Ám ảnh ‘loa kéo’ các ngày nghỉ lễ, Tết: cuộc vật lộn bất phân thắng bại?
Xã hội - Ngày đăng : 15:09, 02/02/2022
Xem thêm: Tiếng ồn 'thủ phạm' âm thầm ảnh hưởng sức khỏe ra sao?
Xem thêm: Xử lý ô nhiễm tiếng ồn: ý thức vẫn là quan trọng
Xem thêm: Xử lý ô nhiễm tiếng ồn dịp lễ Tết: 'mèo lại hoàn mèo'?
Với hầu hết người lao động, mỗi ngày nghỉ cuối tuần, mỗi dịp nghỉ lễ là cơ hội để nghỉ ngơi thư giãn và sum họp gia đình. Tuy nhiên, với nhiều người những ngày nghỉ ở nhà bỗng trở thành những cơn ác mộng.
Đi khách sạn trốn "loa kéo"
Từ Bình Thuận vào Bình Dương thăm vợ chồng con trai, ông Nguyễn Thắng Hiền (ngụ Bắc Bình) được hàng xóm “đón tiếp” bằng trận nhậu kèm karaoke từ trưa đến nửa đêm. Mệt mỏi sau chuyến xe đường dài không giúp ông lão 62 tuổi chìm vào giấc ngủ. Dù lương kỹ sư, nhưng hai con nhỏ và vợ nội trợ buộc Hùng, con trai ông, chấp nhận thuê phòng ở khu trọ công nhân, nằm phía sau công ty gỗ ở Tân Uyên.
“Vì có ba vào nên em ở nhà chứ thường Chủ nhật em với vợ con đi… khách sạn nghỉ ngơi. Họ nhậu nhẹt hát hò suốt ngày thì điếc cũng không ngủ nghỉ được. Làm cả tuần vất vả chỉ mong ngày nghỉ ngủ bù mà không được”, Hùng than thở. Chịu đựng đến ngày thứ 3, ông Hiền nhất quyết về quê vì ngay cả đến nựng mấy đứa cháu ông cũng phải ghé sát tai mới nghe được.
Hùng kể câu chuyện thật như đùa ấy bằng vẻ hoảng hốt. Khu trọ 25 phòng, chừng 16m2/phòng nhưng tổng cộng có 8 thùng loa kéo. Trước đây, họa hoằn khi có tiền thưởng dịp lễ Tết, công nhân xóm mới dám chơi sang ra quán karaoke để “tăng hai”, tốn cả triệu bạc tiền phòng, bia bọt. Bây giờ chỉ tầm 2-3 triệu đã có một chiếc loa loại khá, những gia đình công nhân ở đây hùn nhau mua chung.
“Ngày nào họ cũng hát, bên này xong lại sang bên kia… giao lưu tặng nhau vài bài. Không hát nổi thì mở cải lương, nhạc trẻ… Tội nghiệp nhất là mấy nhà có trẻ con, không ngủ nghỉ gì được. Mình lịch sự ra nhắc nhở họ nhìn như kẻ thù”, kỹ sư trẻ ngao ngán.
Chủ trọ ở cách đó 1 km, tháng đôi lần ghé đến nếu không thu tiền thì ông “cổ đông” con gà, thùng bia để… hát và thẳng thừng tuyên bố “đứa nào không ở được thì dọn, để tụi tao chơi”. Bốn năm về Bình Dương làm việc, Hùng đổi trọ 5 lần.
‘Từ nhỏ ba chưa sợ cái gì, vào đây sợ mấy ông hát loa kéo’, ba của Hùng ngao ngán và nhất quyết đòi con chở ra bến xe để về quê.
Thiếu những phông nền văn hóa nhất định
Chọn cách bỏ về quê hay đổi chỗ trọ như cha con Hùng, xem ra là một kiểu nhẫn nhịn đáng khen. Trong sự kích động của âm thanh và bê tha của rượu chè, rất khó để giữ sự bình tĩnh.
Một tuần trước năm mới 2022, anh Võ Hồng Dương (ngụ TX Bình Long, Bình Phước) không chịu nổi sự tra tấn từ loa karaoke của 4 thanh niên trong xóm trọ gần nhà đã lao sang phản ứng và bị đâm chết. Thời điểm xảy ra vụ việc là hơn 21 giờ. Chi tiết đó cho thấy việc “hát đúng giờ quy định” với nhiều người chỉ có giá trị “tham khảo”.
Nếu gõ vào Google từ khóa “án mạng từ karaoke”, sẽ thấy vô số những câu chuyện đau lòng như trên. Những nạn nhân của âm thanh bỗng chốc trở thành thủ phạm. Một cái sai được sửa bằng một cái sai khác nghiêm trọng hơn.
Ở những xóm trọ công nhân dày đặc tại Bình Dương, những câu chuyện như Hùng kể hoàn toàn không hiếm. Hát karaoke ầm ĩ gây phiền hà xóm làng là một phần của “ô nhiễm âm thanh” nhưng sức công phá lại mạnh nhất.
Vì sao người ta thích hát, hát bất chấp phép ứng xử cộng đồng tối thiểu? Có lẽ thực trạng đang phản ánh những thiếu thốn trong thưởng thức văn hóa nói chung của một số người dân. Môi trường làm việc nặng nhọc, căng thẳng khiến nhiều người thích tìm đến bia rượu, hát hò để giải khuây nhiều hơn chơi thể thao, đọc sách. Cánh đàn ông sau giờ làm ở công ty không có gì khác ngoài tụ tập nhậu nhẹt. Nhậu thì phải hát cho vui.
Hát Karaoke từ một thú vui lành mạnh đã trở thành “vấn nạn” thực sự kể từ khi những chiếc loa kéo xuất hiện. Báo đài ra rả tuyên truyền nhưng không ít người hồn nhiên trả lời: “Nhỏ giờ có đọc báo đâu mà biết”. Đôi lúc, sự khó khăn không có điều kiện để nâng cao văn hóa giải trí được lấy ra làm nguyên cớ, nhưng người ta lại không "ưng" khi được hỏi “nghèo sao không đi làm mà tuần nhậu nhẹt hát hò 3-4 lần?”.
Điều đáng nói nhiều khu vực nông thôn hiện nay nạn hát hò nhậu nhẹt có xu hướng tăng hơn ở các thành thị. Thanh niên, người lao động nông thôn vốn đã ít lựa chọn trong giải trí lại càng chìm đắm trong các cuộc vui liên quan đến chiếc loa phiền toái.
Cách ứng xử của mỗi cá nhân, cộng đồng sẽ phản ánh văn hóa cao hay thấp của cá nhân, cộng đồng đó. Nhận thức hạn chế và thiếu phông nền văn hóa nhất định, xuất hiện ngày càng nhiều ở mọi giai tầng, lứa tuổi thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. “Văn hóa hát” đang áp đảo “văn hóa đọc” khiến cho các loại hình giải trí ngày càng nghèo nàn và đơn điệu hơn. Từ thành thị xuống thôn quê, từ ngoài đời đến các chương trình gameshow, cuộc thi tài năng, bất cứ ở đâu và bao giờ có cơ hội thì cũng cầm micro lên và hát.
Việc hát hò ồn ào sẽ giảm đi hoặc biến mất khi người dân có những thói quen giải trí khác có tính kết nối cao và không gây phiền hà. Các biện pháp hành chính thực tế chưa phát huy được vai trò và bị đánh bại bởi sự cả nể. Sự thay đổi chỉ hiệu quả khi nó được bù đắp bằng một hình thức nào đó phù hợp chứ không phải theo mệnh lệnh duy ý chí.
Dịp lễ tết nào cũng đọc thấy những ta thán và cả án mạng liên quan đến chuyện hát hò. Chừng nào chưa thay đổi, thì cuộc vật lộn giữa đúng và sai về chiếc loa karaoke vẫn bất phân thắng bại.