Tin thế giới 27/1: Ukraine nuôi hy vọng; Nga hối thúc đối thoại với Mỹ; EU kiện Trung Quốc; Triều Tiên lại thử tên lửa
Đối ngoại - Ngày đăng : 21:01, 27/01/2022
Căng thẳng Nga-Ukraine vẫn chưa nguôi. |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Ukrainehy vọng Nga tiếp tục ngoại giao
Ngày 27/1, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết nhiều khả năng Nga sẽ tiếp tục con đường ngoại giao với Kiev và phương Tây, ít nhất là 2 tuần sau các cuộc đàm phán của nhóm Bộ tứ Normandy tại Paris nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
Phát biểu họp báo tại Copenhagen, Ngoại trưởng Kuleba nói: “Tin tốt là các cố vấn chính trị đã nhất trí gặp nhau ở Berlin trong 2 tuần nữa, có nghĩa là trong 2 tuần tới Nga nhiều khả năng sẽ tiếp tục con đường ngoại giao”. (Reuters)
Nga tuyên bố không tìm kiếm chiến tranh
Ngày 27/1, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh không một quốc gia nào tìm kiếm chiến tranh và mọi biện pháp phải được thực hiện để ngăn chặn một cuộc đối đầu giữa Moscow và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Medvedev nhấn mạnh:“Trong mọi trường hợp, chiến tranh là điều không mong muốn, không một quốc gia nào mong muốn chiến tranh và mọi biện pháp phải được thực hiện để ngăn chặn một cuộc chiến tranh, đặc biệt là một cuộc đối đầu giữa Nga và NATO. Rõ ràng, cơ hội chính và duy nhất [để tránh chiến tranh] là đạt được những thỏa thuận về đảm bảo an ninh, đây là các biện pháp chính trị và ngoại giao
Đây là những cuộc đàm phán, sử dụng nguyên tắc an ninh không thể chia cắt trong quan hệ của chúng ta, vốn đã được quy định trong mọi văn kiện cơ bản của châu Âu và quốc tế. [Nguyên tắc này có nghĩa là] một bên không thể tăng cường an ninh của mình bằng cách đánh đổi an ninh của bên khác”.
Cũng trong buổi phỏng vấn, ông Medvedev khẳng định Nga cần được đảm bảo an ninh để loại bỏ những mối đe dọa rõ ràng đã định hình vào thời điểm hiện tại và nếu đạt được các thỏa thuận, văn kiện này phải có giá trị ràng buộc. (Sputnik)
Nga muốn xúc tiến ngoại giao với Mỹ
Cùng ngày, ông Medvedev cho rằng Nga và Mỹ phải xúc tiến công tác ngoại giao để giải quyết sự đối đầu liên quan Ukraine và không leo thang căng thẳng để giành lợi thế chính trị.
Phát biểu trên được đưa ra sau khi Washington phản hồi bằng văn bản về một loạt yêu cầu an ninh mà Moscow đề xuất năm ngoái trong bối cảnh Nga tăng cường binh sĩ gần biên giới Ukraine.
Ông cho rằng ý tưởng xảy ra xung đột giữa Moscow và Washington do Ukraine sẽ là một "kịch bản thảm khốc". (Reuters)
Ngoại trưởng Mỹ-Trung Quốc điện đàm về khủng hoảng Ukraine
Ngày 26/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc điện đàm để trao đổi về tình hình Ukraine.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị kêu gọi tất cả các bên bình tĩnh và kiềm chế làm những việc gây thêm căng thẳng và thổi phồng cuộc khủng hoảng.
“Ngoại trưởng Blinken chuyển tải rằng xuống thang và ngoại giao là một cách làm có trách nhiệm để tiến về phía trước”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương Nghị.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hai bên đã nói về những rủi ro về an ninh và kinh tế toàn cầu trong trường hợp xảy ra xung đột.
Ngoài ra, tại buổi điện đàm, ông Vương Nghị nói với ông Blinken rằng Mỹ sẽ “tiếp tục mắc sai lầm trong lời nói và hành động đối với Trung Quốc, gây ra những cú sốc mới trong quan hệ song phương”.
“Ưu tiên hàng đầu hiện nay là Mỹ phải dừng can thiệp vào Olympic mùa Đông Bắc Kinh, đừng đùa với lửa trong vấn đề Đài Loan, và dừng tạo ra những bè phái chống Trung Quốc”, Ngoại trưởng Trung Quốc nói. (Reuters)
EU kiện Trung Quốc lên WTO để bảo vệ Lithuania
Ngày 27/1, Liên minh châu Âu (EU) đã khởi kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) do những hành vi thương mại mà khối này cho là phân biệt đối xử với Lithuania vì lập trường của Vilnius về vấn đề Đài Loan.
Ủy ban châu Âu nêu rõ: “Do những nỗ lực giải quyết vấn đề song phương này đã thất bại, EU đành phải khởi kiện Trung Quốc để giải quyết tranh chấp”.
Phản ứng lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói: “Cái gọi là sự cưỡng ép của Trung Quốc đối với Lithuania là vô căn cứ và không nhất quán”. Ông đồng thời khẳng định “vấn đề giữa Trung Quốc và Lithuania là chuyện chính trị, không phải vấn đề kinh tế”. (AFP)
Hàn-Mỹ thảo luận thế trận răn đe phối hợp chống Triều Tiên
Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) thông báo, ngày 27/1 các nhà lãnh đạo quân sự nước này và Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) đã thảo luận về cách thức để củng cố thế trận răn đe phối hợp của họ đối với Triều Tiên sau loạt vụ thử tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng.
Chủ tịch JCS, Tướng Won In-choul đã tổ chức cuộc gặp kín với Tư lệnh USFK, Tướng Paul LaCamera, vài giờ sau khi Triều Tiên bắn 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn về phía vùng biển phía Đông (Biển Nhật Bản).
Đây là vụ phóng thứ 6 như vậy trong năm nay. Theo thông báo, 2 bên đã trao đổi quan điểm về các vụ thử tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng và tái khẳng định mối quan hệ đồng minh giữa hai nước.
Sau đó cùng ngày, Tướng Won đã đến thăm Bộ Chỉ huy tác chiến không quân tại căn cứ không quân Osan, phía Nam thủ đô Seoul và tổ chức một cuộc họp trực tuyến với các chỉ huy phụ trách các chiến lược chống tên lửa để nhấn mạnh sự sẵn sàng mạnh mẽ. (Yonhap)
Mỹ-Nhật-Hàn sẽ tổ chức hội nghị ngoại trưởng về Triều Tiên trong tháng 2?
Ngày 27/1, các nguồn tin ngoại giao cho biết, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc đang thu xếp tổ chức hội nghị ngoại trưởng ba bên vào giữa tháng 2 tại Hawaii để thúc đẩy hợp tác liên quan Triều Tiên.
Nếu được thực hiện, đây sẽ là hội nghị đầu tiên như vậy kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhậm chức vào tháng 10 năm ngoái.
Trong hội nghị sắp tới, các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ chia sẻ lo ngại rằng loạt vụ phóng tên lửa đạn đạo gần đây của Triều Tiên có thể gây ra mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định của cộng đồng quốc tế, đồng thời thảo luận các biện pháp ngăn Bình Nhưỡng thực hiện thêm các hành động khiêu khích.
Hội nghị ngoại trưởng Nhật-Mỹ-Hàn trực tiếp gần đây nhất diễn ra hồi tháng 9/2021 tại New York. (Kyodo)
Campuchia, Myanmar bàn cách thúc đẩy Đồng thuận 5 điểm của ASEAN
Ngày 26/1, Hãng Thông tấn Quốc gia Campuchia (AKP) đăng tải thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia về kết quả hội đàm trực tuyến giữa Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen và Thống tướng Min Aung Hlaing - Chủ tịch Hội đồng Điều hành Nhà nước Myanmar.
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi tổng quan về diễn biến tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau chuyến thăm của Thủ tướng Campuchia Hun Sen tới Myanmar đầu tháng 1/2022. Hai bên cũng bàn về cách thức thúc đẩy hơn nữa tiến trình thực hiện Đồng thuận 5 điểm dựa trên các quy định của Hiến chương ASEAN và chia sẻ quan điểm phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện tình hình hiện nay ở Myanmar.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2022, Thủ tướng Hun Sen đã đưa ra kiến nghị 4 điểm đối với Thống tướng Min Aung Hlaing gồm:
Ưu tiên nỗ lực và phối hợp giữa các bên nhằm thực hiện Đồng thuận 5 điểm được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua hồi tháng 4/2021;
Đề nghị các cơ quan hữu quan của Myanmar tạo điều kiện cho Đặc phái viên do Chủ tịch ASEAN cử tới Myanmar trong thời gian sớm nhất;
Tất cả các bên tại Myanmar cần hết sức kiềm chế, chấm dứt bạo lực và nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn để có thể đưa ra một tiến trình đối thoại cho giải pháp hòa bình;
Đề nghị Myanmar hợp tác toàn diện để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ nhân đạo của ASEAN cho người dân Myanmar đang rất cần được giúp đỡ.
Thống tướng Min Aung Hlaing cam kết Myanmar sẽ hợp tác với Campuchia, quốc gia hiện đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN, để đảm bảo một năm thành công.
Một số tin thế giới nổi bật khác:
Đức bắt giữ công dân Nga làm gián điệp: Các công tố viên Đức đã bắt giữ và buộc tội một công dân Nga làm gián điệp cho Moscow, sau khi nghi ngờ người này đã chuyển thông tin về công nghệ hàng không vũ trụ, đặc biệt là phương tiện phóng vũ trụ Ariane, cho tình báo Nga.
Ukraine bắt giữ nghi phạm nổ súng làm 5 người thiệt mạng: Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Denys Monastyrsky ngày 27/1 cho biết đã bắt giữ một thành viên của lực lượng vệ binh quốc gia. Trước đó cùng ngày, đối tượng này đã nổ súng tại một nhà máy sản xuất tên lửa ở thành phố Dnipro, miền Trung nước này, khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có 4 quân nhân.
Mỹ dọa trục xuất Đại sứ Nga:Ngày 26/1, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, ông sẽ buộc phải rời khỏi nước này vào tháng Tư nếu Moscow không tuân thủ một số điều kiện của Washington về việc cấp thị thực.