Cô giáo toàn cầu Hà Ánh Phượng chia sẻ bí quyết dạy học trực tuyến
Xã hội - Ngày đăng : 06:45, 02/02/2022
Từ một giáo viên tỉnh lẻ, cô Phượng bỗng nổi tiếng nhờ tận dụng công nghệ để tạo ra những tiết học trực tuyến sinh động với đưa học sinh “du lịch” hơn 50 quốc gia ngay từ khi dịch COVID-19 chưa xuất hiện khiến khá nhiều người ngạc nhiên...
Theo đó, cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) được Tổ chức Giáo dục Varkey Foundation vinh danh là một trong 50 giáo viên toàn cầu xuất sắc nhất năm 2020. Đáng nói, cô Hà Ánh Phượng là giáo viên đầu tiên và duy nhất của Việt Nam tính đến thời điểm đó nhận được danh hiệu vinh dự này.
Không ai khác, chính cô giáo Hà Ánh Phượng đã làm nhiều người vô cùng ngạc nhiên vì làm được kỳ tích không tưởng khi tạo ra “lớp học xuyên biên giới” để những học sinh người dân tộc vốn nhút nhát của mình có thể tự tin giao tiếp với đầu bên kia là bạn bè thuộc nhiều quốc gia khác nhau.
Cô Phượng kể, để làm được điều này chính là nhờ ứng dụng công nghệ 4.0 và hành trình đổi mới sáng tạo trong việc dạy và học của mình.
Với ứng dụng Zoom và Skype, cô Phượng đưa học sinh của mình vào môi trường học tập không biên giới, khắc phục được những hạn chế của mô hình lớp học truyền thống bó buộc trong 4 bức tường.
Chỉ với một màn hình, một máy chiếu, học sinh huyện miền múi của cô Phượng sau khi vượt qua những rụt rè ban đầu, giờ có thể tự tin thuyết trình, giao lưu văn hóa, giới thiệu di sản văn hóa thế giới như hát xoan đến học sinh các nước trên thế giới. Dù là học sinh ở một tỉnh vùng cao nhưng các học sinh của cô Phượng ở Trường THPT Hương Cần hoàn toàn tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh với bạn bè quốc tế. Những tiết học tiếng Anh của cô Phượng không còn nhàm chán và đáng ngại mà hết sức hấp dẫn.
Điều khiến nhiều người ngưỡng mộ là với mô hình lớp học xuyên biên giới, sử dụng những ứng dụng công nghệ, học sinh của cô Phượng đã giúp học sinh phát triển tất cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết.
Làm sao dạy học trực tuyến hiệu quả?
Với “lớp học không biên giới” cô Phượng là người đã áp dụng công nghệ 4.0 phá được rào cản giới hạn trong 4 bức tường, khiến lớp học vượt qua lũy tre làng đến các quốc gia trên thế giới.
Và với thời điểm hiện tại khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp thì học trực tuyến không còn là giải pháp tình thế nữa là mà phương pháp giáo dục lâu dài thì cô Hà Ánh Phượng là người có nhiều kinh nghiệm vì đã đi trước đón đầu trong phương pháp dạy và học này.
Từng biết cách phát huy lợi thế của việc học trực tuyến khi COVID-19 chưa ập đến, cô Hà Ánh Phượng cho rằng, hình thức này có thể tạo ra kết quả giảng dạy khá tốt nếu có sự phối hợp chặt chẽ từ nhà trường, giáo viên, học sinh và gia đình.
Cô Phượng không phủ nhận những khó khăn khi triển khai học trực tuyến, nhưng trong điều kiện dịch bệnh phức tạp thì hình thức học trực tuyến vẫn có nhiều ưu điểm nếu biết tận dụng.
“Việc dạy và học trực tuyến có thể cho phép giáo viên thiết kế bài dạy sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn, thu hút sự tương tác của học sinh hơn lớp học truyền thống.
Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, giáo viên có thể dễ dàng lồng ghép các nội dung số vào trong bài giảng. Ví dụ, giáo viên có thể biến các nội dung bài học dưới dạng các trò chơi, thông qua phần mềm trực tuyến như Quizizz, Kahoot, Blooket, Nearpd, Gimkit…hay các phần mềm lấy ý kiến, phiếu bầu của học sinh cùng với đó là dễ dàng kết nối với các lớp học khác trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ học tập hiệu quả”, cô Phượng kể.
Đặc biệt, cũng nhờ học trực tuyến mà các thầy cô giáo cần học hỏi không ngừng, học từ đồng nghiệp nhưng không dừng lại ở một phạm vi trường học mà nâng lên phạm vi toàn cầu. Các thầy cô giáo cũng sẽ phải tích cực trau dồi chuyên môn, nâng cao công nghệ để tìm ra các phương pháp dạy và học chất lượng và hiệu quả thực sự.
Để triển khai việc dạy và học trực tuyến thành công, theo cô Phượng thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Các thầy cô cần phải nghiêm túc yêu cầu học sinh có vở ghi chép đầy đủ, tránh tình trạng bật mic, tắt camera để làm việc khác mà không tập trung vào việc học, cần có khen thưởng rõ ràng trong lớp… Cách để cô duy trì sự chú ý của học sinh tránh tình trạng ngủ gật, làm việc riêng là liên tục tương tác, giao nhiệm vụ trong suốt buổi dạy, linh hoạt kiểm tra, đánh giá.
Đại dịch như chất xúc tác để chuyển đổi số trong giáo dục
Thời gian qua, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hàng triệu giáo viên trong cả nước đã phải vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Dạy học online và chuyển đổi số trở thành điểm sáng của cả ngành giáo dục trong năm học vừa qua.
Đại dịch COVID-19 cũng khiến việc học tập và phát triển chuyên môn của giáo viên trở nên mạnh mẽ hơn là cách tiếp cận với tri thức an toàn nhất.
“Có những lúc tôi không trả lời được câu hỏi của học sinh và tôi phải tìm hiểu học hỏi hơn rất nhiều. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, học sinh dễ dàng học hỏi từ các trang mạng và các giáo viên giỏi khác.
Thế nên tôi phải làm sao để bài học của mình có thể tạo dấu ấn riêng cũng như giúp các bạn có niềm tin vào chính người đang dạy. Đó là khó khăn, thách thức và cũng là cơ hội để phát triển bản thân của bất cứ thầy cô giáo nào”, cô Phượng kể về hành trình dạy học trực tuyến của mình.
Ngoài giáo viên, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy rằng học sinh có thể phát triển phẩm chất, năng lực thông qua việc học trực tuyến. Chúng ta được nhìn thấy hình ảnh học sinh ở vùng cao bắt sóng học bài, như ở Phú Thọ quê cô Phượng có những em học sinh phải đi bộ đến 20 cây số leo lên đỉnh núi mới có sóng điện thoại để học bài. Câu chuyện của bạn học sinh đó cũng đã truyền cảm hứng cho rất nhiều học sinh cả nước...
Có lẽ nhờ tinh thần học tập đó mà học sinh ở trường THPT Hương Cần là người dân tộc thiểu số và các em chưa có môi trường học tập ngoại ngữ tốt nhưng lại có trên trong danh sách sinh viên trúng tuyển tại nhiều đại học danh tiếng.