Trẻ mầm non, tiểu học quay lại trường học: 'Tôi tin các cháu chống đỡ tốt với Covid-19'
Xã hội - Ngày đăng : 14:01, 05/02/2022
Trường học là nơi an toàn
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình Tết nguyên đán Nhâm Dần và các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết vào chiều 3/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu mở cửa trường học trên phạm vi toàn quốc tại tất cả các cấp học từ ngày 7 – 14/2 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Thủ tướng nhấn mạnh việc mở cửa trường học phải bảo đảm để các cháu đi học an toàn, khoa học, hiệu quả, hợp lý và giúp các phụ huynh học sinh bớt lo toan.
Ảnh minh họa |
Trước chỉ đạo của Thủ tướng hầu hết các phụ huynh tỏ ra vui mừng và mong sớm được đưa con trở lại trường học. Tuy nhiên đối với cấp học mầm non, tiểu học chưa tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, nhiều phụ huynh còn băn khoăn dù rất mong con được quay lại trường.
Chia sẻ vấn đề này, PGS. TS Trần Minh Điển, Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, hiện nay Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch tiêm chủng cho nhóm tuổi từ 5-12 tuổi nhưng đang trình Chính phủ và chờ sự phê duyệt.
“Trong thời gian này vẫn nên đưa các cháu đến trường học. Bởi hiện nay miễn dịch cộng đồng đã khá tốt, biểu hiện bằng một số yếu tố như các thành viên trong gia đình đủ điều kiện tiêm chủng đã được tiêm chủng theo yêu cầu của Bộ Y tế, các thầy cô giáo đã được tiêm chủng”, PGS. TS Trần Minh Điển thông tin.
Do đó, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng bố mẹ không nên quá lo lắng, hãy yên tâm đưa trẻ đến trường. Bố mẹ nên nắm được thông tin, những giải pháp đưa ra, những kịch bản cụ thể từ trường con học về phòng chống dịch.
“Theo đó, bố mẹ cần chuẩn bị tâm lý thật tốt cho các cháu quay trở lại trường học tất cả các cấp từ mầm non đến đại học, chuẩn bị tâm lý để các cháu quay trở lại trường học mà các cháu không lo sợ, e ngại.
Tôi cũng khuyên với cha mẹ nếu ở nhà có người nhiễm thì không đưa các cháu đến trường và thực hiện cách ly theo hướng dẫn của y tế địa phương. Hoặc các cháu có bất kỳ dấu hiệu nào như ho, sốt… thì cũng cho con nghỉ học, không đưa đến trường. Nếu các cháu tiếp xúc ở trường với bạn mắc Covid-19 hoặc ở nhà thì nên theo hướng dẫn y tế địa phương.
Cần chuẩn bị cẩn thận, có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường thì chúng ta hoàn toàn có thể an tâm đối với nhóm trẻ chưa được tiêm vắc xin đến trường”, PGS. TS Trần Minh Điển nhấn mạnh.
Tuy nhiên ông cũng lưu ý đối với nhóm trẻ có nguy cơ cao như béo phì, mắc bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch… thì nên thận trọng để cho các cháu tiếp xúc mạnh.
“Nếu đủ điều kiện thì nhóm này nên được tiêm chủng trước khi đến trường học. Trong quá trình ở trường nhóm này cũng nên được theo dõi cẩn thận hơn nhờ y tế của trường học, các thầy các cô, cha mẹ và y tế địa phương”, Giám đốc BV Nhi Trung ương lưu ý.
Trẻ nhiễm bệnh cần phải làm gì?
Trả lời câu hỏi khi trẻ nhỏ tuổi bị nhiễm thì cha mẹ sẽ phải làm gì, có cần khám sàng lọc lại cho các em sau khi đã âm tính, PGS. TS Trần Minh Điển cho biết, hiện tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 tương đương như người lớn nhưng tỷ lệ trở nặng, tử vong so với người lớn thấp hơn rất nhiều. “Đây là yếu tố tôi tin các cháu có thể chống đỡ tốt với Covid-19”, PGS. TS Trần Minh Điển cho hay.
PGS. TS Trần Minh Điển |
Theo PGS. TS Minh Điển, khi các cháu mắc nên đưa đến trung tâm y tế địa phương để đánh giá, xác định với tình trạng của bé nên ở nhà hay đến cho đến bệnh viện.
Thông thường trẻ mắc Covid-19 được đưa đến viện với những nhóm trẻ có nguy cơ hoặc có triệu chứng nặng còn hầu hết thì điều trị tại nhà.
Với điều trị tại nhà thì các bậc phụ huynh sẽ theo hướng dẫn của y tế địa phương (có làm test hay không làm test cũng nên theo hướng dẫn).
“Bởi vì nếu các cháu khoẻ mạnh hoàn toàn bình thường thì 7 ngày kiểm tra lại (test) chứ không nên hàng ngày kiểm tra làm gì sẽ tốn kém cho cả xã hội”, PGS. TS Trần Minh Điển nhấn mạnh.
Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng chỉ ra 4 phương án tối ưu để các bé đến trường an toàn, cụ thể:
Đầu tiên là đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho các thầy các cô và các học trò.
Thứ hai, xây dựng kịch bản ứng phó một cách linh hoạt tại mỗi trường học. Đây là vấn đề rất quan trọng mà các thầy các cô, BGH các trường học lưu ý để ứng phó một cách tốt nhất. Theo đó, các thầy các cô, BGH cần liên hệ với y tế địa phương để cùng xây dựng kịch bản đó.
Thứ ba, thiết lập hệ thống giám sát dịch tễ ngay trong trường học, tự mỗi các thầy các cô đứng lớp là nhân viên dịch tễ để giám sát được các cháu cho thật tốt để khi có trường hợp xảy ra thì ứng phó ngay lập tức được.
Thứ 4, xây dựng văn hoá 5K trong mỗi trường học. Đây là yếu tố rất quan trọng để thiết lập được phương án tối ưu cho một trường học đón các cháu quay lại trường.
N. Huyền