Dâu tằm xanh thắm vùng biên
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 16:08, 31/01/2022
Đó là thông điệp của Trung úy Nguyễn Văn Hiển - người đoạt giải Nhất Cuộc thi “Thanh niên sáng tạo vì khí hậu" năm 2021 với sáng kiến trồng cây dâu tằm ở vùng biên giới.
*
Từ nơi biên giới Việt - Lào tại xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) xa xôi, Trung úy Nguyễn Văn Hiển - Trạm Trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Si Pa Phìn thấm thía cái khắc nghiệt của thời tiết, cái gieo neo của đói nghèo đeo bám. Ý tưởng “Trồng cây dâu tằm ở khu vực biên giới, xây dựng hàng rào sinh học, giữ đất, chống xói mòn, đồng thời nuôi tằm lấy tơ dệt lụa phát triển kinh tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số” mà anh gửi tham dự cuộc thi “Thanh niên sáng tạo vì khí hậu" năm 2021 đã đến với anh trong những ngày gian khó ấy.
Nậm Pồ mang trong mình đầy đủ những hình thái thời tiết đặc trưng của các vùng núi phía Bắc. Nắng thì như “đổ lửa”. Lạnh thì “cắt” thịt, “cắt” da. Cộng thêm đó là những trận lũ quét, sạt lở… đột ngột đổ về.
Còn nhớ, mùa đông đầu tiên ở Nậm Pồ. Sáng thức dậy, chàng chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Hiển ngỡ ngàng khi cả vườn cải xanh non hôm trước, nay bỗng gãy, rạp, hỏng hết cả, chỉ sau một đêm rét hại sương muối. “Chuyện thường ở phố huyện mày ơi” - cậu bạn cùng phòng nói như một sự hiển nhiên.
Mùa đông ấy, Hiển chứng kiến chỉ sau vài cơn rét đậm, rét hại, trâu, bò, lợn, gà của người dân chết sạch. Cũng chỉ trong phút chốc, ngôi nhà đơn sơ mà cả đời họ dành dụm, vun đắp bị cuốn trôi theo dòng nước lũ.
Thế mới có chuyện, người dân được tặng trâu bò hôm trước thì hôm sau họ bán ngay. Bởi bán còn có tiền mua gạo, chứ để nuôi mấy hôm rét, trâu bò chết thì vừa mất trâu lại mất cả tiền thức ăn nuôi nó.
Dường như, ở đây, cái gì cũng tạm bợ, chỉ cái nghèo là bền vững. Gần nửa dân số của Si Pa Phìn thuộc hộ nghèo và cận nghèo.
Cách nào để giúp người dân ổn định cuộc sống? Hiển trăn trở suốt thời gian công tác tại đây. Tìm kiếm, quan sát và trải nghiệm, Hiển nhận thấy có một loại cây đang được người dân địa phương trồng rộng rãi, sinh trưởng mạnh mẽ và có rất nhiều giá trị đó là cây dâu tằm. Người dân sử dụng được hầu như mọi bộ phận của cây. Lá cây để nuôi tằm, dệt vải. Thân, rễ cây dùng trong các bài thuốc dân gian…
Đi sâu vào nghiên cứu, nhận thấy, cây dâu tằm phát triển rất nhanh và sống lâu năm, dễ thích ứng với môi trường khắc nghiệt. Không những vậy, khả năng nhân rộng của giống cây này lại rất cao, đạt hiệu quả hơn so với các loại cây trồng khác.
“Nếu người dân địa phương chuyển hướng sang trồng cây dâu tằm có quy hoạch thì giá trị kinh tế đem lại sẽ rất lớn, đây rất có thể là hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân”, ý tưởng đó lóe ra trong đầu Hiển.
**
Khi đang ấp ủ giấc mơ đó, Hiển tình cờ biết về cuộc thi “Thanh niên sáng tạo vì khí hậu”, chàng trai trẻ đã mạnh dạn đăng ký và tự mình xây dựng ý tưởng “Trồng cây dâu tằm ở khu vực biên giới, xây dựng hàng rào sinh học, giữ đất, chống xói mòn, đồng thời nuôi tằm lấy tơ dệt lụa phát triển kinh tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Tham gia cuộc thi, Hiển gặp nhiều khó khăn hơn những thí sinh và nhóm tác giả khác bởi đặc thù công việc là chiến sĩ biên phòng, thời gian công việc và chế độ sinh hoạt nghiêm ngặt. Hơn nữa, cách trở địa lý khiến Hiển gặp nhiều trở ngại trong quá trình xây dựng, gửi bài thi.
Bài thi của Hiển khi công khai trên trang Facebook của cuộc thi đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, nhà chuyên môn. Nhiều lời động viên đã được gửi đến như tiếp thêm động lực cho Hiển. Mặc dù ý tưởng của Hiển không đạt giải cao ở cuộc thi tuần, nhưng Hiển vẫn luôn tin tưởng và quyết tâm thực hiện đến cùng ý tưởng đó. Và, kết quả đã không phụ lòng, ý tưởng của Hiển được lọt top 10.
“Tôi thật sự rất vui mừng và hạnh phúc khi nhận được thông báo ý tưởng của mình lọt vào chung kết. Nhưng ngay sau niềm vui đó lại là nỗi lo khi tôi biết thông tin mình phải thuyết trình bài thi với Ban Giám khảo theo hình thức trực tuyến. Bởi, điều kiện trang thiết bị tại đơn vị không đảm bảo và việc tiếp xúc dân sự cũng rất hạn chế do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp”.
Với những khó khăn đó, bài thi của Hiển không được tập duyệt, đến sát giờ thi Hiển mới nhờ được phòng truyền của Tỉnh đoàn để thuyết trình bài thi và trả lời các câu hỏi của Ban Giám khảo. Với ý nghĩa nhân văn và tính thực tiễn, sáng tạo, ý tưởng của Hiển đã đạt giải Nhất.
***
“Niềm vui chỉ trọn vẹn khi ý tưởng được hiện thực hóa”, Hiển tâm sự. Anh dự định dùng toàn bộ tiền thưởng của cuộc thi là 50 triệu đồng để tiếp tục thực hiện dự án trồng cây dâu tằm.
Ngay sau khi nhận giải, Hiển đã gặp gỡ lãnh đạo các Sở, ban, ngành tại địa phương để bày tỏ ý muốn thực hiện dự án này. Nhiều kế hoạch và hành động cụ thể đã được Hiển đưa ra, được địa phương đánh giá cao, song để hiện thực hóa còn nhiều việc phải làm.
Ý tưởng đã có, nguồn vốn ban đầu có thể dùng tiền thưởng, cái mà Hiển cần nhất giờ đây là sự hỗ trợ, tiếp sức của chính quyền và sự hưởng ứng của người dân.
Trước mắt, Hiển cho rằng, việc trồng dâu ở địa phương nên làm theo phương thức hỗ trợ từng hộ dân phát triển vườn dâu tại nhà. Sau đó sẽ mở rộng nghiên cứu trồng dâu thành từng vùng, tại những địa điểm phù hợp và mang lại giá trị môi trường, kinh tế cao.
Về lâu dài, muốn người dân gắn bó và phát triển trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, địa phương cần hỗ trợ về việc phát triển thị trường tiêu thụ hàng thủ công, phát triển du lịch sinh thái, tăng thu nhập, ổn định đời sống.
Xuân đã về. Những mầm dâu non xanh đang vươn chồi mẽ. Giấc mơ về một vùng dâu xanh ngút ngàn miền biên viễn, vừa mang đến ấm no, vừa giữ đất, giữ làng khỏi thiên tai bão lũ, đang đến thật gần…