Điều gì xảy ra nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu?
Đối ngoại - Ngày đăng : 06:39, 29/01/2022
Theo New York Times (NYT), trong khi Nga tăng cường binh sĩ và thiết bị quân sự gần biên giới với Ukraine, căng thẳng cũng leo thang ở một mặt trận khác: các thị trường năng lượng thế giới. Điều này hoàn toàn dễ hiểu. Khí đốt của Nga là nguồn cung năng lượng chủ yếu cho châu Âu. Nga cũng là một trong những nguồn cung cấp dầu mỏ quan trọng của lục địa này.
Vì vậy, giữa lúc căng thẳng leo thang, các quan chức phương Tây đang tính toán xem điều gì sẽ xảy ra nếu Moscow phản ứng đáp trả bằng việc cắt nguồn cung cấp khí đốt và dầu mỏ trong mùa đông khắc nghiệt châu Âu.
Khủng hoảng Ukraine xảy đến đúng thời điểm không thích hợp nhất với phương Tây. Giá năng lượng thế giới đang tăng vọt vì nguồn cung dầu mỏ lẫn khí đốt không đáp ứng kịp nhu cầu hồi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Mức giá cao kỷ lục mà các nước châu Âu chấp nhận trả đã thu hút các tàu chở khí đốt tự nhiên từ Mỹ, Qatar và các nơi khác.
Hôm 25/1, các quan chức Nhà Trắng cho biết đang tiếp tục các cuộc thảo luận để cung cấp thêm khí đốt cho châu Âu. Tuy nhiên, liệu điều này có đủ để giảm thiểu nguy cơ châu Âu sẽ bị đẩy vào tình thế khó khăn chưa từng thấy hay không, đó vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải.
Vì sao châu Âu có thể bị ảnh hưởng nặng nề?
Mùa đông năm nay, châu Âu đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng, với giá khí đốt tự nhiên và điện tăng vọt. Khủng hoảng nổ ra khi mức dự trữ khí đốt giảm xuống dưới mức bình thường vào năm ngoái.
Mức giá ở châu Âu cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 7 lần so với ở Mỹ. Giá khí đốt cao đẩy chi phí của các nhà máy nhiệt điện tăng lên, dồn áp lực giá lên người tiêu dùng. Nhiều nhà máy tiêu thụ nhiều điện năng như sản xuất phân bón hay kim loại lâm vào tình cảnh tạm ngưng hoạt động.
Mọi việc với châu Âu càng thêm căng thẳng khi khủng hoảng Ukraine leo thang với mối lo Nga cắt nguồn cung khí đốt.
Thực tế là Nga bắt đầu xuất khẩu khí đốt sang châu Âu ít hơn thường lệ. Dự trữ ở các cơ sở khí đốt đặt tại châu Âu của Gazprom, tập đoàn khí đốt Nga, ở mức thấp nhất. Những chiến thuật như vậy đã làm dấy lên lo lắng về việc liệu châu Âu có đủ khí đốt để vượt qua một mùa đông lạnh giá hay không.
"Nếu tình hình ở Ukraine tệ hơn nữa, châu Âu đang ở một vị trí đặc biệt dễ bị tổn thương", chuyên gia về thương mại khí đốt giữa Nga và châu Âu Thane Gustafson cảnh báo.
Tầm quan trọng của khí đốt Nga
Theo NYT, Nga cung cấp khoảng 1/3 lượng khí đốt cho châu Âu và vị thế của Nga càng tăng khi sản lượng khí đốt của các nước trong châu lục ngày một giảm trong thời gian qua. Sản lượng của Hà Lan, từng là nhà sản xuất khí đốt lớn ở Liên minh châu Âu (EU), giảm mạnh do chính phủ Hà Lan dần đóng cửa mỏ khí đốt Groningen khổng lồ để đối phó với các trận động đất do hoạt động sản xuất khí đốt.
Khí đốt cũng ngày càng có tầm quan trọng khi các nhà máy nhiệt điện than ngừng hoạt động ở các nước như Đức để đáp ứng các mục tiêu về môi trường và các nhà máy hạt nhân ở Đức và Anh cũng vậy.
Bất chấp việc châu Âu đang đầu tư mạnh tay cho các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời, các nước vẫn cần nguồn năng lượng truyền thống phục vụ sản xuất và dân sinh. Các nhà máy điện chạy bằng khí đốt là một trong số những phương án hiếm hoi còn lại giúp châu Âu đạt mục tiêu môi trường lẫn kinh tế.
Xung đột Ukraine đe dọa nguồn cung khí đốt
Khoảng 1/3 lượng khí đốt xuất khẩu của Nga sang châu Âu đi qua Ukraine. Các nhà phân tích nói rằng những đường ống này có thể trở thành vũ khí lợi hại trong cuộc chiến của Nga với phương Tây.
Phương Tây gần đây liên tục đe dọa trừng phạt và cảnh báo Nga phải trả giá đắt nếu tấn công nước láng giềng, bất chấp Điện Kremlin nhiều lần khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới chỉ nhằm mục tiêu phòng thủ. Trong trường hợp Mỹ và đồng minh áp lệnh trừng phạt kinh tế, Nga hoàn toàn có thể tung vũ khí cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Tổng thống Vladimir Putin có thể cắt toàn bộ hoặc một phần lớn dòng khí đốt của Nga đến châu Âu để đáp trả các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ mà Mỹ và các nước phương Tây khác đã đe dọa.
"Nếu chúng ta cố đóng cánh cửa với Nga ở thị trường vốn, họ sẽ tìm cách tấn công vào điểm gây nhiều đau đớn nhất của chúng ta, đó chính là năng lượng", Helima Croft, Giám đốc ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets, cảnh báo.
Tính toán của Nga
Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không muốn chọn phương án này. Bởi vì cắt nguồn cung khí đốt đối với khách hàng quan trọng nhất sẽ khiến nguồn doanh thu chính của Nga gặp rủi ro.
Cựu đặc phái viên Mỹ về các vấn đề năng lượng quốc tế dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, ông David Goldwyn, nhận định: "Trong khi châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt Nga, bản thân Nga cũng phụ thuộc vào thị trường châu Âu và không dễ dàng tìm được khách hàng thay thế".
Ông Goldwyn, hiện là Chủ tịch của công ty tư vấn Goldwyn Global Strategies, nói thêm rằng ông Putin đang cố gắng đạt được sự cân bằng "giữa việc trở thành một nhà cung cấp đáng tin cậy như cách Nga đang thể hiện với Đức và nhắc nhở châu Âu rằng họ phụ thuộc vào khí đốt của Nga như thế nào".
Ông cho biết, một logic tương tự có thể sẽ chi phối hành động của ông Putin liên quan đến dầu mỏ, một nguồn thu quan trọng hơn khí đốt. Nếu xuất khẩu dầu mỏ của Nga bị cắt giảm, các quốc gia tiêu thụ sẽ mong đợi nguồn cung từ Ả rập Xê út sẽ bù đắp lại. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh của họ gần đây cam kết không tăng sản lượng, cho thấy OPEC có khả năng sắp chạm ngưỡng năng lực sản xuất.
Nga đã thách thức sức chịu đựng của châu Âu trong nhiều tháng qua khi siết nguồn cung khí đốt để đạt nhiều mục tiêu chiến lược quan trọng, trong đó có Dòng chảy Phương Bắc 2. Dự án trị giá 11 tỷ USD nối giữa Nga và Đức vẫn đang chờ Berlin phê duyệt trong khi đối mặt nhiều phản đối của các nước châu Âu khác vì lo sợ sẽ càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.
Trong một tuyên bố, Gazprom bác bỏ những mối lo của châu Âu, cho biết họ không làm bất cứ điều gì bất thường, duy trì "cung cấp khí đốt theo yêu cầu của người tiêu dùng và tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ hợp đồng hiện tại".
Trong khi mức dự trữ vẫn ở mức thấp và giá cao, châu Âu vẫn chưa hết nhiên liệu. Trong tháng 1/2022, khí đốt hóa lỏng nhập khẩu vào châu Âu đã vượt nguồn cung từ Nga. Nguồn nhập khẩu này cùng với việc mùa đông đến nay không quá khắc nghiệt ít nhất đã tạm thời xoa dịu nỗi lo thiếu hụt.
Massimo Di Odoardo, Phó chủ tịch phụ trách khí đốt của Wood Mackenzie, một công ty nghiên cứu thị trường, cho biết: "Rủi ro thiếu hụt khí đốt không còn nhiều. Những lo lắng về mất điện không đáng lo như trước". Theo ông Di Odoardo, một lý do khác khiến dòng khí đốt của Nga sang châu Âu giảm trong tháng 1/2022 là do các công ty điện lực đã quyết định bán bớt số khí đốt đang có với mức giá cao hiện nay, thay vì mua thêm từ Nga.
Liệu việc nhập khẩu khí hóa lỏng có thể bù đắp cho việc Nga ngừng cung cấp hoàn toàn lượng khí đốt sang châu Âu hay không là điều còn nhiều bàn cãi. Các tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng yêu cầu các thiết bị đầu cuối đặc biệt, và châu Âu có lẽ không có đủ các thiết bị đầu cuối tiếp nhận để đối phó với tổn thất lớn như vậy.