Khám bệnh từ xa gặp thời giữa bão Covid-19

Tin Y tế - Ngày đăng : 15:16, 03/02/2022

Khám bệnh hay hội chẩn từ xa đã được ứng dụng từ lâu. Nhưng chỉ khi Covid-19 xuất hiện, giãn cách xã hội kéo dài, phương thức này mới được nâng lên vị thế mới.

Tổng đài tư vấn sức khỏe

PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM tham gia trực tổng đài 1022, nhánh số 5 ngay trong cao điểm dịch bệnh. Ông phụ trách nhóm bệnh Nhi khoa.

Mỗi ngày, bác sĩ Quang có 3 khung giờ tư vấn sức khỏe. Dồn dập nhất là giai đoạn TP đang giãn cách xã hội. Ngoài Covid-19, trẻ nhỏ vẫn mắc nhiều bệnh tật khác. Lo ngại lây nhiễm, hạn chế về phương tiện, nhiều phụ huynh chần chừ không đưa trẻ đến bệnh viện.

kham-benh-tu-xa-gap-thoi-giua-bao-covid-19.png
Hội Y học TP.HCM huy động các bác sĩ tham gia tư vấn sức qua tổng đài 1022.

“Nhi khoa có một thuận lợi là bác sĩ dự đoán được khoảng 80% khi hỏi bệnh sử, mô tả triệu chứng. Phụ huynh có thể quay clip, chụp hình hoặc gọi video để chúng tôi quan sát kỹ thêm”, bác sĩ Quang cho biết.

Nhờ vậy, không ít phụ huynh đã được giải tỏa lo lắng hoặc kịp thời nhập viện khi trẻ nhỏ cần can thiệp y khoa.

Trong khi đó, từ ngày 12/8, Bệnh viện Chợ Rẫy đã công khai 30 số điện thoại di động tương ứng với 30 chuyên khoa như ung thư, nội tiết, tim mạch, thần kinh, hô hấp… Đường dây trên thường trực 24/24 để tư vấn, khám bệnh hoặc video call cho bệnh nhân. Đến nay, ghi nhận khoảng 120.000 cuộc gọi đến khám bệnh từ xa.

kham-benh-tu-xa-gap-thoi-giua-bao-covid-19.jpg
Những trường hợp cần can thiệp y khoa sẽ được tư vấn đến bệnh viện.

Một trong những lo ngại trong thời điểm giãn cách chính là bệnh nhân đột quỵ. Đây là bệnh lý đặc thù, phải được can thiệp trong 4,5 giờ vàng. Tuy nhiên, một số trường hợp tìm đến bác sĩ tư vấn vì chưa nhận diện được bệnh.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, thông qua 3-5 câu hỏi, bác sĩ xác định được tình trạng bệnh nhân và hướng dẫn cách sơ cứu. Đồng thời, báo ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 thành phố để điều phối.

“Nếu bệnh nhân ở khu vực quận 12, quận Gò Vấp… gần với Bệnh viện Quân y 175, tổ cấp cứu 115 sẽ đến cấp cứu ngay. Hoặc bệnh nhân được hướng dẫn đến bệnh viện điều trị đột quỵ gần nhất cho kịp thời gian vàng”, bác sĩ Nghĩa cho biết.

Tính riêng trong tháng 9, bộ phận tư vấn qua điện thoại Bệnh viện Quân y 175 đã tiếp nhận khoảng 30 trường hợp liên quan đến đột quỵ. 10% là đột quỵ cấp, phải chuyển cấp cứu khẩn.

Phát triển nhờ Covid-19


Ngành y tế TP.HCM ghi nhận, tư vấn khám bệnh qua Tổng đài 1022 nhánh số 5 đã phát huy hiệu quả cao trong đợt dịch Covid-19. Hơn 200 bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm của Hội Y học TP đã tham gia, chăm lo sức khỏe người dân. Tổng đài hiện vẫn đang được duy trì.

Bên cạnh đó, hàng trăm bác sĩ không kể công lập - tư nhân đã kết nối tình nguyện tư vấn sức khỏe miễn phí, công khai số điện thoại cho người dân. Cùng thời điểm, Mạng lưới thầy thuốc đồng hành (Hội thầy thuốc trẻ) cũng được thành lập.

Theo PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, đây không phải phương thức mới. Hội chẩn trực tuyến, khám bệnh từ xa đã giúp rất nhiều ca nặng ở tuyến dưới được điều trị tốt mà không cần chuyển viện, gây quá tải và tốn kém cho người bệnh

Đến nay, hơn 56 đơn vị từ các tỉnh từ Tây Nam bộ, Đông Nam bộ, Tây Nguyên… tham gia mạng lưới khám chữa bệnh từ xa với Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Kỳ vọng lớn nhất là người dân có cơ hội tiếp cận với y tế chuyên sâu mà không vất vả đi lại, tốn kém chi phí.

“Chỉ đến khi có Covid-19, hội chẩn từ xa, thăm khám từ xa… mới được nâng lên một tầm cao mới. Chúng ta giải quyết được nhu cầu rất lớn của cộng đồng trong chăm sóc y tế", bác sĩ Quang chia sẻ.

kham-benh-tu-xa-gap-thoi-giua-bao-covid-19-1-.jpg

Khám bệnh từ xa cho bệnh nhân phường 16, quận Gò Vấp, TP.HCM

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có chính sách về bảo vệ quyền lợi, trách nhiệm cho bác sĩ và bệnh nhân khi tư vấn khám chữa bệnh từ xa bằng các ứng dụng. Điều này ít nhiều khiến người bệnh có tâm lý e ngại về chất lượng chẩn đoán so với khám bệnh truyền thống. Trong khi đó, sự đầu tư về công nghệ đã đạt những hiệu quả ấn tượng,

Ngày 8/8/2021, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kết nối "Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth)" tới 100% tuyến huyện. Tập đoàn Viettel, tập đoàn VNPT đã ra quân thần tốc hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố trong 2,5 ngày.

"100% các trung tâm tuyến huyện tại Việt Nam đã được kết nối với các bệnh viện tuyến Trung ương. Không nhiều quốc gia trên thế giới có được điều này. Kết nối truyền hình để thực hiện Telehealth tới huyện là mơ ước nhiều chục năm của ngành y tế, được thực hiện trong 2,5 ngày”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Đây là cơ sở nền tảng để khám chữa bệnh từ xa rút ngắn khoảng cách giữa các tuyến, người bệnh được điều trị tốt nhất dù không được điều trị ở tuyến trên.

Thực tế, đề án Khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 -2025 của Bộ Y tế đã được triển khai từ năm 2020. Đến nay, 32 bệnh viện tuyến trên đã kết nối với 1.500 bệnh viện tuyến dưới. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, với đề án này, mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.