Tết ta tại Pháp: Vui cùng bánh vua và mứt “ướt”
Ẩm thực - Ngày đăng : 07:43, 03/02/2022
Quyên GAVOYE là một nhà văn người Việt đang sống ở Pháp. Dịch Covid khiến chị và rất nhiều bà con Việt kiều không thể về quê ăn Tết. Quyên thể hiện tình yêu và nỗi nhớ quê nhà, nhớ Tết bằng việc ăn Tết Việt trên đất Pháp cùng gia đình. |
Khi những bông tuyết trở nên dày đặc là lúc nước Pháp bước vào những ngày cuối đông, đó là vào cuối tháng một, đầu tháng hai, giai đoạn của những lễ hội. Bắt đầu là lễ Hiển Linh, diễn ra vào ngày 6/1, một tuần sau giao thừa năm mới. Đây là một trong những ngày lễ tôn giáo cổ xưa. Ngày nay ở Pháp, lễ Hiển Linh không còn mang tính thuần tôn giáo, nhưng những phong tục tập quán ẩm thực truyền thống vẫn được lưu truyền.
Chiếc bánh vua vàng ruộm, thơm nức mùi bơ, trứng
Bánh vua
Trong suốt tháng 1 và đến đầu tháng 2, người dân Pháp thường mời nhau ăn bánh vua (galette des rois). Bánh vua phổ biến nhất có dạng hình tròn với nhân được làm từ bột hạnh nhân, đường, bơ, trứng. Ở một số vùng, như vùng Franche -Comté, miền đông nước Pháp, giáp biên giới Thụy Sĩ, bánh làm không nhân.
Thành phần:
+ 250ml sữa tươi
+ 3 quả trứng gà và một lòng đỏ để tạo lớp vỏ ngoài
+ 75gr bơ
+ 150gr bột mì
+ 10ml nước hương hoa bưởi
+ 100gr đường và bột vani.
Cách làm:
+ Đun sôi sữa cùng đường, bơ, vani. Sữa sôi thì tắt bếp thêm bột mỳ, đảo mạnh tay lần lượt thêm ba quả trứng gà, hương hoa bưởi.
+ Quấy thật đều và mạnh (nên dùng máy đánh bột để đạt chất lượng tối ưu) để bột dẻo và nhuyễn.
+ Đổ bột vào khuôn tán mỏng, bí mật cho thêm một hình nộm (la fève), quệt bên ngoài lớp lòng đỏ trứng gà để tạo lớp vỏ màu vàng ruộm và bóng khi bánh chín. Người nào khéo tay có thể vẽ hình thù lên bánh trước khi cho vào lò nướng ở 180° trong 40 phút.
Theo truyền thống, bánh vua gợi nhớ tới những vị vua, do đó những hình nộm truyền thống có hình em bé, mô phỏng Chúa Jésus lúc bé. Ngày nay, hình nộm có thể mô phỏng mọi thứ, từ chiếc ô tô cho đến nhân vật hoạt hình để làm vui lòng trẻ nhỏ. Người nào tìm được hình nộm trong lát bánh của họ sẽ trở thành vua trong ngày và sẽ mang bánh tới trong buổi tiệc sau.
Cứ như thế, lễ hội bánh vua truyền từ nhà này sang nhà khác kéo dài đến cuối tháng 1, đầu tháng 2. Vì bánh ngọt nên thường được dùng ăn chơi hoặc ăn tráng miệng, giống như những món mứt tết ở Việt Nam.
Mứt “ướt”
Đầu tháng 2 cũng là thời điểm của Tết cổ truyền Việt Nam. Hàng năm, tôi thường chọn làm một vài món để giới thiệu tới bạn bè Pháp ẩm thực truyền thống của quê nhà. Năm nay, vừa may đến lượt tôi làm bánh vua tại nhà nên tôi chọn làm thêm món mứt cà rốt và khoai tây để ăn cùng.
Ngày nhỏ, cha mẹ nghèo không có điều kiện mua mứt làm sẵn. Mỗi năm đến Tết, mẹ lại làm mứt từ những cây củ trong vườn, đơn giản và vui. Để làm mứt cà rốt và khoai tây, mẹ chọn những củ khoai, cà rốt to và còn tươi, gọt vỏ, cắt miếng mỏng vừa rồi mang ngâm nước có pha bột vôi.
Bây giờ không có bột vôi, tôi thay bằng muối bicarbonate để ngâm củ trong vòng nửa giờ rồi vớt ra để ráo nước và trộn đường với tỉ lệ: nửa cân đường cho một cân củ quả. Đợi ba tiếng cho đường chảy thành mật ngấm vào khoai. Đổ tất cả hỗn hợp vào một chiếc nồi và đun nhỏ lửa cho đến khi đường kết tinh bám vào khoai và cà rốt thì tắt lửa.
Gia đình nhà văn Quyên GAVOYE ăn Tết Việt trên đất Pháp
Sau rất nhiều năm xa quê, tôi chưa một lần làm lại món ăn ngày xưa do quen mua đồ làm sẵn ở cửa hàng Việt Nam. Năm nay, dịch Covid hoành hành buộc chúng tôi phải thay đổi thói quen bếp núc. Sau vài tham khảo trên mạng, tôi bắt tay vào làm. Thực ra, làm mứt không hề đơn giản như tôi tưởng tượng.
Hương vị Tết Việt trên đất Pháp
Mẻ đầu tiên, do thiếu kinh nghiệm ngào đường nên khi xào, đường không kết tinh và mứt bị ướt. Dù thế, do không có thời gian làm lại tôi vẫn mang ra mời bạn. Ngược lại với suy nghĩ của tôi, bạn đã rất thích món mứt ướt vì độc đáo lại rất thơm.
Mứt khoai tây, cà rốt ăn cùng bánh vua
Dù món mứt của tôi không được thành công như mong muốn nhưng được ngồi cùng nhau thưởng thức món ăn ngày xuân vẫn mang đến cho chúng tôi những tiếng cười hạnh phúc.