Tết an vui của công nhân môi trường sau hơn nửa năm bị nợ lương triền miên

Xã hội - Ngày đăng : 10:51, 31/01/2022

Sau khi câu chuyện bị nợ lương của nhiều công nhân môi trường được lan tỏa, các mạnh thường quân giúp đỡ để vượt qua cuộc sống khó khăn. Hiện tại, họ đang có một cuộc sống ổn định.

Tháng 6/2021, thông tin hơn 200 công nhân môi trường thuộc Công ty Minh Quân bị nợ lương, nhiều người phải đi nhặt ve chai kiếm sống gây xôn xao dư luận.

Trước nỗ lực đòi lương của người lao động và sức ép từ nhiều phía, ngày 19/6/2021, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội (Công ty Minh Quân đổi tên) trả trước 500 triệu đồng tiền lương cho công nhân. Các khoản còn lại được thanh toán cho công nhân trong tháng 7/2021.

Là một trong những công nhân bị Công ty Minh Quân nợ lương, chị Nguyễn Thị Minh Uyên (quê ở Thái Bình) chia sẻ, hoàn cảnh của chị rất khó khăn, phải nuôi con nhỏ và mẹ già, trong khoảng một năm bị công ty Minh Quân nợ lương, chị và cả nhà sống trong cơ cực.

"Tôi ở với con trai đang học lớp 3 và mẹ già tại phường Phú Đô, cứ mỗi lần đi làm về nếu không có tiền là mẹ tôi bắt đầu chửi mắng. Thậm chí, tôi đã từng phải ra thuê trọ ở riêng vì không chịu được những câu quát mắng của mẹ", chị Uyên trầm giọng kể về những ngày khó khăn.

Tết an vui của công nhân môi trường sau hơn nửa năm bị nợ lương triền miên
Chị Nguyễn Thị Minh Uyên, công nhân Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội,

"Tôi không dám nói chuyện công ty nợ lương vì sợ mẹ tôi nghĩ là tôi ăn chơi nên hết tiền. Đến khi mọi chuyện vỡ lở, bây giờ mẹ tôi mới thông cảm và hiểu cho con", chị Uyên tâm sự.

Trong suốt quãng thời gian chờ đợi tiền lương, chị Uyên phải đi nhặt vỏ chai để bán kiếm sống qua ngày. Mỗi khi có công việc lớn, không có tiền, chị lại phải vay mượn. Ngày này qua ngày khác, số tiền nợ, tiền lãi tăng lên đến mức không đủ khả năng chi trả. Nhiều lần đi khất nợ, chị Uyên còn bị chủ nợ nói những câu nặng lời.

"Thật sự, bản thân tôi rất xấu hổ, nhưng đến khi nhà không còn hạt gạo nào, tôi đành phải đi hỏi xem vay ai được vài chục nghìn để mua gạo chứ không biết làm thế nào'', chị giãi bày.

Gạo hết thì đi vay được, nhưng đến hạn đóng tiền học phí cho con trai, chị thực sự lực bất tòng tâm. Đã nhiều lần đứa con nhỏ của chị phải nghỉ học vài ngày vì bị "các bạn trêu đóng tiền học phí muộn''.

Tết an vui của công nhân môi trường sau hơn nửa năm bị nợ lương triền miên
Trong suốt quãng thời gian chờ đợi tiền lương, chị Uyên phải đi nhặt vỏ chai để bán kiếm sống qua ngày.

Trong tổ công nhân thu dọn rác, có hoàn cảnh còn khó khăn, cơ cực hơn chị Uyên, như ông Nguyễn Văn Đăng (ở Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Gần 60 tuổi, bị cụt mất một chân, ông Đăng đeo chân giả, vắt kiệt sức lực vật lộn với rác.

Tết an vui của công nhân môi trường sau hơn nửa năm bị nợ lương triền miên
Ông Nguyễn Văn Đăng vật lộn thu gom rác.

Hàng ngày, ông phải đi xe bus trước giờ làm 2 tiếng để kịp bắt đầu buổi làm việc vào lúc 17h30. Công việc của ông Đăng là dọn rác trong hầm của chung cư, mỗi buổi làm việc đều kéo dài đến khoảng 1 - 2 giờ đêm. Sau khi đã thu gom hàng tấn rác, ông trở về túp lều dựng tạm phía sau khu điền kinh của thành phố, chờ trời sáng thì bắt xe bus về nhà.

Tết an vui của công nhân môi trường sau hơn nửa năm bị nợ lương triền miên
Ông Đăng mò mẫm trong rác thải để nhặt ve chai, kiếm sống qua ngày.

"Hai vợ chồng tôi làm cho Công ty Minh Quân từ năm 2017, đến năm 2020 thì mỗi người bị nợ lương 7 tháng, số tiền khoảng 40 triệu đồng", ông Đăng tâm sự.

Giọng trầm xuống khi nhắc lại quãng thời gian khó khăn nhất, ông kể: "Tôi bị tai nạn nghề nghiệp, mất 1 chân đã hơn 20 năm nay nên chẳng làm được việc gì. Ở nhà, trồng được vài sào lúa nhưng chuột cắn hết, nuôi cá thì lỗ vốn nên hai vợ chồng rủ nhau vào nội thành dọn rác kiếm sống.

Đầu năm 2020, Công ty Minh Quân trả lương chậm, rồi sau đó nợ lương suốt 7 tháng. Không có tiền, đêm nào cũng vậy, tôi phải đi nhặt từng tí nhựa, giấy để bán. Nhặt xong thì lại trở về túp lều dựng tạm để ngủ. Nói là ngủ nhưng cũng chẳng ngủ được vì nóng, muỗi đốt nên chỉ nhắm mắt chờ đến sáng rồi bắt xe bus về nhà thôi".

Tết an vui của công nhân môi trường sau hơn nửa năm bị nợ lương triền miên
Kiếm được 50 - 70 nghìn đồng mỗi ngày từ việc bán vỏ chai, giấy nhựa, ông Đăng và vợ chỉ đủ rau cháo qua ngày. Nếu có việc như giỗ chạp, sửa nhà thì phải đi vay họ hàng, người thân.

"Khổ nhất là phải đi vay tiền ăn Tết rồi cả hội Làng nữa. Nhiều người vẫn hỏi tôi tại sao hai vợ chồng đi làm mà không có tiền, nhưng câu này khó trả lời quá, tôi đành ngậm ngùi đi về.

Mãi đến khi sân nhà bị ngập, rồi công trình phụ bị đổ, tôi phải vay ngân hàng 100 triệu đồng để sửa lại. Số còn thừa cũng lấy ra chi tiêu trả nợ chứ nhặt vỏ chai mãi cũng không sống được", người đàn ông hiền lành không kìm nén được nỗi buồn khi kể lại quãng thời gian nhọc nhằn đầy rẫy lo toan.

Sau khi câu chuyện được lan tỏa, ông Đăng, chị Uyên và nhiều công nhân môi trường khác được các đơn vị, mạnh thường quân giúp đỡ để vượt qua cuộc sống khó khăn. Hiện tại, họ đang có một cuộc sống ổn định với công việc làm đẹp môi trường.

Từ khi lấy lương và được nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ, ông Đăng cũng "cười nhiều hơn" vì suốt 1 năm bị nợ lương, tâm trạng của ông lúc nào cũng căng thẳng vì áp lực đi kiếm tiền nuôi gia đình.

"Bây giờ, tôi vẫn tiếp tục đi dọn rác nhưng lịch sinh hoạt có chút thay đổi. Trước đây tôi về nhà hàng ngày nhưng bây giờ có thu nhập ổn định, tôi đã thuê một phòng trọ (gần 1 triệu/tháng) để nghỉ ngơi sau mỗi ca làm đêm và cuối tuần mới trở về gia đình", ông Đăng nói.

Tết an vui của công nhân môi trường sau hơn nửa năm bị nợ lương triền miên
Hiện tại ông Đăng đã có cuộc sống ổn định hơn, khi được trả nợ lương và được thêm một khoản tiền của các mạnh thường quân ủng hộ.

Có khoản tiền ủng hộ của các mạnh thường quân, ông Đăng đã trả nợ, số còn lại để sửa sang nhà cửa vào dịp cuối năm để đón Tết Nhâm Dần 2022. "Tôi vừa sửa nhà xong vào ngày 23 tháng Chạp. Năm nay gia đình tôi đón Tết hạnh phúc, phấn khởi hơn rất nhiều so với năm ngoái bị nợ lương", ông Đăng vui mừng nói.

"Năm nào cũng vậy, tôi chỉ được nghỉ mùng 1 Tết thôi, năm nay vui hơn là được nghỉ thêm mùng 2 là ngày nghỉ tua của tháng nên làm việc xong đêm giao thừa, sáng mùng 1 tôi sẽ trở về ăn Tết cùng gia đình", ông chia sẻ.

Giống như ông Đăng, chị Uyên cũng chuẩn bị đón một cái Tết ấm áp. "Năm ngoái tủi nhục bao nhiêu thì năm nay tôi hạnh phúc bấy nhiêu", chị Uyên nói.

Hiện tại, ngôi nhà của chị Uyên đang ở tại phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) cũng đã được sửa sang lại.

Chị Uyên cho biết, số tiền được các nhà hảo tâm giúp đỡ chị đã sửa lại ngôi nhà, trả nợ ngân hàng. Số còn lại sẽ để trang trải cuộc sống. Về công việc, dù chỉ được nghỉ 1 ngày Tết nhưng chị Uyên "vui lắm", vì bản thân là một phần nhỏ để làm sạch thành phố.

"Những năm đầu đi làm vào Tết thì cũng có chút chạnh lòng nhưng giờ đây tôi quen rồi. Nếu không có những người như chúng tôi thì sau Tết thành phố sẽ rất nhiều rác thải. Hơn nữa, đi làm vào ngày Tết được người dân chúc mừng, lì xì cũng hạnh phúc lắm", chị Uyên nói thêm.

Bảo Khánh