Luật sư nói gì về quyết định không khởi tố vụ "thần y" Võ Hoàng Yên?

Pháp luật - Ngày đăng : 14:55, 27/01/2022

"Một người bị tố cáo, tố giác, bị xã hội lên án mà không bị xử lý hình sự không có nghĩa là họ không vi phạm dân sự, không vi phạm hành chính, có đạo đức tốt. Bởi vậy, không nên lấy một vụ việc cụ thể để đánh giá phẩm chất hay quy kết một con người", luật sư nhận định.

Như đã đưa tin, ngày 26/1 mới đây, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa có thông báo về việc không khởi tố vụ án hình sự ông Võ Hoàng Yên lừa đảo, do không có căn cứ xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự.

vo-hoang-yen.jpeg

Ông Yên đập vào tai "trị bệnh điếc" cho một cháu bé tại huyện Bình Sơn

Nhận định về vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng, không khởi tố vụ án hình sự đối với trường hợp bị tố giác lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lừa dối khách hàng thông qua việc chữa bệnh nhưng không giảm mà còn nặng hơn hoặc thu tiền điều trị không phải là người đó không sai.

"Họ có thể sai, có vi phạm nhưng theo quan điểm của CQĐT thì cái sai và vi phạm đó chưa đến mức có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Hay nói cách khác hành vi chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm", vị luật sư phân tích.

vo-hoang-yen1.jpg

TS. Luật sư Đặng Văn Cường

Tiến sĩ luật cho rằng, hành vi vi phạm quy định về khám chữa bệnh, không đủ điều kiện khám chữa bệnh nhưng vẫn thực hiện hoạt động khám chữa bệnh có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp hành vi khám chữa bệnh trái phép gây hậu quả chết người hoặc gian dối trong hoạt động khám chữa bệnh để chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý hình sự.

Theo quy định của pháp luật thì khám chữa bệnh là hoạt động nghề nghiệp đặc thù, cũng là hoạt động kinh doanh, dịch vụ có điều kiện. Chỉ có người có chứng chỉ hành nghề y dược do cơ quan có thẩm quyền cấp thì mới được hoạt động trong lĩnh vực này.

"Người nào không có chứng chỉ hành nghề y dược, không đủ điều kiện tiêu chuẩn để thực hiện hoạt động khám chữa bệnh theo quy định của luật khám chữa bệnh mà lại thực hiện hoạt động nghề nghiệp này thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư nhấn mạnh.

Trường hợp vi phạm quy định về khám chữa bệnh gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết người hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015.

Ngoài ra, luật sư cho biết, nếu người đứng ra nhận khám chữa bệnh không có khả năng khám chữa bệnh, không đủ điều kiện khám chữa bệnh nhưng vẫn thực hiện hoạt động khám chữa bệnh để lấy tiền của bệnh nhân thì đây là hành vi lừa đảo, trường hợp chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 bộ luật hình sự năm 2015.

Trường hợp người giả là lương y để khám chữa bệnh, mặc dù không thu tiền khám chữa bệnh nhưng thu các khoản tiền khác phát sinh mà trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên thì cũng có thể xem xét bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vấn đề này cơ quan điều tra có thể sẽ làm rõ nếu như có người tố cáo và cung cấp thông tin về hành vi vi phạm.

Luật sư Cường cho rằng, việc cơ quan điều tra không khởi tố vụ án hình sự không có nghĩa là không có việc người đó không vi phạm hoàn toàn. Tuy nhiên, cũng như phân tích ở trên, hành vi đó chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, chưa thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Pháp luật quy định, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ thu thập chứng cứ để chứng minh người bị tố cáo vi phạm pháp luật. Do đó, khi CQĐT chưa đủ căn cứ chứng minh tội phạm thì họ phải kết luận là không phạm tội.

Nếu tiếp tục có hành vi vi phạm hoặc CQĐT tiếp tục thu thập được chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội thì vẫn có thể xử lý hình sự. Bởi vậy, một người bị tố cáo mà không bị xử lý hình sự, không có nghĩa là họ sẽ an toàn đến suốt đời.

Vụ việc có thể kết thúc ở đây nếu như chuyện tranh cãi kết thúc hoặc cơ quan điều tra không thu thập thêm được tài liệu chứng cứ gì khác hoặc không có người tố cáo khác.

Tuy nhiên trường hợp có khiếu nại về kết quả xác minh tin báo, có thêm những thông tin tài liệu mới hoặc có người vi phạm pháp luật mới hoặc được thông tin sai sự thật thì CQĐT cũng sẽ tiếp tục tiếp nhận thông tin để xem xét giải quyết.

Trước đó, các ông bà: Nguyễn Nhựt Trường, Phạm Hảo, Lý Thị Thanh, Lê Thị Dũng và Phạm Thị Xuân có đơn tố cáo ông Võ Hoàng Yên lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bằng thủ đoạn lừa dối khách hàng thông qua việc chữa bệnh nhưng không giảm mà còn nặng hơn, thu tiền điều trị, phát hiện năm 2001 tại TP.HCM.

Sau khi tiến hành xác minh, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự do không có căn cứ xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự.

Ngày 21/1/2022, Viện KSND TP.HCM đã có kết luận quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM là có căn cứ, đúng pháp luật.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cũng đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự về việc bà Nguyễn Phương Hằng (50 tuổi, ngụ quận 1) tố cáo ông Võ Hoàng Yên chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng mà bà chuyển cho ông Yên và người thân để trả nợ xây chùa, làm từ thiện, chữa bệnh cho người dân… Quá trình xác minh, cơ quan chức năng cho rằng vụ việc không có dấu hiệu tội phạm.