Một cú liều, lão nông số một Việt Nam mỗi năm thu 25 tỷ đồng

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 10:11, 01/02/2022

Nhờ công nghệ số nên công nhân chỉ cần cầm smartphone mở app, sau vài cú “gẩy tay”, hệ thống máy ở các ao tự động cho tôm ăn. Muốn biết kích cỡ tôm cũng chỉ việc mở app chụp ảnh con tôm cho ra ngay kết quả chính xác.

Đó là chia sẻ của lão nông Đặng Văn Bảy ở xã Thạnh Phong (Thạnh Phú, Bến Tre) khi nói về mô hình nuôi tôm hiện đại giúp ông thu lãi tới 20-25 tỷ đồng mỗi năm.

Liều chuyển làm công nghệ cao, nông dân số

Ông Bảy có hơn 20 năm theo nghề nuôi tôm. Tuy nhiên, chỉ khi chuyển sang làm công nghệ cao và áp dụng công nghệ số, con tôm mới thực sự giúp ông đổi đời, thành lão nông tỷ phú.

Ông kể, quê mình là vùng đất giáp biển, thuận lợi cho con tôm sinh trưởng. Thế nên, năm 2001, ông quyết định vay ngân hàng gần 100 triệu đồng để đào ao nuôi tôm với mơ ước thoát khỏi cảnh khó khăn.

Ông bắt đầu bằng con tôm sú với cách nuôi truyền thống trong hai ao nuôi, nhưng kinh nghiệm chưa có, gặp thời tiết không thuận lợi nên tôm chết nhiều, năng suất không cao. Do đó, những năm đầu phần lớn nuôi tôm chỉ hoà vốn, có đôi năm lỗ vốn, còn những năm thu lời ông quay lại tái đầu tư, mở rộng diện tích nuôi.

Một cú liều, lão nông số một Việt Nam mỗi năm thu 25 tỷ đồng
Lão nông Đặng Văn Bảy thắng lớn nhờ con tôm công nghệ cao (ảnh: Báo NTNN)

Nhưng hơn chục năm theo nghiệp con tôm với bao vất vả, ông Bảy vẫn chưa thấy hiệu quả. Kinh nghiệm đã có để thoát cảnh thua lỗ, nhưng lợi nhuận không cao do năng suất tôm thấp.

Mãi đến năm 2016, khi thấy mô hình nuôi tôm công nghệ cao bên Thái Lan, lại nghe nhiều về làm nông nghiệp công nghệ cao của nông dân các vùng khác, ông Bảy quyết định làm liều, dồn hết vốn liếng mình tích cóp được để chuyển mô hình nuôi tôm từ truyền thống sang nuôi theo công nghệ cao.

Ông tiến hành chia tách lại ao nuôi cho phù hợp. Trước đây, 1ha đất nếu nuôi theo cách truyền thống sẽ có hai ao nuôi, mỗi ao khoảng 4.000m2 mặt nước. Diện tích còn lại làm ao lắng xử lý nước. Tôm thả nuôi với mật độ dày nhưng hiệu quả không cao.

Nay ông chia tách 1ha đất chỉ nuôi khoảng 1.500m2 mặt nước, diện tích còn lại là ao ươm và ao xử lý nước với công nghệ tiên tiến, tôm nuôi mật độ cao nhưng lớn nhanh, năng suất cao.

Quy trình nuôi tôm công nghệ cao là khép kín. Do vậy, mô hình này có nhiều ưu điểm như quản lý được dịch bệnh ngay từ ban đầu, quản lý được thức ăn, môi trường, không dùng kháng sinh, mật độ thả nuôi dày, rủi ro tôm chết rất thấp, đặc biệt là nuôi theo quy trình vi sinh nên cho sản phẩm tôm sạch.

“Chuyển sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao, năng suất không chỉ tăng cao mà mỗi năm còn nuôi được vài vụ thay vì chỉ duy nhất một vụ như nuôi truyền thống”. Ông Bảy chia sẻ, cú làm liều giúp ông bứt phá, thu nhập tăng cao hơn hẳn.

Đến năm 2020, ông Bảy lại quyết định số hoá các ao tôm của mình để tiết kiệm chi phí lao động, kiểm soát tốt quy trình nuôi thả và thu hoạch.

Nói về hệ thống ao nuôi với quy mô rộng 25ha của mình, ông cho biết, ao đã được lắp hệ thống máy móc cho ăn, hệ thống xử lý nước tự động với máy đo chính xác. Ông hoặc công nhân sẽ theo dõi qua các app đã được cài trên điện thoại thông minh. Đến giờ cho tôm ăn, chỉ cần vào app với vài cái gạt tay, máy móc sẽ hoạt động cho tôm ăn đầy đủ, đúng liều lượng.

“Kiểm tra kích cỡ tôm cũng vậy. Tôi chỉ cần bắt tôm bỏ vào chậu nước, vào app chụp hình tôm trong chậu lại là tự động cho ra kết quả chính xác trọng lượng của con tôm. Việc này để tính toán size tôm chuẩn, thuận lợi cho mua bán”, ông nói.

Theo ông Bảy, nuôi tôm công nghệ cao giúp tăng năng suất, kiểm soát dịch bệnh tốt. Áp dụng công nghệ số giúp ông giảm 10-15% chi phí nuôi. Một công nhân có thể vụ trách vài ao nuôi, công việc nhàn nhã, không còn vất vả như trước.

Cũng vào năm 2020, ông Bảy là người đầu tiên xác lập kỷ lục nuôi tôm công nghệ cao hiệu quả nhất cả nước, với size tôm đạt 15 con/kg theo công nghệ do doanh nghiệp chuyển giao.

Một cú liều, lão nông số một Việt Nam mỗi năm thu 25 tỷ đồng
Ông Bảy là thành viên của Câu lạc Nông dân tỷ phú của tỉnh, của huyện để chia thành kinh nghiệm cùng nhau làm giàu từ con tôm

Bão Covid-19 vẫn thắng đậm 25 tỷ

Nói về những ao nuôi tôm, những khu bể xử lý nước, ươm tôm qua các giai đoạn được quy hoạch bài bản, ông Bảy khoe, vài năm gần đây thu nhập rất ổn định, năm sau tăng hơn năm trước.

Thời điểm trước năm 2017, dù có lãi nhưng cũng không nhiều. Còn từ khi chuyển qua nuôi công nghệ cao kết hợp chuyển đổi số, ông lần đầu thu được tiền lời lên tới con số chục tỷ, quy mô sản xuất cũng được mở rộng theo hướng bền vững.

“Mấy năm nay rồi, tiền lời đút túi đều đặn từ 20-25 tỷ”, ông khoe. Năm 2021, bão Covid-19, có những thời điểm chuỗi sản xuất đứt gãy, người nuôi tôm gặp khó khăn trong tiêu thụ. Song, thời điểm ấy, ông có thể điều tiết được sản lượng cũng như kích cỡ con tôm. Tới lúc nới lỏng giãn cách, chuỗi sản xuất lại thông thương, tôm trong ao nuôi của ông thuận lợi thu hoạch bán cho các công ty chế biến để xuất khẩu.

Đặc biệt, tôm cỡ lớn được các doanh nghiệp thuỷ sản thu mua với giá cao hơn trước từ 25-35%.

Ông Bảy tiết lộ, năm 2021, diện tích nuôi tôm của ông chỉ 25ha, sản lượng gần 400 tấn, thu lãi 25 tỷ đồng. Số tiền này, ông bớt lại một phần làm “của để dành”, phần còn lại ông đầu tư mua thêm đất đào ao nuôi tôm.

“Tôi đang đào thêm 11ha nữa để thả nuôi tôm. Như vậy năm 2022 sẽ có khoảng 36ha ao nuôi tôm, hy vọng lợi nhuận thu được sẽ vượt con số 30 tỷ đồng”, ông khoe.

Thành công với mô hình nuôi tôm biển công nghệ cao, ông Bảy đang là thành viên của Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú tỉnh Bến Tre, đồng thời là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú. Đây là sân chơi để mọi người chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất thành công, cùng nhau làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

Tâm An