26 Tết: Đào nở rộ mà thương lái chạy hết, chủ vườn phơi vỉa hè cầu khách lẻ
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 17:18, 28/01/2022
Ông Hợi cho hay, thời tiết năm nay rất thích hợp để đào phát triển nụ và nảy lộc. Để đào ra hoa đúng ngày Tết, cách đây hơn một tháng, ông đã đẩy mạnh việc tưới nước, dừng bón phân.
Dù đào năm nay rất đẹp, nguồn cung dồi dào như mọi năm, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức mua của tiểu thương cũng như khách lẻ đều giảm đi nhiều. “Chưa đầy một tuần nữa là Tết rồi mà lượng đào nhà tôi bán ra mới chỉ bằng một nửa so với năm ngoái”.
Cùng tâm trạng nhấp nhổm đứng ngồi không yên đợi khách, chủ vườn đào kế bên là bà Lê Thị Yến. Bà Yến chia sẻ, nhà bà trồng 300 cây mà đến giờ mới chỉ bán được 100 cây, dù giá đào Tết năm nay không biến động.
Nhiều vườn đào năm nay đến gần Tết vẫn yên ắng, vắng bóng các thương lái tới thu mua |
“Giá đào Tết năm nay giảm 30% so với năm ngoái. Khách mua những cành đào vừa có giá chỉ từ 150.000-300.000 đồng/cành. Cây đào thì giá từ 800.000 đồng đến khoảng 3 triệu/cây, tùy kích cỡ và dáng thế”, bà nói.
Bà Yến cho hay, năm trước các văn phòng tranh nhau thuê gốc đào thế. Nhưng năm nay, nhiều công ty làm online hoặc nghỉ Tết sớm nên không có nhu cầu thuê. Loại đào này đắt tiền, bán ra thị trường chỉ khách nhà giàu mới mua, nhưng năm nay họ cũng có tâm lý tiết kiệm chi tiêu vì dịch. Bởi thế, các gốc đào thế giá từ 10-30 triệu đồng năm nay rất ế ẩm.
Những năm trước, cứ đến dịp Tết Nguyên đán, anh Trần Văn Hưng ở thôn La Nội, La Cả, Dương Nội, Hà Đông lại đi lùng những vườn đào đẹp để thương lượng, đặt cọc mua cả vườn về bán Tết. Năm nay, anh lắc đầu quầy quậy, không dám buôn đào.
Là một kỹ sư điện máy, 10 năm nay cứ Tết đến là vợ chồng anh đi buôn đào. Anh Hưng kể, thường thì cứ trước Tết khoảng 2 tháng, tranh thủ những ngày cuối tuần, anh tới những vườn đào quanh khu vực Hà Đông, Chương Mỹ, Quốc Oai để tìm mua đào bán Tết.
Sau đó, anh đặt cọc và từ 15 tháng Chạp bắt đầu nhờ nhà vườn đưa đào lên các chợ hoa lớn như Quảng Bá, Vạn Phúc, Tam Trinh để bán lẻ. Cứ bán đến chiều 30 Tết mới thu đào về. Năm nào cũng vậy, tuy vất vả nhưng gia đình cũng kiếm được cái Tết to và tiết kiệm được một khoản.
Dù chủ vườn hạ giá 50% nhưng thương lái vẫn không dám xuống cọc |
Những năm trước, anh đặt mua 3-4 vườn đào, số lượng 700-800 gốc. Nhưng năm nay, lo ngại sức mua giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, người đàn ông 45 tuổi chuyên buôn đào Tết này không dám xuống tiền.
“Một tháng trước, thấy Tết cận kề nên mình ngứa nghề quá, cũng đi thăm quan các vườn đào đẹp. Đến nơi chuyện trò, nhiều nhà vườn sẵn sàng hạ bán buôn rất sâu, từ 30-50% so với giá thu mua năm ngoái, nhưng mình vẫn ngần ngại không dám xuống cọc. Về suy nghĩ vài ngày, mình quyết định năm nay tạm nghỉ”, anh kể.
Như trường hợp người bạn thân của anh, cách đây 2 tháng cũng đặt mua một vườn đào với khoảng 400 gốc. Anh này dự định sẽ bán đào ở chợ hoa xuân của tỉnh Bắc Ninh. Thế nhưng, dịch bệnh phức tạp, không chỉ Bắc Ninh và nhiều tỉnh khác vẫn đìu hiu, chưa mở chợ hoa xuân. Do đó, bạn anh vừa phải bỏ cọc, mất 50 triệu đồng.
Anh nhận xét, dù không ít nhà vườn đã chấp nhận giảm giá sâu đến 50% để chia sẻ khó khăn chung, nhưng các thương lái như anh vẫn thờ ơ, không mấy mặn mà. Điều này khiến các vườn đào cận Tết vẫn yên ắng.
“Năm nay, nhiều nhà vườn phải tự thuê thợ đánh cây đi bán lẻ. Giá đào sẽ thấp hơn và chủ vườn mất đi nguồn thu đáng kể, nhưng họ buộc phải làm vậy để thu hồi vốn. 23 Tết rồi mà khách mua đào vẫn thưa thớt vì chợ hoa không mở cửa, việc đi lại giữa các tỉnh còn khó khăn. Các tiểu thương như mình thì nằm yên đợi mùa đào Tết sang năm vậy”, anh Hưng nói.
Thảo Nguyên