Nghiên cứu đề xuất của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN về kinh tế số

Cuộc sống số - Ngày đăng : 15:44, 04/02/2022

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ TT&TT nghiên cứu, đề xuất và có báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/2 về một số vấn đề liên quan đến kinh tế số được Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đề xuất.

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho hay, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN mới đây đã có văn bản đề xuất một số vấn đề liên quan đến kinh tế số.

Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN nhận định, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng ở mức 6,5% - 7% cho giai đoạn 2021 - 2025. Điều này có nghĩa nền kinh tế cần có sự nhảy vọt đáng kể về năng suất và hiệu quả tổng thể trong 4 năm tới. Chuyển đổi số triệt để trên diện rộng là chìa khóa để đạt được mục tiêu trên. Các công ty Hoa Kỳ, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực công nghệ, đang ở vị trí tốt nhất để giúp Việt Nam trong nỗ lực này.

Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ được biết có một số quy định rất quan trọng được sửa đổi hoặc soạn thảo mới bởi các cơ quan hữu quan, hiện đang chờ phê duyệt. Những quy định này bao gồm dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật An ninh mạng, và dự thảo Nghị định về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực an ninh mạng. Tất cả những dự thảo trên, theo Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, đều sẽ có tác động đáng kể đến mức độ đầu tư của các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ cho nền kinh tế tri thức của Việt Nam.

Nghiên cứu đề xuất của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN về kinh tế số
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP và chiếm 30% vào năm 2030 (Ảnh minh họa)

Cũng trong văn bản đề xuất đối với quy định về kinh tế số, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan có cách tiếp cận tổng thể trong việc xây dựng một khung khổ pháp lý cho nền kinh tế số. “Điều này đặc biệt cần thiết vì Việt Nam gần như chắc chắn sẽ được mời tham gia cùng Hoa Kỳ và các nền kinh tế chủ chốt khác trong khu vực vào quá trình xây dựng Khung kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) mà một trong các mục tiêu là hài hòa hóa các quy tắc và tiêu chuẩn cho nền kinh tế số giữa các quốc gia thành viên”, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN nhấn mạnh.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có ý kiến yêu cầu Bộ trưởng Bộ TT&TT nghiên cứu, đề xuất và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/2/2022.

Kinh tế số là một trong 3 trụ cột chính của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 6/2020. Mục tiêu cụ thể đặt ra là đưa kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và chiếm 30% vào năm 2030. Trong 2 năm gần đây, theo số liệu của Bộ TT&TT, tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước tính đã tăng từ 8,2% năm 2020 lên đạt 9,6% năm 2021, tăng trưởng khoảng 14%. Các chuyên gia đánh giá, hiện tiềm năng kinh tế số của Việt Nam còn rất lớn và có thể đứng ở vị trí thứ 2 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.

Trong định hướng phát triển ngành TT&TT năm 2022 và giai đoạn 2022 - 2024, với lĩnh vực kinh tế số, Bộ TT&TT đã xác định một nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay là cập nhật, hoàn thiện để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số và tổ chức thực hiện chiến lược này sau khi được ban hành.

Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế số để giúp mỗi người dân giàu có hơn; phát triển xã hội số đi đôi với tạo dựng các giá trị văn hóa phù hợp với thời đại số, tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận, tiếp thu có chọn lọc giá trị văn hóa thế giới, làm giàu đời sống tinh thần của người Việt; phát huy sự sáng tạo của người dân trong xã hội số, bảo vệ người dân trước các môi nguy cơ, đe dọa trong xã hội.

Cũng trong năm 2022, Bộ TT&TT sẽ đẩy mạnh hoàn thiện thể chế để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh tế số và xã hội số. Xây dựng và trình Chính phủ, Quốc hội dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật giao dịch điện tử sửa đổi để công nhận đầy đủ tính pháp lý của hồ sơ, dữ liệu, chứng từ điện tử và giáo dịch điện tử; tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử; để việc thực hiện giao dịch điện tử mang lại nhiều lợi ích hơn, rẻ hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn và an toàn hơn việc thực hiện giao dịch theo các phương thức truyền thống.

Cùng với đó, nghiên cứu đề xuất phương án xây dựng Nghị định của Chính phủ về kinh tế số nền tảng và quản lý nền kinh tế số, dịch vụ số và kinh doanh trực tuyến. Nghiên cứu đề xuất phương án xây dựng Khung kỹ năng số quốc gia, Chuẩn kỹ năng số cho người sử dụng và chứng nhận đạt chuẩn...

Vân Anh