Cảnh báo trẻ hóc dị vật ngày Tết

Tin Y tế - Ngày đăng : 09:00, 29/01/2022

TPHCM – Hóc dị vật ở trẻ là sự cố phổ biến ở các bệnh viện nhi. Tuy nhiên, vào những dịp Tết, số ca mắc dị vật thường tăng hơn so với ngày thường, nếu không phát hiện kịp, trẻ có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Tức tốc từ Bà Rịa - Vũng Tàu lên Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cấp cứu, chị N.V.D.T cùng con trai 16 tháng tuổi đã trải qua những phút giây sợ hãi vì bé bị hóc dị vật.

 
Dị vật được lấy ra ở trẻ bị hóc. Ảnh: BVCC

Theo chị T, hôm đó chị đưa con sang nhà ngoại chơi, khi cả nhà đang ăn ổi thì bé đòi ăn, sợ con bị hóc hạt ổi nên chị T đã lấy bỏ hết phần hạt và đưa cho con ăn. Một lúc sau, khi bé ngồi trên xe đạp chơi với người thân trong nhà thì bất ngờ mặt tím tái, không thở được.

“Lúc đó, tôi vội vàng bế con lên, vỗ vào lưng con thật mạnh và hô hoán mọi người, một lát thì em ói hết cả cơm và ổi ra nên mình yên tâm hơn. Nhưng những ngày sau, con có biểu hiện khó thở, ho nhiều, tình trạng nặng nên hai vợ chồng tôi đưa con đi cấp cứu, chỉ số oxy còn trên 80”, chị T. chia sẻ.

Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán bé bị hóc dị vật đường thở dưới, viêm đường hô hấp và được chỉ định nội soi. Sau đó, bệnh nhi vẫn phải nằm viện điều trị viêm đường hô hấp.

Trường hợp thứ 2 là bé gái 2 tuổi, ngụ ở TPHCM được bệnh viện tuyến trước chuyển đến Nhi Đồng 2 vì khó thở, tím tái. Theo mẹ bệnh nhi chia sẻ, trước đó, mẹ cho bé ăn lúc bé đang khóc, đột ngột ho sặc, khó thở, mẹ đưa bé tới bệnh viện. Tại khoa Cấp Cứu bé được đặt ống nội khí quản, thở máy nhưng vẫn tím. Ê kíp nội soi gồm bác sĩ Hô Hấp và Tai Mũi Họng thực hiện lấy dị vật khẩn trong đêm. Dị vật được lấy ra là một con tép ở phế quản gốc trái. Sau khi dị vật được lấy ra bé hết khó thở, rút được nội khí quản và tình trạng ổn định.

Theo BS.CK2 Nguyễn Hoàng Phong – Trưởng Khoa hô hấp 1,  Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cho biết: “Những trường hợp hóc dị vật như vậy chúng tôi gặp thường xuyên. Tuy nhiên, vào những đợt lễ Tết tỷ lệ nhập viện cao hơn. Đối với thanh quản của trẻ nhỏ, phản xạ đóng lắp thanh quản khi trẻ nuốt không hoàn thiện như người lớn nên rất dễ bị hóc dị vật nếu không để ý”.

Đồng thời cũng theo BS Phong, hiện nay, mức độ nguy kịch khi dị vật kẹt trong đường thở có nhiều mức độ: Khó thở dữ dội và tử vong ngay trong vòng vài phút nếu dị vật bít tắc hoàn toàn khí quản. Suy hô hấp, tím tái nếu dị vật bít tắc 1 phần khí quản, di chuyển trong khí quản hoặc bít hoàn toàn phế quản gốc 1 bên. Thiếu oxy kéo dài có thể gây tổn thương não. Ho, khò khè kéo dài, không đáp ứng điều trị nếu dị vật bít một phần phế quản gốc hoặc phế quản thùy. Viêm phổi khu trú 1 vị trí kéo dài nếu dị vật lọt sâu vào đường thở. Viêm phổi nặng nếu dị vật có tính chất dễ gây viêm như các loại hạt chứa dầu

Chính vì vậy, dịp Tết là thời gian trẻ được tiếp xúc nhiều người, ăn bánh kẹo, các loại hạt thì phụ huynh cần chú ý, nhằm phát hiện kịp thời nếu trẻ có biểu hiện hóc dị vật.

NGUYỄN LY