Khao khát giữ gìn nét đẹp của Tiếng Việt trong trái tim mỗi người con xa xứ
Đối ngoại - Ngày đăng : 00:00, 01/02/2022
Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm nay, quà Tết cho các bé còn có thêm một cuốn sách "Đón Tết về nhà". Ảnh: BNEWS phát |
Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm nay, quà Tết cho các bé còn có thêm một cuốn sách "Đón Tết về nhà" được Thủy Tiên, một cô giáo dạy tiếng Việt ở vùng Thụy Sĩ nói tiếng Đức, cung cấp và phổ biến.
Cô giáo Thủy Tiên cũng là người phụ trách chi nhánh ở Thụy Sĩ của Tiệm Mọt - tiệm sách Tiếng Việt tại nước ngoài có trụ sở chính tại Phần Lan.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, cô Thủy Tiên cho biết mong muốn và tâm huyết của cô là đem thật nhiều sách tiếng Việt đến với tất cả kiều bào Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Thụy Sĩ, nhất là những gia đình có con nhỏ.
Sách tiếng Việt chính là cầu nối hiệu quả, bổ ích cho các em thế hệ thứ hai, thứ ba được sinh ra và lớn lên tại Thụy Sĩ, đặc biệt là các bé lớn lên trong gia đình đa ngôn ngữ, tiếp lúc cùng một lúc 2 hoặc 3 ngôn ngữ khác nhau.
Việc tiếp xúc thường xuyên và đọc sách tiếng Việt ngay từ nhỏ giúp các em có nền tảng vững chắc về văn hóa, ngôn ngữ và con người Việt Nam. Đó là những nền tảng giúp các em sau này phát triển tiếng mẹ đẻ, cảm thấy gần gũi, hiểu quê hương và nguồn cội hơn.
Đánh giá về đam mê đọc sách của các em nhỏ, cũng như khát khao giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ nơi xa xứ của những gia đình gốc Việt sinh sống tại Thụy Sĩ, cô Thủy Tiên cho biết đam mê đọc sách ở trẻ em ở Thụy Sĩ nói chung và các bé có nguồn gốc Việt Nam tại Thụy Sĩ nói riêng là rất lớn.
Theo bản năng của các em nhỏ, các bé thường rất tò mò, hứng thú khám phá tất cả mọi thứ xung quanh và sách cũng không ngoại lệ. Các em có thể khám phá tất cả những gì trong sách, hoặc là em nào có hứng thú về sách, yêu một câu chuyện nào đó trong sách thì có thể yêu cầu ba mẹ đọc 2, 3 lần một ngày câu chuyện đó.
Ở nước ngoài cũng như ở Thụy Sĩ, việc đọc sách cho trẻ nhỏ mỗi ngày là rất phổ biến. Các em nhỏ ít nhất được ba mẹ đọc sách cho một lần mỗi tối trước khi đi ngủ. Khi ba mẹ có thời gian rảnh trong ngày thì cũng đều đọc sách cho các em bởi vì họ quan niệm sách là nguồn tiếp cận thông tin bổ ích, là thức ăn tinh thần bổ dưỡng để nuôi dưỡng tâm hồn của tất cả mọi người.
Tâm huyết của cô Thủy Tiên là đem thật nhiều sách tiếng Việt đến với tất cả kiều bào Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Thụy Sĩ, nhất là những gia đình có con nhỏ. Ảnh: BNEWS phát |
Những gia đình Việt sinh sống ở Thụy Sĩ cũng học theo thói quen đọc sách cho con, vì vậy nhu cầu mua sách tiếng Việt ở Thụy Sĩ rất cao. Qua đó cũng thể hiện những khát khao giữ gìn tiếng mẹ đẻ của các gia đình Việt Nam đang sinh sống tại Thụy Sĩ, ai cũng muốn được nghe các con nói tiếng mẹ đẻ với mình chứ không phải tiếng bản xứ.
Nhìn chung, nhiều gia đình Việt Nam tại Thụy Sĩ đã đi đúng hướng khi tạo cho con có thói quen đọc sách, tạo cơ hội cho con được về Việt Nam nhiều lần để tiếp xúc với bà con họ hàng ngay tại quê hương để con có được sự kết nối chặt chẽ với Việt Nam và đó là cũng là cách tạo thêm tình yêu tiếng Việt đối với trẻ nhỏ, tạo động lực cho con học tiếng mẹ đẻ.
Tuy nhiên, một số gia đình chưa có được định hướng rõ ràng về cách thức gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ cho con, nhiều khi làm cho con có cảm nhận không tốt về tiếng Việt. Chính vì khát khao, quá mong muốn con nói tiếng Việt nên ba mẹ bắt ép con, không tôn trọng cảm giác, mong muốn của con dẫn đến việc con có ác cảm hoặc không thích tiếng mẹ đẻ.
Tại châu Âu, đặc biệt là tại Thụy Sĩ, khi các bé lớn lên sẽ rất khó khăn để có thời gian dành cho việc học hoặc đọc sách tiếng Việt vì càng học lên cao thời gian rảnh càng ít, thời gian dành cho tiếng Việt không có nhiều.
Các em còn phải học nhiều ngôn ngữ khác, các môn học chính và môn phụ chính vì vậy nếu các em không có tình yêu thật mãnh liệt với tiếng Việt ngay từ nhỏ thì dễ bị bỏ rơi giữa chừng và không đi được đến đích.
Cô giáo Thủy Tiên cũng chia sẻ những cơ hội và thách thức của chi nhánh Tiệm Mọt tại Thụy Sĩ trước các biện pháp đóng cửa do đại dịch COVID-19. Hơn 2 năm kể từ khi dịch bệnh xảy ra, hầu như tất cả những người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài cũng như ở Thụy Sĩ đều không thể về Việt Nam để trực tiếp mang những quyển sách Tiếng Việt sang đọc.
Vì vậy nhu cầu sách Tiếng Việt ở nước ngoài đã thực sự rất lớn. Điều này thể hiện qua việc Tiệm Mọt chỉ mới ra đời cách đây 1 năm mà đã có mặt trên 11 quốc gia ở cả 3 châu lục - châu Âu, châu Đại dương và châu Mỹ. Sự bức bối vì các biện pháp cách ly phòng chống dịch lại càng khiến nhu cầu về sách sưởi ấm đời sống tinh thần người gốc Việt ở nước ngoài.
Bên cạnh cơ hội cũng có những thách thức cho Tiệm Mọt nói chung và Tiệm Mọt ở Thụy Sĩ nói riêng trong bối cảnh đại dịch. Đó là những lần vận chuyển bị trì hoãn, khách phải đợi chờ rất lâu, giá thành lên cao, ảnh hưởng đến giá thành sách khi đến tay độc giả.
Tuy nhiên, một điều may mắn là đa số các độc giả đều rất thông cảm, kiên nhẫn chờ đợi, dành tặng những lời khen cho đội ngũ Tiệm Mọt rằng nhờ có Tiệm Mọt mà trong bối cảnh không thể về Việt Nam được, nhưng vẫn được cầm trên tay quyển sách Việt, đọc được những dòng chữ Việt cảm thấy quê hương rất là gần cho dù 2 năm qua không được về quê, gặp gia đình, người thân ở Việt Nam.
Những lời khen tặng quý giá đó của độc giả chính là những động lực to lớn cho đội ngũ Tiệm Mọt, thúc đẩy mong muốn làm sao để có thể mang được nhiều sách đến tay độc giả hơn nữa. Những quyển sách ấy không chỉ đảm bảo về nội dung, hình thức mà còn phải có giá thành hợp lý.
Tiệm Mọt hy vọng sẽ tiếp tục đưa Tiếng Việt đi thật xa, giữ gìn nét đẹp của Tiếng Việt trong trái tim mỗi người con xa xứ, tiếp tục tinh thần kết nối đến trẻ em Việt Nam, mở rộng sức ảnh hưởng trong văn hoá đọc của những em bé Việt Nam hiện đang sinh sống tại nước ngoài.
Trong dịp Tết Nhâm Dần năm nay, cuốn sách song ngữ "Đón Tết về nhà" cũng được lựa chọn trong chương trình đọc truyện online do VIRES - cộng đồng giáo dục Reggio Emilia tại Việt Nam tổ chức cho các bé Việt Nam sống tại nước ngoài. "Đón Tết về nhà" cũng là quà Tết cho các bé của trường Bình Minh - trường dạy tiếng Việt dành cho các em học sinh gốc Việt đang sinh sống tại khu vực thành phố Zurich, miền Đông Bắc Thụy Sĩ.
Việc duy trì và gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ mai sau luôn là mối quan tâm của nhiều gia đình gốc Việt tại Thụy Sĩ với mong muốn con cái mình đọc được những cuốn sách ngôn ngữ mẹ đẻ, hiểu được cội nguồn của dân tộc.
Trường Âu Lạc Việt do Tiến sĩ Hoàng Văn Khẩn phụ trách được thành lập năm 2005 dưới sự hỗ trợ của Đại sứ Ngô Quang Xuân cùng các cơ quan quốc tế tại Genève lúc bấy giờ.
Trường tổ chức dạy tiếng Việt cho nhiều đối tượng khác nhau như con em của Việt kiều, dâu rể Việt Nam, con cái, các bạn bè Thụy Sĩ, Pháp và cũng chính là cây cầu nối Thụy Sĩ gần hơn với Việt Nam qua việc giảng dạy tiếng Việt.