Những lời khuyên ‘để đời’ của các tỷ phú nổi tiếng thế giới
Đối ngoại - Ngày đăng : 07:22, 05/02/2022
Biết cho đi
Tỷ phú Bill Gates là một doanh nhân người Mỹ, nhà từ thiện và chủ tịch tập đoàn Microsoft phát biểu trong lễ tốt nghiệp tại trường Đại học Havard từng chia sẻ: '”Mẹ tôi chưa bao giờ ngừng thúc giục tôi hãy làm thật nhiều cho người khác. Tôi còn nhớ trong một buổi lễ, dù sức khỏe yếu bởi căn bệnh ung thư, bà đã đọc một lá thư rất dài gửi đến mọi người, tận dụng cơ hội có được để truyền tải thông điệp kết bài phát biểu: Những ai nhận được nhiều, cũng có trách nhiệm cho đi nhiều hơn”.
Những lời khuyên ‘để đời’ của các tỷ phú nổi tiếng thế giới. (Ảnh: RIA) |
Người mẹ chính là nguồn cảm hứng của tỷ phú này. Hiện ông là sáng lập của The Giving Pledge, tổ chức quy tụ những cá nhân giàu có cam kết từ thiện hơn một nửa khối tài sản của mình. Ông cũng là đồng sáng lập của quỹ từ thiện Bill and Melinda Gates Foundation, giúp đỡ những trẻ em nghèo trên toàn thế giới.
Đừng bao giờ từ bỏ hy vọng
Để thành công, bạn phải không ngừng phát triển và đổi mới. Giả sử bạn đã đạt được tất cả các mục tiêu của mình trong năm nay. Bạn có định duy trì những mục tiêu này trong năm tới không? Đây là cách tâm trí của nhà sáng lập Amazon, tỷ phú Jeff Bezos làm việc. Ông ấy luôn nghĩ về điều quan trọng tiếp theo. Ví dụ, làm thế nào để một mô hình dịch vụ khách hàng thành công có thể trở nên thành công hơn nữa?
“Mọi người luôn thèm ăn những thứ tốt nhất và điều tuyệt vời của ngày hôm qua nhanh chóng trở thành bình thường của ngày hôm nay. Bạn không thể nghỉ ngơi trên vòng nguyệt quế trong thế giới này”, ông Bezos đã viết trong lá thư thường niên năm 2017 gửi các cổ đông của Amazon.
Đầu tư kiến thức cho bản thân
“Xét cho cùng, có một khoản đầu tư có thể thay thế tất cả khoản đầu tư khác: Đó chính là đầu tư cho bản thân! Không ai có thể tước đi năng lực của bạn. Mọi người đều có tiềm năng của riêng mình, chỉ đơn giản là họ chưa dùng đến nó mà thôi”.
Theo nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, muốn thành công trước tiên phải đầu tư kiến thức cho bản thân. Ví dụ như những người làm kinh doanh, trước tiên phải đầu tư vào bản thân bằng cách mở rộng và nâng cao kiến thức về tài chính.
Ngoài ra, những người trẻ cũng có thể đầu tư cho chính mình bằng cách học các kĩ năng sống để làm cho bản thân đáng giá hơn.
Ông Buffett cho biết, ông đã từng rất sợ hãi khi nói trước công chúng. Vì vậy, ông đã tham gia một khóa học nói trước công chúng của Dale Carnegie và đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp sau này. Thậm chí, ông còn dám cầu hôn người bạn gái Susan.
Người sáng lập và cựu Giám đốc điều hành của Tập đoàn Amazon. (Ảnh: AP) |
“Tôi không có bằng tốt nghiệp Đại học Nebraska trên tường văn phòng của mình và tôi cũng không có bằng tốt nghiệp Đại học Columbia, nhưng tôi có bằng tốt nghiệp của Dale Carnegie một cách tự hào”, nhà đầu tư Warren Buffett viết trong một bài luận vào năm 2015.
“Khóa học trị giá 100 USD này đã mang lại cho tôi bằng Tiến sĩ quan trọng nhất mà tôi có. Nó chắc chắn có tác động lớn nhất đến thành công sau này của tôi”, ông Buffett nói thêm.
“Hãy cải thiện những điểm yếu kém và thực hiện nó ngay lúc này! Cho dù bạn có học được nhiều hay không thì cũng hãy bắt đầu ngay trong ngày hôm nay. Đừng chờ đợi cho đến lúc bạn đã già”, CEO Berkshire Hathaway nói.
Tập trung và không trì hoãn
Chúng ta đang sống trong một thế giới rất mất tập trung. Mặc dù việc ưu tiên cân bằng giữa công việc và cuộc sống là rất quan trọng, nhưng những người giàu nhất sẽ không trở nên giàu có nếu họ sống buông thả và để mọi thứ bị trì hoãn.
Trong cuộc phỏng vấn với tỷ phú Jeff Bezos đã nói về cách ông ấy tập trung đó là chỉ làm một nhiệm vụ tại một thời điểm. “Khi tôi ăn tối với bạn bè hoặc gia đình, tôi thích làm những gì mình muốn. Tôi không thích làm nhiều việc một lúc”, ông Bezos nói.
Trong khi đó, tỷ phú Elon Musk thuộc tuýp người năng động. Người bạn thời đại học của Elon, Navid Farouk, gọi CEO Tesla là “người đề cao và quyết đoán”.
“Khi Musk quan tâm đến điều gì đó, anh ấy quan tâm đến nó khác với những người khác”, Farouk nói.
“Khi bạn gia nhập vào một thị trường đã tồn tại, cạnh tranh với các đối thủ lớn thì các sản phẩm hay dịch vụ của bạn cần phải tốt hơn rất rất nhiều so với họ. Nó không thể chỉ tốt hơn một chút được, bởi bạn hãy thử đặt mình vào vị trí của người tiêu dùng để suy nghĩ… Nếu như sản phẩm đó không có sự khác biệt cực lớn, thì bạn sẽ luôn luôn mua sản phẩm của những thương hiệu đáng tin cậy”.
Elon Musk - nhà tài phiệt, nhà phát minh, doanh nhân công nghệ và nhà từ thiện người Mỹ gốc Nam Phi. (Ảnh: AP) |
Theo ông Musk, nếu xây dựng một sản phẩm hoặc cung cấp một dịch vụ mới thì nó không thể chỉ tốt hơn “một chút” so với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, nó phải là hoàn hảo.
Chú trọng đến chi tiết
Steve Jobs, nhà đồng sáng lập và cựu giám đốc điều hành Apple từng nổi tiếng với câu nói: “Khi bạn là một người thợ mộc đang làm một chiếc tủ kéo tuyệt đẹp, bạn sẽ không dùng gỗ dán kể cả là ở phía sau, mặc dù mặt này thường đối diện với tường và chẳng ai nhìn thấy. Bạn biết nó ở đó, vì thế bạn vẫn sẽ phải dùng gỗ tốt”.
Chủ nghĩa hoàn hảo đã trở thành triết lý xuyên suốt quá trình làm việc của ông. Chỉ cần một lỗi nhỏ, một chi tiết chưa hoàn hảo trên thiết kế, Jobs sẵn sàng thiết kế loại toàn bộ các mẫu iPhone và iPad cho đến khi sản phẩm thật sự hoàn hảo mới tung ra thị trường, dù quyết định này có tiêu tốn nhiều tiền bạc, thời gian và đặc biệt là chi phí cơ hội.
Thanh Bình (lược dịch)