Chuyện của những bệnh nhi chạy thận xuyên Tết ở TPHCM

Tin Y tế - Ngày đăng : 08:00, 02/02/2022

TPHCM -  Khi được chẩn đoán suy thận mãn tính và phải chạy thận nhân tạo, ngôi nhà thứ 2 của nhiều bệnh nhi chính là bệnh viện. Chạy thận xuyên Tết để duy trì sự sống, nhiều bệnh nhi ước mơ một lần được về quê đón Tết như bao đứa trẻ bình thường khác.

Năm 2018, em Trần Phước Vinh (14 tuổi, tỉnh Tiền Giang) đang chơi nhưng thấy người mệt mỏi nên đi ngủ. Khoảng 30 phút sau, em lên cơn con giật và được gia đình đưa đi Trạm y tế gần nhà để thăm khám, uống thuốc sau đó về nhà.

Ngày hôm sau, Vinh tiếp tục lên cơn co giật và được đưa đi khám ở bệnh viện, xét nghiệm máu kết quả bị suy thận giai đoạn cuối, khi đó Vinh chỉ mới 10 tuổi.

Bệnh nhi chạy thận xuyên Tết tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. Ảnh: Nguyễn Ly
Bệnh nhi chạy thận xuyên Tết tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. Ảnh: Nguyễn Ly

Ngoài Vinh phải chạy thận tại Khoa Thận – Tiết niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), bố của Vinh cũng bị suy thận giai đoạn cuối, chạy thận thời gian dài và tử vong cách đây 7 tháng vì sức khỏe suy kiệt.

“Cuộc sống khó khăn lắm, bây giờ một tuần chạy 3 lần liên tục nên tôi và con đi đi về về hơn 100km mỗi tuần. 4 năm rồi, Tết năm nay bé lại đón Tết ở đây nên cũng buồn nhưng cố gắng để con được sống”, chị Trần Thị Nga mẹ của bệnh nhi Vinh chia sẻ.

Ở một góc giường bệnh của Khoa Thận – Tiết niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2, chị Trần Thị Phượng (34 tuổi, tỉnh Đắk Lắk) ngồi bên cạnh để chăm sóc con khi chạy thận. Theo chia sẻ của chị Phượng, từ lúc sinh ra bé bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng đến năm lên 5 tuổi bé bị chẩn đoán tiểu đường vì bàng quang thần kinh không đi tiểu được, cộng thêm suy thận giai đoạn cuối nên phải chạy thận liên tục đến nay đã được hơn 7 năm.

“Nhà tôi ở Đắk Lắk nên xa quá, hai mẹ con phải thuê phòng trọ gần bệnh viện để ở. Buồn lắm, con chỉ ước được một lần về ăn Tết nhưng không thể, vì lịch chạy thận chỉ cách nhau một ngày nên không về được. Hy vọng duy nhất của tôi là con được ghép thận, có cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác”, chị Phương khóc nghẹn.

Những bệnh nhi trên chỉ là 2 trong số hơn 40 bệnh nhi đang chạy thận tại đây. Đa phần các em đều gắn bó ở khoa chạy thận ít nhất 2 năm, thậm chí có những bệnh nhi đã chạy thận hơn 10 năm.

Bác sĩ Phan Thị Ngọc Dung- Khoa Thận – Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết: “Trung bình một lần chạy thận ở đây kéo dài 3-4 tiếng, đối với những bệnh nhi sức khỏe chưa ổn định chúng tôi sẽ giữ lại chạy định kỳ 1 tuần 3-4 lần tùy vào sức khỏe mỗi bé, còn những bé ổn định rồi thì chạy bên ngoài để giảm tải cho bệnh viện”.

Cũng theo bác sĩ Dung, với số lượng bệnh nhi đông nên khoa chạy thận hoạt động hết công suất từ thứ 2 đến thứ 7. Vào những dịp Tết, các bác sĩ chỉ nghỉ ngày mùng 1 Tết sau đó vẫn chạy bình thường. Để giúp các em không cảm thấy buồn vì đón Tết ở đây, bệnh viện cũng tổ chức các chương trình tặng quà cho các em với nhiều hy vọng gửi gắm.

“Tôi mong ước có một lớp học ở bệnh viện dành cho những bệnh nhi không thể đi học được, mong ước có nguồn thận được hiến để các em được sống như bao đứa trẻ bình thường và hy vọng nhân viên y tế có sức khỏe để tiếp tục đồng hành với các em trong mọi hoàn cảnh”, bác sĩ Dung chia sẻ thêm.

NGUYỄN LY