Có nhà không dám ở vì hàng xóm 'tra tấn' karaoke xuyên Tết
Xã hội - Ngày đăng : 07:30, 05/02/2022
Bé Bin (15 tháng tuổi) đang nằm ngủ trên giường, chợt tiếng hát thất thanh của nhà hàng xóm vang lên, cậu bé giật mình khóc toáng. Chị Hà Trang (28 tuổi, mẹ bé) than thở: “Từ 28 đến mùng 1, tầm 22h ngày nào cũng thế, tôi vừa ru con ngủ xong thì nhà hàng xóm lại hát karaoke ầm ĩ. Con không ngủ được lại quấy khóc, cả nhà phải thay nhau dỗ”.
Vào thời điểm Tết Nguyên đán, năm nào cũng có rất nhiều người than phiền vì bị karaoke hàng xóm "tra tấn", đặc biệt là vào thời điểm nửa đêm, khi mọi người cần nghỉ ngơi.
Vui thôi đừng vui quá
3 ngày Tết, gia đình chị Hà Trang ở Tây Mỗ, Hà Nội rơi vào tình trạng "dở khóc dở cười" vì có nhà không dám ở, phải sang nhà bà ngoại bên Đông Anh tá túc vì hàng xóm hát karaoke quá ồn. "Tết nhất họ hàng bạn bè đến chơi nhưng 19h tối nào vợ chồng tôi cũng khóa cửa sớm đưa cho con sang ông bà ngoại để con có giấc ngủ trọn vẹn", chị Trang nói.
Chị Trang cho biết, hàng xóm nhà chị hát chủ yếu vào ban đêm, hát rất to với cái loa công suất lớn, đến cửa kính nhà cũng bị rung. Mặc dù nhà chị đã đóng hết cửa chính, cửa phụ đến cửa sổ... nhưng cũng không thể tránh nổi tiếng ồn. Con vừa say giấc được 10 phút thì lại bị đánh thức, mẹ lại phải mất công ru lại từ đầu.
"Tôi và chồng đều bị đau đầu và mệt mỏi. Nhà tôi có trẻ nhỏ cần phải nghỉ ngơi sớm. Năm trước, chồng tôi đã sang nhắc nhở một lần nhưng chủ nhà uống say, còn tỏ thái độ ra mặt và nói "nhà tôi, tôi muốn làm gì thì làm". Để tránh xảy ra va chạm, tôi phải kéo chồng về sớm. Các hộ gia đình xung quanh cũng từng phản ánh đến ban quản lý chung cư, nhưng không ăn thua. Chỉ được một ngày là hôm sau họ lại hát như chưa từng bị nhắc nhở", chị Trang than thở.
Là một người rất yêu âm nhạc nhưng chị Bùi Thị Lan Anh (27 tuổi) ở chung cư quận Hà Đông, Hà Nội, cũng không thể chịu nổi tiếng hát của hàng xóm. Trong bầu không khí vui tươi, chào đón năm mới nhưng hôm nào chị cũng phải nghe những ca từ buồn rầu “Phận đời con gái chưa một lần yêu ai, nhìn về tương lai mà thấy như sông rộng đường dài" hay là "Đời tôi cô đơn nên yêu ai chẳng bao lâu, ngày mai đây em lên xe hoa bước theo chồng"...
Không chỉ ban ngày mà tối muộn họ cũng hát. Nhà ở sát vách nhau nên hôm nào chị và gia đình cũng thưởng thức trọn vẹn liveshow những đêm không ngủ của hàng xóm.
Chia sẻ bài đăng lên mạng xã hội, chị Lan Anh nhận được không ít bình luận đồng cảm: “Hàng xóm nhà tôi ngày nào cũng “đập vỡ cây đàn” mà đập cả mấy ngày không thấy vỡ”. "Bên cạnh nhà tôi thì cứ như câu lạc bộ tổ chức sự kiện, hôm nào cũng hú, hét ầm ĩ", "những tưởng mấy ngày Tết được nghỉ ngơi thư giãn, ai ngờ ở nhà còn bị hàng xóm tra tấn áp lực hơn đi làm".
Còn rất rất nhiều những câu chuyện bức xúc đến từ việc hát karaoke của những "ca sĩ không chuyên". Có gia đình cho rằng, họ không thể xem tivi, đọc báo hay trò chuyện với các thành viên trong nhà vì tiếng ồn phát ra từ hàng xóm. Thế nhưng vì là đầu năm mới, để tránh ảnh hưởng đến hòa khí nên họ cũng không dám góp ý.
Hát karaoke sau 0h có thể bị phạt tiền
Theo luật sư Hoàng Trọng Giáp, Đoàn luật sư Hà Nội, hành vi tụ tập hát karaoke ở khu dân cư sau 0h vi phạm quy định trong Nghị định 167/2013 của Chính phủ. Điều 6 Nghị định này nêu việc xử phạt những vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung.
Trong đó, hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 6h hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng (đối với cá nhân) và 200.000-600.000 đồng (đối với cơ sở kinh doanh).
Ngoài ra, Nghị định 54/2019 còn đề ra khung giờ cấm hoạt động dịch vụ của cơ sở kinh doanh karaoke là từ 0h đến 8h hôm sau. Cơ sở vi phạm sẽ bị phạt hành chính 5-10 triệu đồng theo quy định tại Điều 19 của Nghị định.
Cũng theo luật sư, Điều 17 Nghị định 155/2016 quy định các mức xử phạt hành chính đối với việc gây tiếng ồn trong khu dân cư ngoài các khung giờ cấm trên.
Theo đó, tiếng ồn ở mức 2-9 dBA thì bị phạt tiền 1-20 triệu đối với cá nhân, 2-40 triệu đối với tổ chức vi phạm.
Tiếng ồn trong khoảng 10-30 dBA sẽ bị phạt tiền 20-100 triệu đối với cá nhân, 40-200 triệu đồng dành cho tổ chức. Hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở trong thời gian 3-6 tháng.
Còn nếu gây tiếng ồn ở mức từ 30 dBA trở lên, cá nhân bị phạt tiền 100-160 triệu, tổ chức hay cơ sở vi phạm bị phạt 200-320 triệu và bị đình chỉ hoạt động 6-12 tháng.
VŨ VÂN