Vì sao hình ảnh hoa sen và đám mây ngũ sắc là đại diện cho Phật giáo Tây Tạng
Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 08:00, 02/02/2022
Lạt Ma Ngawang Kalzang nhập thất đã hơn mười hai năm trong một hang đá hẻo lánh. Không ai biết ngài là ai, không ai nghe đến tên ngài. Ngài chỉ là một trong hàng ngàn tu sĩ sau một thời gian tu học trong tu viện đã phát nguyện tu nhập thất.
Thế gian đã quên ngài nhưng ngài không quên thế gian. Ngài đã đạt đến trạng thái tâm vô phân biệt, không còn thấy thế gian và ngài có sự sai khác nữa. Nếu có quên thì có lẽ ngài đã quên chính mình, đã đạt đến trạng thái Vô Ngã (Egolessness) hòa đồng với bản thể của mọi vật, mình và mọi vật đều là một.
Trong lúc tu thiền, chỉ có một vài thú rừng đến quấn quít chung quanh, còn ngoài ra tất cả hoàn toàn vắng lặng. Gần như không ai đặt chân đến khe núi hiểm trở hoang vu này, vì đường vào khe núi đã bị đá đổ xuống lấp kín lối vào. Đêm hôm đó, một luồng sét ở đâu bỗng xẹt trúng tảng đá, đánh bật nó qua một bên…
Hôm sau, một người chăn dê đi ngang qua khe núi. Đang mải miết đi, bỗng anh nghe thấy tiếng mõ nhịp đều đặn, thỉnh thoảng lại điểm một tiếng chuông. Lúc đầu người chăn dê hoảng sợ vì tại sao giữa chốn hoang vu thế này lại có tiếng mõ, mà âm thanh nghe sao lâng lâng thoát tục, không giống như những tiếng mõ thông thường? Trí tò mò thúc giục anh lần bước theo tiếng mõ vào khe núi cho đến khi đến trước một hang động thì âm thanh chợt im bặt.
Người chăn dê nhìn thấy một tu sĩ đang yên lặng ngồi thiền trong động đá. Thân thể tu sĩ gầy ốm, chỉ còn da bọc xương, nhưng khuôn mặt ngài lại tỏa ra một vẻ hiền từ vô tả.
Người chăn dê thu hết can đảm bước lại cúi đầu đảnh lễ. Khi tu sĩ đưa tay sờ lên trán người chăn dê, thì anh cảm nhận một luồng hơi ấm chạy suốt từ đỉnh đầu xuống gót chân khiến anh cảm thấy vô cùng thư thái, bình an.
Người chăn dê vội vã chạy về làng báo tin. Dân làng không ngờ trong khe núi hiểm trở hoang vu lại có một vị Lạt Ma ẩn tu từ bao năm nay. Truyền thống Tây Tạng rất kính ngưỡng những bậc tu hành như vậy, nên cả làng vội vã kéo đến quỳ cả dưới chân ngài.
Bất cứ ai đến gần ngài cũng đều cảm nhận một sự bình an vô tả... Ngay cả những người nổi tiếng nóng nảy cũng thấy lòng mình dịu lại, và họ chỉ biết chắp tay cung kính ngồi yên, chờ đến khi ngài giơ tay ban phép lành cho họ.
Tiếng đồn về vị Lạt Ma có khả năng mang lại sự bình an này truyền đi rất nhanh. Chỉ một thời gian ngắn, không những dân chúng trong làng mà cả những làng mạc kế cận đều đổ xô đến khe núi hiểm trở. Dĩ nhiên, không phải người nào cũng có thể trèo lên những vách đá gần như dựng đứng như vậy, nên họ đã xin ngài vui lòng quá bộ về làng, để tất cả đều có cơ hội chiêm ngưỡng và tiếp thu một chút gì đó từ những bài kinh pháp của ngài.
Lạt Ma Kalzang hiểu rằng đã đến lúc ngài phải trở lại thế gian để phổ độ chúng sinh theo đúng tôn chỉ Đại Thừa.
Trong làng chỉ có một ngôi chùa rất nhỏ, nên dân chúng mời ngài tạm trú tại đó cho đến khi tìm được một ngôi chùa rộng lớn và xứng đáng hơn. Tại đây, ngài bắt đầu những bài thuyết pháp ngắn nhưng dễ hiểu, và gần như ai có diễm phúc nghe ngài thuyết giảng cũng đều phấn khởi phát tâm tu hành.
Vì ngôi làng này có tên là Tomo nên người ta đã gọi ngài là Tomo Geshe Rinpoche hay Hòa thượng làng Tomo.
Tin một vị Hòa thượng nổi tiếng xuất hiện tại làng Tomo loan truyền về thủ đô Lhasa. Đức Đạt Lai Lạt Ma, người cầm quyền tối cao kiêm lãnh đạo tinh thần xứ Tây Tạng, lập tức cho triệu ngay một phái đoàn tăng sĩ đi điều tra xem thực hư thế nào. Phái đoàn đã đến gặp Tomo Geshe, nghe vị này thuyết pháp và trở về báo cáo với đức Đạt Lai Lạt Ma rằng, Hòa thượng làng Tomo quả thật là một vị cao tăng chân chính. Họ đề nghị phải tìm cho ngài một ngôi chùa khác to lớn, xứng đáng với địa vị của một vị tu hành như vậy.
Nhưng các ngôi chùa lớn đều đã có vị trụ trì, việc xây cất một ngôi chùa mới cũng phải mất một thời gian, nên hội đồng tăng sĩ đã đề nghị cho tu bổ một ngôi chùa cổ đã bị bỏ hoang từ nhiều thế kỷ để ngài về đó trụ trì.
Khi Tomo Geshe bước chân đến trước đồi Tsaparang, ngài chợt nhìn thấy một đám mây ngũ sắc lớn bao phủ chung quanh ngọn đồi. Chính giữa đám mây có một bông hoa sen với những cánh trắng tinh khiết đang tỏa ra những ánh sáng chói lọi như cầu vồng. Linh ảnh này hiện ra rõ rệt trước mắt Tomo Geshe và những tu sĩ trong phái đoàn. Họ đứng lặng yên chiêm ngưỡng cảnh tượng huy hoàng này cho đến khi nó biến mất.
Tomo Geshe bèn cho vẽ lại hình ảnh này trên bức tường chánh điện của ngôi chùa. Về sau rất nhiều chùa khác cũng đã họa lại bức tranh này và bất cứ khi nào nhắc đến Phật giáo Tây Tạng, người ta đều nghĩ đến hình ảnh hoa sen và đám mây ngũ sắc.
Khi khởi công tu bổ lại ngôi chùa, người ta đã tìm được một chiếc hòm gỗ trong để nhiều bộ kinh rất cổ được bọc bằng lụa quý. Khi vừa mở bộ kinh này ra, Hòa thượng Tomo bỗng thấy một ánh hào quang sáng rực bay vút lên trời, tỏa ra khắp mười phương. Ngài hiểu ngay rằng mình đã được giao phó một trọng trách trong việc hoằng dương giáo pháp, không riêng tại Tây Tạng mà còn nhiều nơi khác...
Sau một thời gian trụ trì tại đây, ngài đã lên đường đi khắp các vùng chung quanh dãy Himalaya. Bất cứ nơi nào đi qua, ngài đều dừng chân một thời gian, truyền bá những tư tưởng chân chính, cao thượng, và khuyến khích việc tu học cho những ai muốn cất bước ra khỏi vòng sinh tử luân hồi.
Trích sách Đường mây qua xứ tuyết