Sức mạnh súng phóng lựu tự động Balkan của quân đội Nga

Đối ngoại - Ngày đăng : 16:53, 27/01/2022

Súng phóng lựu 6S19 Balkan được đánh giá vượt trội hơn các mẫu trước đây do Liên Xô chế tạo, và sẽ gia tăng đáng kể sức mạnh chiến đấu của quân đội Nga.

Tập đoàn nhà nước Rostec vừa cho biết, Nga bắt đầu sản xuất hàng loạt súng phóng lựu tự động Balkan. Trước đó, Balkan đang trải qua các đợt kiểm tra mở rộng trong quân đội. Tháng 3-2021, súng phóng lựu mới đã vượt qua thành công các bài kiểm tra cấp nhà nước. Dựa trên kết quả thử nghiệm, Bộ Quốc phòng Nga quyết định sử dụng vũ khí mới này và triển khai sản xuất hàng loạt trên quy mô lớn.

Vũ khí mới 

Súng phóng lựu chống bộ binh 6S19 Balkan (hay có tên gọi khác là AGS-40) được phát triển bởi NPO Pribor mang tên S.S. Golembiovsky, là sản phẩm mới nhất trong lĩnh vực súng phóng lựu của Nga.

6S19 Balkan được thiết kế để tiêu diệt nhân lực của đối phương, chế áp vũ khí hỏa lực bên ngoài hầm trú ẩn, trong các rãnh mở, chiến hào và trên mặt đất, cũng như tiêu diệt các phương tiện, bệ phóng và trạm radar.

Súng phóng lựu tự động Bulkan của Nga. Ảnh: RT

Điểm khác biệt chính giữa Balkan và súng phóng lựu tự động (AGS) đang được sử dụng trong Các lực lượng vũ trang Nga (như AGS-17 Flame và AGS-30) là kích cỡ nòng súng. Theo đó, Balkan bắn đạn cỡ nòng 40mm, trong khi súng phóng lựu tự động khác của quân đội Nga sử dụng đạn cỡ 30mm.

Balkan có thể bắn ra các loại lựu đạn phân mảnh. Việc bắn được thực hiện trên cả mặt phẳng và theo quỹ đạo. Cơ chế kích hoạt cho phép bắn từng loạt ngắn (tối đa 5 viên) hay loạt bắn dài (lên đến 10 viên), cũng như khai hỏa liên tục ở chế độ hoàn toàn tự động.

Súng có tốc độ bắn 400 viên/phút. Tầm bắn tối đa lên tới 2,5 km. Ngoài ra, Balkan thường được trang bị ống ngắm quang học. Các sản phẩm nước ngoài tương tự như Balkan phổ biến nhất là súng phóng lựu 40 mm nạp đạn tự động Mark 47 Striker của Mỹ và súng phóng lựu tự động HK GMG 40 mm của Đức.

Chuyên gia Dmitry Litovkin của tờ Nezavisimoe Voennoye Obozreniye cho rằng, Balkan có chút khác biệt về thiết kế. Nhà phát triển đã tăng cỡ nòng và tăng cường hỏa lực, trong khi vẫn giữ nguyên các kích thước khác.

“Cơ chế của súng phóng lựu đã được cải thiện, độ chính xác khi bắn trúng mục tiêu ngày càng cao. Balkan sẽ vượt qua tất cả các giai đoạn thử nghiệm và sẽ sớm được đưa vào trang bị đại trà. Sự phát triển này là rất tốt, nó kế thừa những ý tưởng đã được tích hợp trong các loại súng phóng lựu tự động trước đây mà quân đội Liên Xô và Nga sử dụng”, chuyên gia cho biết thêm.

Tăng cường hoả lực

Năm 2019, nhà phát triển NPO Pribor đã thông tin về việc bắt đầu quá trình chế tạo loại đạn đặc biệt cho súng phóng lựu Balkan, loại đạn có khả năng phát nổ từ xa. Theo đó, các sản phẩm này có thể dành cho loại pháo cỡ nhỏ gắn trên xe bọc thép của lực lượng mặt đất.

Theo chuyên gia quân sự Alexander Butyrin, đạn pháo có khả năng phát nổ từ xa trong không trung sẽ làm tăng sức mạnh hỏa lực của súng phóng lựu mới.

Súng phóng lựu AGS-17 Flame sẽ sớm được thay thế bằng 6S19 Bulkan. Ảnh: Ria Novosti

“Khả năng phát nổ trên không của quả đạn cho phép bắn trúng mục tiêu hiệu quả hơn. Đạn được kích nổ trong không khí trước khi tiếp xúc với mục tiêu, nó được gọi là kích nổ không tiếp xúc. Với cách kích nổ như vậy, diện tích sát thương tăng lên”, chuyên gia khẳng định.

Theo ông Butyrin, hiện nay nhu cầu chế tạo và sử dụng súng phóng lựu mới gắn liền với sự phát triển chung của công nghệ vũ khí, hợp kim bọc thép và các thiết bị bảo vệ cá nhân. Các loại súng phóng lựu hiện có trong quân đội Nga đã lỗi thời, vốn được phát triển từ thời Liên Xô.

Chuyên gia Dmitry Kornev của tờ “Military Russia”, trong một bài bình luận trên RT đã nhấn mạnh, các kỹ sư Nga có rất nhiều kinh nghiệm trong việc tạo ra các loại vũ khí như trên.

“Các đơn vị chế tạo súng phóng lựu tự động kiểu này được hình thành từ thời Liên Xô và được bảo quản hoàn toàn ở Nga. Trong những năm qua, một số mẫu súng phóng lựu tự động hiện tại đã được nâng cấp. Không có lý do gì để nghi ngờ việc Balkan sẽ trở thành một mẫu vũ khí thành công”, ông Kornev đánh giá.

"Điểm đặc biệt của súng phóng lựu tự động Balkan là có thể bao phủ một khu vực khá rộng lớn. Súng sử dụng loại đạn phân mảnh có vùng tiêu diệt mục tiêu, với bán kính đáng kể. Những loại súng phóng lựu như vậy rất hiệu quả khi được bộ binh sử dụng trong cả phòng thủ và tấn công. Nhất là khi chúng có thể được đặt trên phương tiện, thiết bị chiến đấu, như trên nóc của xe bọc thép”, ông Kornev nói.

Hiện ngành công nghiệp quốc phòng Nga cũng đang chuyển sang tiêu chuẩn cỡ nòng 40mm, cho phép tạo ra thế hệ súng phóng lựu mới như trên. Vũ khí mới này sẽ là phương tiện cơ động và hiệu quả để tiêu diệt sinh lực địch, áp chế hoả điểm và tấn công các xe bọc thép hạng nhẹ.

Khi kế hoạch thay thế AGS-17 Flame diễn ra, những khẩu súng phóng lựu Balkan mới sẽ xuất hiện trong tất cả các đơn vị súng trường cơ giới, sẽ giúp tăng sức chiến  đấu của lực lượng này. Còn trong trường hợp tiến hành thay thế lớn và tất cả các đơn vị trong Các lực lượng vũ trang Nga nhận được súng phóng lựu Bulkan, điều này sẽ giúp cải thiện cơ bản sức mạnh hỏa lực của quân đội Nga.

MINH TUẤN (Theo RT)