèo đó "dẫn dụ" được ong về là không dễ.
Để gác kèo ong, việc đầu tiên là phải chọn nơi gác kèo (còn gọi là trảng) thường là vùng có nhiều cây sậy hay tràm tương đối rậm rạp. Điểm trảng này gần khu vực có nước càng tốt, phải làm sao "hứng" được ánh sáng mặt trời thì ong mới "biết đường" về làm tổ.
Phải nhìn bằng con mắt nghề để biết "thiên thời địa lợi" mà gác kèo, chứ nếu không có kèo gác mục cả cây nhưng chẳng thấy con ong nào về vì không đúng chiều hướng. Sau khi chọn trảng tốt thì gác cây kèo (chủ yếu là cây tràm hoặc cây cau) vào trong trảng với đầu thấp, đầu cao.
Công việc thường ngày
Anh Phạm Duy Khanh, một người làm nghề gác kèo ong nhiều năm ở U Minh Hạ, cho biết nghề gác kèo ong lấy mật diễn ra quanh năm. Thường thì từ tháng 9 âm lịch trở đi, khi vừa hết mùa mưa, hoa tràm nở rộ có mùi rất đặc trưng, lúc này ong bắt đầu tìm nơi để xây tổ. Sau khi gác kèo thì chờ một thời gian để ong về "tụ tập" làm tổ và cho mật.
"Khi gác kèo xong khoảng hơn 20 ngày, thời điểm bông tràm chuyển màu cỏ úa, tổ ong thấy con đều, đã tô vôi… thì đã đến lúc có thể thu hoạch. Còn lượng mật nhiều hay ít thì còn phụ thuộc vào cách gác kèo trước đó của mình có chuẩn không. Mùa nắng có tổ ong lấy được từ 2 lít đến 10 lít mật, còn mùa mưa hơn một lít, tùy vào tổ lớn hay nhỏ. Một địa điểm có thể gác kèo khoảng 2 - 3 lần, tùy thời tiết, đảm bảo luôn có mật ong", anh Khanh chia sẻ.
Theo anh Khanh, khi đi lấy mật (người trong nghề gọi là ăn ong), người "ăn ong" cũng dùng rất nhiều đồ nghề, trong đó không thể thiếu con cúi được làm từ xơ dừa hoặc rễ gừa khô bó chặt lại, tấm lưới che mặt để không bị ong đốt (nếu người nhiều năm kinh nghiệm thì có thể không cần). Vào đến kèo ong, dùng con cúi đốt lên rồi thổi khói vào khu vực tổ ong, những con ong bị "say" khói và bay ra khỏi tổ. Thời điểm này, theo người có kinh nghiệm, nếu ong bám vào người, tốt nhất là không giết chết hoặc phủi con ong đó đi mà cứ để tự nhiên cho ong bám sẽ an toàn hơn.
Sau vài phút dùng khói để xua đi hàng ngàn con ong thì tổ ong "lộ" ra một cách "trần trụi", dễ dàng cho việc lấy mật. Nếu không dọn kèo thì người "ăn ong" chỉ cần lấy dao cắt phần có mật, còn gọi là cục mứt, chừa lại một phần để ong tiếp tục làm tổ mới và một thời gian sau là có thể lấy được tiếp đợt mật nữa. Cứ thế, hết năm này qua năm khác, nghề gác kèo ong được duy trì và trở thành một trong những "công việc thường ngày" sinh sống của người dân ở U Minh Hạ.
Cũng theo nhiều người trong nghề, có thể ít người biết đến là với nghề gác kèo ong ở đây khi đi "ăn ong" thường từng nhóm, tập hợp lại với nhau thành các đoàn "phong ngạn" (được hiểu là ong đi ăn theo hướng gió, người đi "ăn ong" cũng theo hướng gió mà đi nên gọi là phong ngạn). Mỗi nhóm người trong đoàn "phong ngạn" được giao một phần rừng để gác kèo ong và chịu luôn trách nhiệm bảo vệ phần rừng đó. Các đoàn "phong ngạn" cũng có những quy luật bất thành văn rất nghiêm ngặt về đạo đức nghề nghiệp như không bán mật ong pha, không "ăn ong" trộm của người khác…
Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Từ nhiều năm qua, nghề gác kèo ong ở U Minh Hạ đã mang lại nguồn thu hoạch rất lớn lượng mật so với lấy mật từ thiên nhiên. Chính vì thế, gác kèo ong không chỉ là nghề truyền thống mà còn mang lại một phần kinh tế không nhỏ cho người dân địa phương. Mỗi kèo trung bình 4-5 lít mật, nếu bán tại chỗ khoảng 250.000 đồng/lít thì cũng được cả triệu đồng. Có người gác nhiều kèo, trúng mánh thì mỗi kèo có khi kiếm cả chục lít, thậm chí nhiều hơn nữa.
Từ nghề gác kèo ong, vùng đất Cà Mau có mật ong rừng tràm chất lượng tốt, nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng đã công nhận sản phẩm mật ong U Minh Hạ là nhãn hiệu tập thể.
Giữa tháng 6/2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau đã tổ chức lễ công bố Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với "Nghề gác kèo ong" của huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các địa phương trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng nhấn mạnh, việc công nhận "Nghề gác kèo ong" là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đã tạo thêm động lực cho những người dân gắn bó với nghề có điều kiện phát triển kinh tế bền vững và góp phần cho công tác bảo vệ rừng, công tác giảm nghèo của địa phương đạt kết quả cao. Đây cũng là cơ hội tốt để tỉnh tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, đồng thời khai thác, phát triển du lịch.