Những 'con hổ' nổi danh trên thương trường Việt
Bất động sản - Ngày đăng : 15:22, 02/02/2022
Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai |
Ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai
Sinh năm 1962 tại Bình Định, ông Đoàn Nguyên Đức được nhiều người biết đến với biệt danh “bầu” Đức bởi vì tình yêu cũng như sự quan tâm và đầu tư mà ông dành cho bóng đá nước nhà. Năm 2018, “bầu” Đức cũng chính là người đã mời ông Park Hang Seo – vị chiến lược gia người Hàn – về làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam.
Trên thương trường, với cương vị Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HAG), ông Đoàn Nguyên Đức là một trong những doanh nhân tuổi Dần thành đạt, từng là người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2008 – 2009.
Tính đến thời điểm hiện tại, ông Đoàn Nguyên Đức đang nắm giữ 319,9 triệu cổ phiếu HAG, tương ứng với tỉ lệ sở hữu 34,5% vốn điều lệ.
Năm 2021, HAG đã có sự bứt phá mạnh mẽ khi từ vùng giá 4.500 đồng/cổ phiếu bật tăng lên ngưỡng 16.000 đồng/cổ phiếu. Trong những ngày cuối năm Tân Sửu, thị giá HAG bị điều chỉnh nhẹ và chốt năm ở mức 11.800 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo mức giá này, gần 320 triệu cổ phiếu HAG mà “bầu” Đức nắm giữ có giá trị thị trường lên tới 3.775, 4 tỉ đồng.
Ngoài HAG, cá nhân “bầu” Đức còn nắm giữ 3 triệu cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai. Số cổ phiếu này hiện có giá trị thị trường gần 27 tỉ đồng – tạm tính theo thị giá HNG chốt phiên 28/1 ở mức 8.990 đồng/cổ phiếu.
Ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội
Ông Đỗ Quang Hiển - Nhà sáng lập Tập đoàn T&T, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội |
Cũng như “bầu” Đức, vị doanh nhân sinh năm 1962 Đỗ Quang Hiển cũng có tình yêu đặc biệt lớn dành cho bóng đá và được nhiều người hâm mộ gọi với biệt danh “bầu” Hiển.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, từ năm 1984 – 1987, ông Hiển làm việc tại Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình, Đài Phát thanh Hà Nội. Sau đó, ông chuyển sang làm kỹ sư tại Công ty điện tử Hà Nội rồi gia nhập Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia.
Đến năm 1993, ông Đỗ Quang Hiển nghỉ việc nhà nước và thành lập Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T (Technology & Trade) – tiền thân của CTCP Tập đoàn T&T (T&T Group) sau này.
Hiện nay, “hệ sinh thái” T&T Group hoạt động trên 7 lĩnh vực kinh doanh chính bao gồm: Tài chính và đầu tư; bất động sản; năng lượng, môi trường; công thương; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; hạ tầng giao thông; y tế, giáo dục và thể thao.
Nhà sáng lập T&T Group cũng là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (Mã CK: SHB), và đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cấp cao tại nhiều doanh nghiệp khác như: CTCP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (Mã CK: SHS); Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH); CTCP Quản lý Quỹ đầu tư Sài Gòn - Hà Nội (SHF); CTCP Phát triển đô thị và khu công nghiệp SHB (SHB Land); CTCP Đầu tư Khai thác chế biến khoáng sản T&T Hà Giang.
Trên thị trường chứng khoán, ông Đỗ Quang Hiển đang nắm giữ 73,3 triệu cổ phiếu SHB, tương ứng với tỉ lệ sở hữu 2,75% vốn điều lệ; gần 1,77 cổ phiếu SHS, tương đương 0,54% vốn điều lệ. Tạm tính theo thị giá chốt phiên 28/1 (SHB ở mức 22.500 đồng/cp; SHS ở mức 39.900 đồng/cp), khối tài sản của “bầu” Hiển trên sàn chứng khoán Việt rơi vào khoảng 1.721 tỉ đồng.
Các thành viên trong gia đình ông Đỗ Quang Hiển cũng đang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu SHB, kể như: Ông Đỗ Vinh Quang – con trai thứ của “bầu” Hiển – với 79 triệu cổ phiếu; bà Đỗ Thị Thu Hà và bà Đỗ Thị Minh Nguyệt – hai người chị gái của ông Hiển – lần lượt nắm giữ 54,8 triệu cổ phiếu và 18,9 triệu cổ phiếu SHB.
Ngoài ra, T&T Group của “bầu” Hiển cũng trực tiếp nắm giữ 266,6 triệu cổ phiếu SHB (10% vốn điều lệ), 18,2 triệu cổ phiếu SHS (5,6% vốn điều lệ). Trong khi đó, SHS cũng sở hữu gần 39,5 triệu cổ phiếu SHB, tương đương 1,48% vốn điều lệ.
Ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SSI
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch CTCP Chứng khoán SSI |
Trên sàn chứng khoán, ông Nguyễn Duy Hưng đang trực tiếp nắm giữ 6,28 triệu cổ phiếu SSI và 1,22 triệu cổ phiếu PAN. Trong khi đó, Công ty TNHH NDH Việt Nam của ông Hưng sở hữu tới 94,2 triệu cổ phiếu SSI và 23,8 triệu cổ phiếu PAN, tương đương tỉ lệ sở hữu lần lượt là 9,57% và 11,01% vốn điều lệ.Một doanh nhân tuổi Nhâm Dần 1962 khác phải kể tới là ông Nguyễn Duy Hưng – nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SSI (Mã CK: SSI). Ông Hưng cũng là Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn PAN (Mã CK: PAN), Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH NDH Việt Nam.
Tạm tính theo thị giá chốt phiên 28/1 của cổ phiếu SSI ở mức 45.050 đồng/cp và cổ phiếu PAN ở mức 29.000 đồng/cp), tổng số cổ phiếu có liên quan trực tiếp tới ông Nguyễn Duy Hưng có giá trị thị trường rơi vào khoảng 5.255 tỉ đồng.
Các thành viên khác trong gia đình ông Nguyễn Duy Hưng cũng nắm giữ tới cả chục triệu cổ phiếu SSI, kể như ông Nguyễn Duy Khánh – con trai ông Hưng – với 1,86 triệu cổ phiếu; hay như ông Nguyễn Hồng Nam và ông Nguyễn Mạnh Hùng – hai người em trai của ông Hưng – lần lượt sở hữu 2,79 triệu và 5 triệu cổ phiếu SSI.
Đáng chú ý, Công ty TNHH Bất động sản Sài Gòn Đan Linh – ông Nguyễn Hồng Nam làm Chủ tịch HĐTV – cũng sở hữu tới 54,9 triệu cổ phiếu SSI, tương đương tỉ lệ sở hữu 5,58% vốn điều lệ; hay Công ty TNHH MTV Nguyễn Sài Gòn – doanh nghiệp thuộc sở hữu của ông Nam – cũng nắm giữ 2,5 triệu cổ phiếu SSI.
Ngoài bộ ba doanh nhân nổi bật nêu trên, thương trường Việt còn một số doanh nhân tuổi Nhâm Dần 1962 đáng chú ý khác như ông Nguyễn Đức Hưởng – cựu Chủ tịch Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LietVietPostBank), hay bà Hà Thị Thu Thanh – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Deloitte Việt Nam./.