Xử lý ô nhiễm tiếng ồn: ý thức vẫn là quan trọng

Xã hội - Ngày đăng : 15:03, 30/01/2022

Đó là ý kiến của được ghi nhận về tình trạng xử lý ô nhiễm tiếng ồn khi chủ yếu vẫn nể nang và nhắc nhở là chủ yếu vì mức phạt chưa đủ răn đe từ cơ quan chức năng.

Xem thêmXử lý ô nhiễm tiếng ồn dịp lễ Tết: 'mèo lại hoàn mèo'?

Xem thêm: Tiếng ồn 'thủ phạm' âm thầm ảnh hưởng sức khỏe ra sao?

Ô nhiễm tiếng ồn đã không còn là nỗi lo sợ của riêng ai khi mà hằng ngày, chúng ta vẫn đang tiếp cận nó ở mức nguy hại, nếu không nói là ảnh hưởng tinh thần rất nhiều.

Từ ngoài đường với tiếng còi xe, tiếng loa của những chợ tự phát, những xe bán hàng rong đến cả những tiếng karaoke mà ít nhiều phải đối mặt hàng ngày.

"Chủ yếu mỗi khi phản ánh công an khu vực vẫn chỉ nhắc nhở là chủ yếu, chứ chưa thấy ai phạt khi nào cho việc hát hò tra tấn bằng loa kẹo kéo", một cư dân trong một khu chung cu ở Bình Tân (TP.HCM) cho biết.

ky-2-xu-ly-o-nhiem-tieng-on-y-thuc-van-la-quan-trong-1.jpg
Xử lý ô nhiễm tiếng ồn vẫn còn nhiều bất cập.

Trong hầu hết các trường hợp cơ quan chức năng chỉ ghi nhận và nhắc nhở, bên cạnh yêu cầu ngừng ngay để tránh ảnh hưởng hàng xóm, chứ hiếm khi lập biên bản xử phạt. 

"Luật quy định chỉ xử phạt từ 22h đến 5h sáng hôm sau nên đôi lúc cũng là trở ngại, bởi ô nhiễm tiếng ồn, nhất là karaoke kẹo kéo di động có thể ảnh hưởng cả giờ nghỉ trưa, người lớn tuổi không chỉ giờ tối", một công an viên cho hay.

Với mức phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng, đây được xem là quá nhẹ nên việc vô tư ngang nhiên làm huyên náo lối xóm vẫn còn đó, cần biện pháp răn đe mạnh hơn cho ý thức "tệ hại" này.

ky-2-xu-ly-o-nhiem-tieng-on-y-thuc-van-la-quan-trong.jpg
Loa kẹo kéo - một phần nguyên nhân cho việc ô nhiễm tiếng ồn đường phố.

Cụ thể, đối với các vi phạm về tiếng ồn công nghiệp của các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp…, thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ dùng thiết bị đo đạc để xác định mức độ vi phạm và xử lý theo quy định của Nghị định 155/2016/NĐ-CP.

Trong khi đó, với tiếng ồn phát sinh trong khu dân cư chủ yếu do hát karaoke thì lực lượng chủ lực là công an phường, xã áp dụng các quy định của Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Riêng tại TP.HCM, hành vi vi phạm tiếng ồn được áp dụng theo Nghị định 144/2021. Tuy nhiên, trên thực tế tại các địa phương thì lực lượng mỏng và tập trung chống dịch nên đôi lúc chưa thể triển khai áp dụng quy định mới.

Theo UBND một phường ở quận Gò Vấp, những trường hợp gây ồn nằm ngoài khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau thì cần phải có thiết bị đo. "Tuy nhiên, khi lực lượng xuống đo thì người vi phạm mở nhỏ hoặc tắt luôn nên cũng rất khó xử lý".

Tại Đà Nẵng, lãnh đạo Công an Thành phố đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát môi trường phát hiện, xử lý mạnh tay đối với các hành vi vì lợi nhuận, thu hút khách gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt người dân, trong đó riêng lĩnh vực ô nhiễm tiếng ồn hiện mức tiền phạt dự kiến lên tới 258,5 triệu đồng cho đợt cao điểm Tết Nhâm Dần 2022.

Theo tiến sỹ Nguyễn Văn Tiến - Phó Trưởng Khoa luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM, một số đối tượng khác cũng cần được bảo vệ như trẻ em cần có thời gian học bài hoặc người già, người bệnh cần được nghỉ ngơi. Vì thế, thời gian không được hoạt động ô nhiễm tiếng ồn nên tăng lên chứ không giới hạn từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau bởi có thể làm ô nhiễm thêm trầm trọng.

"Tôi thấy quan trọng vẫn là ý thức chủ yếu, bởi ô nhiễm tiếng ồn không chỉ từ sự ảnh hưởng tâm lý, còn là công việc bởi thời gian qua người làm việc chủ yếu ở nhà mùa dịch cũng cần sự yên tĩnh và tập trung", một người dân cho biết.

VÕ THANH BÌNH