Lão nông Việt làm hàng VIP: Một cân vải 600 nghìn, dâu tây 1,2 triệu/kg

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 07:10, 05/02/2022

Ít nhưng chất, những trái cam, quýt, dâu tây, mận hay chanh leo,... được đóng hộp sang chảnh bán với giá cao đến khó tin. Trào lưu sản xuất nông nghiệp theo hướng bán tinh hoa, hưởng giá trị đang giúp người nông dân giàu lên trên vườn đồi.

Đổi phận cho trái cây

Giữa lúc cam sành được chất đống ngoài chợ, chào bán la liệt giá chỉ 8.000-15.000 đồng/kg, thì tại Hội chợ Xuân Nhâm Dần 2022, một hộp 12 trái cam Queen lại được bán với giá 165.000 đồng, tức 14.000 đồng/quả. Mức giá cao đến khó tin.

Rất nhiều người khi thấy những trái cam đều tăm tắp, vàng óng, từng quả được bọc trong lưới xốp có tem truy xuất nguồn gốc... quyết định đặt mua ngay mà không đắn đo đắt rẻ. Bởi, chỉ nhìn thôi đã thấy đây là những quả cam chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, khác hoàn toàn với cam đổ đống bán ngoài chợ. Cũng bởi vậy, không chỉ mua ăn, nhiều người còn mua làm quà biếu tặng người thân, bạn bè dịp Tết.

Để sản phẩm cam sành Hà Giang có một diện mạo hoàn toàn mới trên thị trường, chị Hoàng Thị Hảo - đại diện dự án cam Queen Hà Giang - cho biết, đơn vị này đã tuyển chọn các hộ nông dân có những vườn cam 20 năm tuổi tham gia liên kết sản xuất.

Nông dân được tập huấn quy trình canh tác hữu cơ, từ trồng đến khi thu hoạch. Cam được cắt chọn nhẹ nhàng từng quả, sơ chế, sục rửa ozone và sử dụng công nghệ hút ẩm giúp quả cam sáng bóng, đẹp mắt và giữ được độ tươi ngon lâu dài cho đến đến tay người tiêu dùng.

Lão nông Việt làm hàng VIP: Một cân vải 600 nghìn, dâu tây 1,2 triệu/kg
Nhiều loại trái cây của nông dân được đưa ra thị trường với diện mạo hoàn toàn mới

“Sản phẩm này hướng tới phân khúc làm quà biếu và khách chuộng chăm sóc sức khỏe. Chúng tôi cũng đang hoàn thiện thủ tục để xuất khẩu cam sành Hà Giang nhãn hiệu cam Queen sang thị trường Dubai và Bắc Âu", chị Hảo cho biết.

Giữa năm 2021, khi quả mận tại nhiều địa phương bế tắc đầu ra, giá giảm mạnh do ảnh hưởng dịch Covid-19 thì mận hậu Ruby tại Mộc Châu (Sơn La) bất ngờ gây tiếng vang, giá bán lên tới 250.000 đồng/kg. Ngay sau khi chào bán, mận được người tiêu dùng đón nhận, có thời điểm còn “cháy hàng”.

Ông Hà Như Huệ - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La - thông tin, đây là lần đầu tiên tỉnh liên kết cùng DN cho ra mắt sản phẩm mận hậu cao cấp. Những quả mận hậu Ruby được tuyển chọn kỹ lưỡng và nghiêm ngặt từ những vườn mận trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, GlobalGAP. Khoảng cách trồng giữa các cây là 5-6m để cây hấp thụ đầy đủ ánh sáng mặt trời, hạ tán tỉa cành, giảm bớt số lượng trái.

Mận thu hoạch tại vườn được phân loại theo chất lượng như trái tròn đều còn phấn, vừa chín tới, không bị dập đầu, không có dấu hay vết xước. Thu hái xong, được đem đi kiểm nghiệm chất lượng rồi đóng hộp chuyển tới hệ thống phân phối.

Những ngày cận kề Tết Nhâm Dần, dâu tây rẻ quạt mà nông dân Mộc Châu liên kết với doanh nghiệp trồng cũng xuất hiện ở hệ thống trái cây cao cấp bậc nhất. Những quả dâu căng mọng, đỏ chót được đóng trong hộp sang chảnh, không kém gì hàng Nhật. Giá dâu là 2-5 triệu đồng/hộp, tức 1,2 triệu đồng/kg. Đáng chú ý, quả dâu tây này trở thành siêu phẩm, liên tục “cháy hàng”.

Bán trái tinh hoa, nông dân làm giàu trên vườn đồi

Cách đây vài năm, một doanh nghiệp có hệ thống cửa hàng trái cây ở Hà Nội đã liên kết với nhà vườn ở Lục Ngạn (Bắc Giang) trồng vải thiều theo tiêu chuẩn hữu cơ. Đến mùa thu hoạch, vải hữu cơ được tuyển chọn kỹ lưỡng, đóng vào hộp giấy (được đặt làm từ Nhật Bản). Trong hộp, quả vải được đặt nổi trên nền vải lụa vàng, phía ngoài hộp có dán tem truy xuất nguồn gốc, người dùng chỉ cần dùng điện thoại tra cứu sẽ ra toàn bộ thông tin về sản phẩm.

Lão nông Việt làm hàng VIP: Một cân vải 600 nghìn, dâu tây 1,2 triệu/kg
Người nông dân thay vì làm lấy sản lượng, nay chọn liên kết với DN để sản xuất trái cây cao cấp (ảnh: K.Nguyên)

Một hộp vải thiều hữu cơ 12 quả có giá 200.000 đồng (gần 17.000 đồng/quả, 600.000 đồng/kg). Mức giá cao ngất ngưởng này ngay lập tức gây xôn xao, bởi trước nay người dân vốn mua vải thiều theo cân, giá chỉ vài chục ngàn, thậm chí chỉ 10.000-20.000 đồng/kg.

“Làm vải hữu cơ, quả thu được không nhiều như trước nhưng tiền thu nhiều hơn, đếm sướng tay”, bà Trương Thị Bảy liên kết với DN trồng vải thiều cao cấp tại xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) chia sẻ. Từ năm đó, vải thiều của gia đình bà không còn lo đầu ra, doanh thu đạt tới con số tiền tỷ.

Nhưng phải đến năm 2021, liên kết trồng trái cây để phục vụ phân khúc thị trường cao cấp mới bắt đầu trở thành trào lưu. Nhiều loại trái cây như dâu tây, quýt sim, mận hậu, cam sành... có thêm diện mạo mới.

Bán chanh leo ngọt với giá 300.000 đồng/hộp 15 quả, anh Nguyễn Thạch Tùng Linh - Giám đốc DN chanh leo ngọt ở Mộc Châu, cho hay, đây là sản phẩm cao cấp DN liên kết với nông dân trồng, với quy trình canh tác nghiêm ngặt, tuyển chọn khắt khe.

Theo anh Linh, thay vì làm hàng bình dân, bán đổ đống, anh chọn làm hàng phục vụ phân khúc cao cấp. Đặc biệt, loại chanh vip quả to tròn, chất lượng ngon ngọt nhất, có tem nhãn truy xuất nguồn gốc, từng quả được bọc trong lưới xốp và đặt trong hộp quà đẹp mắt còn hướng tới phân khúc quà biếu tặng.

Tại Sơn La, anh liên kết với bà con trồng chanh leo ngọt từ cuối 2019, sang năm 2020 thì cho thu hoạch. Diện tích liên kết đến nay là 100ha. Có hộ chỉ trồng 0,5 ha, năm cũng thu hơn 100 triệu đồng. Còn những hộ nhiều trồng 2-3 ha, hay 5 ha, thì cho thu tiền tỷ, trở thành những triệu phú, tỷ phú vùng cao.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng, người dân ở đô thị giờ không chỉ mua trái cây vì là hàng ngon mà còn vì cảm xúc, vì câu chuyện. Thế nên, có những người chấp nhận trả giá cao đặt mua từ lúc trồng để cùng trải nghiệm cảm giác chăm sóc cây trái cho đến khi hưởng thành quả.

Lão nông Việt làm hàng VIP: Một cân vải 600 nghìn, dâu tây 1,2 triệu/kg
Tạo ra sản phẩm tinh hoa là hướng để nâng cao giá trị sản phẩm (ảnh: Cam Queen)

Đó là một thị trường đẳng cấp, sẽ sớm xuất hiện, nhất là với người tiêu dùng ở tầng lớp trung lưu. Ông nhận định, đây là cơ hội cho kinh tế hộ, cho các cở sở sản xuất nhỏ trong nông nghiệp chuyển từ cuộc đua sản lượng sang làm hàng chất lượng cao, bán tinh hoa, hưởng giá trị.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, chúng ta cùng nhau chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, cùng nhau theo đuổi mục tiêu tạo thêm giá trị gia tăng, thay cho mục tiêu nâng cao sản lượng. Trước kia, ta thường bán cái mình có, hàng sản xuất ra bán tươi, bán thô. Phải từ bỏ tư duy này để chuyển sang bán cái thị trường cần. Thay vì bán số lượng nay chuyển sang bán giá trị.

Ông lưu ý, ngoài nhu cầu mua ăn còn mua làm quà biếu tặng. Muốn vậy, sản phẩm đòi hỏi không chỉ ngon, tốt mà còn phải đẹp. Không chỉ đẹp về mẫu mã mà còn phải đẹp về những cảm xúc xung quanh sản phẩm, để người ta cảm thấy đó xứng đáng là món quà tặng ý nghĩa. Khi đó, họ sẽ chấp nhận mua hàng với giá cao.

Cùng với đó, cần tạo ra những câu chuyện về sản phẩm, để giúp gia tăng giá trị. Đây cũng chính là cách để quảng bá thương hiệu sản phẩm.

Ở Việt Nam, có vô số loại trái cây đặc sản nổi tiếng thơm ngon. Nếu biết chọn lựa sản phẩm tiêu biểu để xây dựng thương hiệu gắn với quy trình sản xuất, trồng trọt đến chế biến, tiêu chuẩn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý; gắn với câu chuyện văn hoá, cảm xúc, hình ảnh để tạo sự khác biệt... thì một ngày không xa, chúng ta sẽ có thêm nhiều sản phẩm thương hiệu trái cây cao cấp, đem về giá trị cao.

Tâm An