Sàn thương mại điện tử 'đốt' 230 triệu USD cho gala Lễ hội mùa xuân Trung Quốc

Cuộc sống số - Ngày đăng : 08:29, 02/02/2022

Gala Lễ hội mùa xuân Trung Quốc là chương trình truyền hình lớn nhất thế giới, thu hút 1 tỷ người theo dõi.

Tối 31/1, Liu Mingwei dự định ở nhà tại Bắc Kinh (Trung Quốc) trong bối cảnh có thể bị phong tỏa bất ngờ. Anh sẽ cầm điện thoại trên tay, trong khi theo dõi chương trình Gala Lễ hội mùa xuân, kéo dài đến nửa đêm.

Điều níu giữ Liu xem một chương trình dài hơi tới 4 tiếng đồng hồ không phải là các màn ca hát, nhảy múa, thể dục nhịp điệu, diễn hài hay ảo thuật, mà là cơ hội trúng các giải thưởng bằng hiện vật và tiền mặt trong suốt thời gian diễn ra.

Để tham dự, Liu phải kích hoạt ứng dụng JD.com trên smartphone và lắc thiết bị khi MC thông báo. Bằng cách này, anh có thể nhận những phong bao lì xì điện tử may mắn. Anh cho biết, nếu nhận được một hồng bao, anh sẽ cảm thấy không khí lễ hội. Do không thể thoải mái đi lại, gặp gỡ họ hàng ở xa trong dịp năm mới, đây là một cách thuận tiện để duy trì truyền thống.

Sàn thương mại điện tử 'đốt' 230 triệu USD cho gala Lễ hội mùa xuân Trung Quốc
Gala Lễ hội mùa xuân 2022 của đài CCTV Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Sàn thương mại điện tử JD.com là đối tác độc quyền của gala năm nay. Công ty cam kết chi tới 1,5 tỷ NDT (230 triệu USD) lì xì và giải thưởng cho khán giả. Hàng năm, các nhà tài trợ đều tranh nhau để có suất trong chương trình. Đây là năm đầu tiên JD.com tài trợ độc quyền, họ hi vọng có thể trình diễn sức mạnh trong lĩnh vực bán lẻ và logistics.

Tính đến tháng 6/2021, tỉ lệ tiếp cận Internet tại nông thôn Trung Quốc là 59,2%, thấp hơn mức 71,6% trung bình cả nước. Thị phần người dùng Internet từ 50 tuổi trở lên là 28%. Trong khi đó, hầu hết người dân nước này đều xem gala. Theo đài truyền hình trung ương CCTV, năm 2021, có khoảng 1,27 tỷ người theo dõi chương trình. Ngược lại, chương trình ăn khách nhất của Mỹ là Super Bowl chỉ thu hút 96,4 triệu khán giả.

Đối với các hãng công nghệ Trung Quốc, dù chỉ thuyết phục được một phần nhỏ khán giả đăng ký dịch vụ của họ cũng là động lực tăng trưởng khổng lồ, đặc biệt là với những nhà cung cấp dịch vụ thanh toán số. Jialu Shan, nhà kinh tế học tại Viện Phát triển quản trị quốc tế (Thụy Sỹ), nhận xét, lễ hội là thời điểm tốt nhất để ra mắt tính năng mới và thu hút người dùng mới của doanh nghiệp công nghệ, chủ yếu qua triển khai giải pháp thanh toán số. Gala mùa xuân có thể là chương trình duy nhất giúp họ tiếp cận người dùng tại các thành phố nhỏ và người cao tuổi trên quy mô lớn.

Theo ông Shan, sức hấp dẫn thực sự của gala nằm ở khả năng cung cấp giải pháp hay dịch vụ tích hợp trong cuộc sống thường nhật của đối tượng mục tiêu. Thanh toán số chính là “ống dẫn” để giới thiệu các dịch vụ này.

Đây là cơ hội khổng lồ. Tencent, nhà tài trợ độc quyền đầu tiên của gala năm 2015, đã trao tặng 500 triệu NDT (78 triệu USD) qua lì xì điện tử trên WeChat. Số lượng người dùng WeChat chạm mốc 200 triệu ngay sau chương trình. Hiện tại WeChat vẫn là ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Trung Quốc.

Theo hãng nghiên cứu thị trường iResearch, JD.com chỉ chiếm 1% thị phần thanh toán di động. Alipay dẫn đầu với khoảng 55% thị phần, còn Tenpay – công ty đứng sau WeChat Pay – nắm khoảng 39%.

Câu hỏi đặt ra là liệu người dùng có lặp lại điều tương tự hay không. Năm nay là năm thứ hai Ariel Yang không về đại lục ăn tết với bố mẹ do Hong Kong vẫn siết việc đi lại. Cô thấy may mắn vì vẫn có thể gửi và nhận lì xì cho bạn bè, gia đình qua WeChat. Dù vậy, cô không có động lực tải JD.com để tham gia chương trình lì xì trên gala mùa xuân 2022. Cô cho biết không thực sự thích chiêu trò này và cũng không cần đến một ứng dụng thương mại điện tử khác trên điện thoại.

Liu cũng đồng tình rằng lì xì điện tử không thể thay thế lì xì bằng giấy. Dù đang sống trong đại dịch, anh nói nếu gặp mặt họ hàng trực tiếp, anh chắc chắn sẽ tặng lì xì truyền thống cho họ. “Lì xì điện tử thiếu đi cảm giác lễ nghi”, Liu chia sẻ.

Du Lam (Theo BI)