Để những dịp vui không trống rỗng

Xã hội - Ngày đăng : 15:40, 05/02/2022

"Dịp vui mà" nhưng sẽ vui hơn với một âm lượng vừa đủ với niềm vui, trong bối cảnh, không gian và thời gian phù hợp. Thành phố đã quá đông đúc và ồn ào, có những người khác không cùng niềm vui ấy. Khó hiểu tại sao người ta lại cứ thích phô diễn bản thân bằng cường độ âm thanh?

Xem thêmTiếng ồn 'thủ phạm' âm thầm ảnh hưởng sức khỏe ra sao?

Xem thêm: Ám ảnh ‘loa kéo’ các ngày nghỉ lễ, Tết: cuộc vật lộn bất phân thắng bại?

Một lần, giữa cái nắng oi bức của tiết trời sau tết, tôi cầm ly bia lên và kinh ngạc nhìn những gợn sóng trong ly cứ rung lên từng đợt theo mấy cái loa đang nhịp đùng đùng. Đó là một bữa tiệc nhỏ, chỉ gần chục bàn trong cái sân bé tý, nhưng dàn âm thanh đủ công suất phát cho cả một sân vận động.

Nhịp tim cũng nhảy nhót theo mấy bản nhạc, thần kinh căng như bong bóng sắp phát nổ đến nơi. Thở không được, tôi bỏ ra ngồi ngoài bãi xe để trấn an mình là sẽ không đến nỗi vỡ tung. Chủ nhà hơi không hài lòng, cho rằng tôi có điều phật ý.

"Dịp vui mà" - ý chủ nhà vậy, tôi cũng chẳng phàn nàn vì có thể do mình cá biệt thôi. Quan sát kỹ trong mâm tiệc thì rõ ràng có một vài người vui. Nhưng cũng có một số thì uể oải, ngao ngán vì vừa chịu trận cái nóng lại vừa bị dàn loa đánh cho tơi tả. Người ta ngồi cho có lệ, ăn cho nhanh rồi lẳng lặng ra về.

minh-hoa-cua-dad-2229_20200720_723-100134.jpeg

Minh họa của DAD. Nguồn: Internet

Không hiếm những đám tiệc "sung" quá, rủi thay gặp phải bộ loa khủng thì quả là khổ. Người tỉnh lên hát thì còn chịu được, mấy người say lên gào thét thì vật vã. Volume cứ hết cỡ cộng với mấy bản remix thì quả là cả một bi kịch.

Bạn bè trong mâm, muốn hỏi thăm nhau một câu cứ phải kê miệng sát tai, gào lên trong tuyệt vọng: "Dạo... này... sống... ở... đâuuuuuuuuuuuuu?" Và nếu bạn không nghe rõ, gào lên hỏi lại "Cái... gì... ?" thì nản không thể tả. Nghẹn ngào, bất lực bao trùm, thôi thì cụng ly và nốc sạch cho khỏe. Tất nhiên, bạn cũng đồng ý rằng việc đó hợp lý hơn là hai người lại tiếp tục tuyệt vọng gào vô lỗ tai nhau.

Cái loa di động gọn nhẹ được mấy anh kẹo kéo ứng dụng đầu tiên để lê la các quán nhậu bán hàng. Mấy anh hát 1, 2 bản gì đó rồi dời đi chỗ khác thôi thì cũng không đến nỗi. Nhưng thường xảy ra việc, dăm ba người khách nào đó, hào hứng cho tiền anh kẹo kéo và mượn mic để hát. Và màn tra tấn lại bắt đầu và cũng dài lê thê. Nhưng họ không nghĩ thế. Thỉnh thoảng ngồi đờ đẫn ngắm họ, thấy họ đang tra tấn hàng loạt người khác một cách hân hoan và tự hào.

Phàn nàn với chủ quán thì cũng chỉ được trả lời rằng "Biết sao bây giờ anh, vui mà, hay anh cũng làm một bản đi là hết nhức đầu!"

Rồi sau mấy anh kẹo kéo là đến một dạo bùng nổ mấy cái loa wifi, nó tiện gọn đến mức đi khắp ngõ hẻm nào cũng thấy. Tuy gọn nhẹ nhưng sức công phá thì không hề thua kém vì tiếng rè, nhiều khi rất chói tai vì thiếu bass, khi mở hết công suất thì cũng đủ sức quét hết mọi âm thanh khác trong vòng 50 mét đổ lại. Sức chịu đựng cũng vì vậy mà được mở biên rộng hơn, vì không chịu được thì biết làm sao bây giờ. Có bực thì cũng chỉ tự mình làm hại thêm não vốn đã sắp nhũn vì quá tải âm thanh.

"Dịp vui mà" - nhưng dịp vui ấy đôi khi trống rỗng. Những dịp tiệc tùng, gặp gỡ là những dịp gặp nhau để trò chuyện, vui đùa, hỏi thăm, bàn luận, giao lưu, làm quen, chúc mừng, chia sẻ... Nhưng các chức năng cơ bản ấy của một dịp gặp gỡ lại không thực hiện được. Âm thanh trong cổ họng phát ra bị sóng âm của dàn loa cỡ lớn băm tan tác, bời rời trong không gian, tai thì bị đánh nhũn ra không thể bắt được thêm dao động nào nữa. Vậy nên một số dịp nào đó người ta chỉ còn mỗi cách cụng ly và nốc, cũng là nốc đầy bụng sự trống rỗng!

"Dịp vui mà" nhưng sẽ vui hơn với một âm lượng vừa đủ với niềm vui, trong bối cảnh, không gian và thời gian phù hợp. Thành phố đã quá đông đúc và ồn ào, có những người khác không cùng niềm vui ấy. Khó hiểu tại sao người ta lại cứ thích phô diễn bản thân bằng cường độ âm thanh? Người ta gây những thứ phiền nhiễu, bắt người khác phải chịu đựng mình nhưng lại cứ hồn nhiên như không, thậm chí còn pha lẫn tự hào, hân hoan?

Xem thêm: Có nhà không dám ở vì hàng xóm 'tra tấn' karaoke xuyên Tết

Đặng Bách