Chuyện thú vị về 'hạt ngọc trời' báu vật của đồng bào Ba Na

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 08:47, 04/02/2022

Ba Chăm tương truyền là giống lúa quý mà ông trời đã ban tặng cho vùng đất đỏ Mang Yang, Gia Lai.

Linh khí trời đất tạo nên "hạt ngọc" Đăk Trôl

Người Ba Na ở xã Đắk Trôl (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) ngày nay không biết giống lúa cổ Ba Chăm đã bén duyên trên mảnh đất này từ khi nào. Theo những giai thoại và câu chuyện của người già, giống lúa cổ này được Yàng (trời) ban xuống để cứu đói cho dân làng từ xa xưa.

Chuyện thú vị về hạt ngọc trời báu vật của đồng bào Ba Na - 1

Những cánh đồng ruộng bậc thang được nhuộm vàng bởi cây lúa Ba Chăm.

Dẫn chúng tôi men theo những sườn ruộng bậc thang đang mùa lúa chín, già Bluch (72 tuổi, làng Đê Klong, xã Đăk Trôi) nói: "Ba" theo tiếng Ba Na có nghĩa là "lúa", còn "Chăm" thì không ai giải thích được. Dân làng chỉ tương truyền lúa Ba Chăm là một giống lúa quý mà Yàng đã ban tặng cho dân làng từ xa xưa".

Lúa Ba Chăm được bà con người Ba Na trồng trên những sườn đồi, men theo thung lũng Đăk Trôi, Đak Tơ Mal. Cây lúa Ba Chăm không hề được bón phân hay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn luôn tốt tươi, thân cao lút đầu người. Người dân phải chờ ròng rã hơn 8 tháng thì cây lúa mới cho thu hoạch.

Chuyện thú vị về hạt ngọc trời báu vật của đồng bào Ba Na - 2

Chẳng ai nhớ cây lúa Ba Chăm có từ khi nào nhưng nó đã nuôi sống bà con người Ba Na ở vùng khó Đăk Trôl từ nhiều đời nay.

Lúa Ba Chăm kháng được nhiều loại sâu bệnh gây hại. Hạt gạo thơm, ngon và khi nấu thành cơm thì để 2-3 ngày cơm cũng không bị khô cứng, ôi thiu…

Toàn xã Đăk Trôi hiện nay có khoảng 350 ha lúa, toàn bộ đều là giống lúa Ba Chăm. Ngoài ra, người dân các xã lân cận như Đê Ar, Lơ Pang, Kon Chiêng, Kon Thụp… vẫn truyền tay nhau để trồng lúa này. Tuy nhiên, lúa Ba Chăm trồng ở Đăk Trôi là cho ra chất lượng gạo ngon nhất.

Chuyện thú vị về hạt ngọc trời báu vật của đồng bào Ba Na - 3

Cây lúa Ba Chăm không hề được bón phân, phun thuốc mà sống nhờ nước trời và dòng phù sa từ trên rừng chảy xuống những cánh đồng ruộng bậc thang.

Cây lúa Ba Chăm mỗi năm chỉ trồng được một vụ. Bắt đầu những ngày tháng 3, bà con trong làng đều xuống ruộng để trồng lúa theo hình thức chọc, trỉa chứ không cấy, xạ như ở các vùng khác.

Tháng 4, cơn mưa đầu mùa rơi xuống đã tưới mát những cánh ruộng bậc thang đang khát khô. Cây lúa Ba Chăm ẩn mình trong lớp đất cằn cỗi bắt đầu nhú mầm lên khỏi mặt đất. Trải qua hơn 3 tháng mùa mưa, lúa sinh sôi và phát triển nhờ nước trời và chất dinh dưỡng quý báu từ lớp phù sa của thảm thực vật trên rừng chảy xuống ruộng bậc thang. Đến tháng 11, cả ruộng bậc thang được nhuộm vàng cũng báo hiệu thời gian thu hoạch đã đến.

Chị Dynh (làng Đăk Bok, xã Đăk Trôl) đang nhờ gần 10 người trong làng giúp mình thu hoạch 3 thửa ruộng bậc thang. Từ xa xưa đến nay, gia đình chị cũng như người dân trong làng đều trồng lúa Ba Chăm để ăn và làm quà biếu mỗi dịp có lễ tết. Đến mùa, người dân trong làng cũng sẽ lần lượt giúp nhau thu hoạch vụ mùa.

"Vì ở vùng xa trung tâm nên lúa thường được bà con tích trữ ăn dần cho cả năm. Mỗi năm, gia đình cũng thu hoạch được 10 - 15 bao và dành một nửa để bán lo việc trong nhà. Mỗi làng có trên 100 hộ thì nhà nào cũng trồng lúa, ít thì 5 - 7 sào, nhà nhiều thì 2 - 4 ha", Chị Dynh cho biết.

Bước đệm đưa hạt gạo Ba Chăm từ làng ra thế giới

Nhận thấy giống gạo quý từ một xã vùng khó, UBND huyện Mang Yang đã thực hiện dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa Ba Chăm với tổng kinh phí trên 524 triệu đồng mỗi năm. Dự án đã giúp cho nông dân đã thay đổi tập quán canh tác, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, sản phẩm được đảm bảo tiêu thụ, tăng thu nhập. Từ những nỗ lực đó mà năng suất của lúa Ba Chăm từ 2,6 tấn/ha đang tăng lên 3,2 tấn/ha.

Huyện cũng chú trọng đến việc xây dựng gạo Ba Chăm thành sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng giá trị kinh tế và sớm đưa hạt gạo Ba Chăm đến với thị trường trong và ngoài nước.

Chuyện thú vị về hạt ngọc trời báu vật của đồng bào Ba Na - 4

Đến mùa, bà con trong làng đều tập trung giúp nhau thu hoạch cây lúa Ba Chăm.

Từ một loại lúa trên nương rẫy, gạo Ba Chăm đã được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Trong năm 2019, gạo Ba Chăm tiếp tục được công nhận là sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao cấp tỉnh và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận Thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng Việt Nam. Lúa Ba Chăm đã được Viện Khoa học và Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên tuyển chọn là giống lúa bản địa của tỉnh Gia Lai.

Cuối tháng 11/2020, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) đã có Quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00093 với chỉ dẫn địa lý "Mang Yang" cho sản phẩm gạo Ba Chăm. Khu vực địa lý gồm xã Đăk Trôi, Lơ Pang, Kon Thụp, Kon Chiêng, Đê Ar (huyện Mang Yang). Với việc được cấp chỉ dẫn địa lý, gạo Ba Chăm đã xây dựng được thương hiệu độc quyền, sinh ra từ đại ngàn của Tây Nguyên.

Từ việc chỉ biết canh tác để phục vụ cho nhu cầu gia đình, người dân bản địa trên địa bàn xã đã mạnh dạn mở rộng diện tích canh tác trồng lúa Ba Chăm. Nhiều người trong xã đã thoát nghèo nhờ việc áp dụng khoa học kĩ thuật để canh tác.

Anh A Myêk (làng Tơ B'la, xã Đăk Trôl, huyện Mang Yang) chia sẻ, hiện nay gia đình anh sở hữu gần 5 ha diện tích trồng lúa Ba Chăm. Từ khi huyện Mang Yang thực hiện dự án liên kết sản xuất, anh A Myêk đã xung phong tham gia và ngày càng mở rộng diện tích trồng lúa theo phương thức hữu cơ. Nhờ vậy, mỗi năm anh A Myêk đã thu về hơn 150 - 200 triệu đồng từ việc bán lúa Ba Chăm.

Ông Nguyễn Văn Lân - Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp - Dịch vụ Đăk Trôl thông tin: "HTX đang liên kết với hàng trăm hộ dân trên địa bàn để xây dựng vùng nguyên liệu gạo hữu cơ. Đồng thời, HTX cũng bao tiêu đầu ra với sản lượng khoảng 400 tấn/năm và đưa hạt gạo Ba Chăm đến với các thị trường lớn như TPHCM, Đà Nẵng, Hà Hội…".

Chuyện thú vị về hạt ngọc trời báu vật của đồng bào Ba Na - 5

Hạt gạo Ba Chăm là kết tinh từ linh khí của đất trời, vươn mình sinh sôi trên mảnh đất cằn Đăk Trôl.

"Vì được sản xuất toàn bộ từ hữu cơ, không bón phân hay sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên gạo Ba Chăm đã đạt được những chỉ số về chất lượng, độ dinh dưỡng vượt trội hơn. Gạo Ba Chăm đang có dao động 15.000 đồng - 18.000 đồng/kg. Với giá này, người dân cũng được hưởng lợi từ công sức chăm sóc hơn 8 tháng ròng rã", ông Lân nhấn mạnh.

Ông Krung Dăm Đoàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang - cho biết, giống lúa Ba Chăm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý. Chính quyền huyện đã giúp thành lập HTX Nông lâm nghiệp - Dịch vụ tại xã Đăk Trôl nhằm tạo liên kết giữa người dân với doanh nghiệp.

"Người dân được hướng dẫn sản xuất giống lúa Ba Chăm theo hướng hữu cơ. Qua đó, HTX sẽ bao tiêu đầu ra và phân phối đi khắp các tỉnh thành trên cả nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để đưa sản phẩm gạo Ba Chăm vươn xa không chỉ trong nước mà vươn ra quốc tế", ông Krung Dăm Đoàn nhấn mạnh.

(Theo Dân trí)