Cẩn trọng tai nạn dị vật ở trẻ những ngày Tết

Tin Y tế - Ngày đăng : 12:51, 27/01/2022

Dịp giáp Tết các bậc phụ huynh thường bận bịu với việc nhà mà quên chú ý đến trẻ. Theo các bác sĩ, dị vật đường thở ở trẻ em rất dễ xảy ra vì trẻ còn đang ở tuổi khám phá và chưa ý thức được nguy cơ hít sặc.
hoc_d_vt__tr_nh_la_tinh_trng_rt_nguy_him_nu_khong_co_bin_phap_x_tri_kp_thi_resize.jpeg
Hóc dị vật đường thở ở trẻ - Ảnh: Báo SKĐS (Bộ Y tế)

Trẻ nuốt phải nhiều dị vật

Bệnh viện nhi đồng 2 vừa tiếp nhận và điều trị cho bé gái 2 tuổi, được bệnh viện tuyến trước chuyển đến vì khó thở, tím. Trước đó mẹ cho bé ăn lúc bé đang khóc, đột ngột ho sặc, khó thở, mẹ đưa bé tới bệnh viện.

Tại khoa cấp cứu bé được đặt ống nội khí quản, thở máy nhưng vẫn tím người. Ê kíp nội soi gồm bác sĩ hô hấp và tai mũi họng thực hiện lấy dị vật khẩn trong đêm. Dị vật được lấy ra là một con tép ở phế quản gốc trái. Sau khi dị vật được lấy ra bé hết khó thở, rút được nội khí quản và tình trạng ổn định.

Trước đó một bé trai 4 tuổi, nhập viện vì khò khè kéo dài 4 tháng, khám và điều trị nhiều nơi vẫn không đỡ. Bé được chụp CT scan ngực ở bệnh viện tuyến trước phát hiện ở phế quản gốc phải có bất thường, nghi có vật lạ trong lòng phế quản nên chuyển bệnh viện Nhi Đồng 2.

Bé được nội soi phế quản bằng ống soi mềm và gắp ra dị vật là một mảnh nhựa đồ chơi. Mẹ cũng không biết là bé đã hít dị vật vào đường thở khi nào, chỉ nhớ là cách đây 4 tháng thấy bé có ho sặc và khò khè sau khi chơi đồ chơi một mình.

Một bé gái khác 2 tuổi, được bà cho ăn hạt bí ở nhà. Bé đang ăn thì ho sặc sụa rồi tím tái. Gia đình đưa bé đến bệnh viện gần nhà sơ cứu rồi chuyển tới bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng lơ mơ, suy hô hấp, co gồng tay chân.

Bé được đặt nội khí quản, thở máy và nội soi phế quản cấp cứu trong đêm, hút ra nhiều mảnh hạt bí làm bít tắc đường thở. Sau can thiệp bé được chăm sóc tại khoa hồi sức. May mắn là bé phục hồi được tri giác và hô hấp ổn định.

Đó là 3 ca dị vật đường thở ở trẻ em được phát hiện và nội soi lấy ra trong 2 ngày liên tiếp ở bệnh viện Nhi Đồng 2, chưa kể rất nhiều trường hợp khác tương tự.

271949533_4656635664389744_198958711555112129_n.jpeg
Dị vật được lấy ra - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trẻ chưa ý thức được nguy cơ hít sặc

BS Huỳnh Minh Thiện  - Khoa Hô Hấp, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM – cho biết dị vật đường thở ở trẻ em rất dễ xảy ra vì trẻ còn đang ở tuổi khám phá và chưa ý thức được nguy cơ hít sặc. Mức độ nguy kịch khi dị vật kẹt trong đường thở có nhiều mức độ:

Khó thở dữ dội và tử vong ngay trong vòng vài phút nếu dị vật bít tắc hoàn toàn khí quản.

Suy hô hấp, tím tái nếu dị vật bít tắc 1 phần khí quản, di chuyển trong khí quản hoặc bít hoàn toàn phế quản gốc 1 bên. Thiếu oxy kéo dài có thể gây tổn thương não.

Ho, khò khè kéo dài, không đáp ứng điều trị nếu dị vật bít một phần phế quản gốc hoặc phế quản thùy. Viêm phổi khu trú 1 vị trí kéo dài nếu dị vật lọt sâu vào đường thở. Viêm phổi nặng nếu dị vật có tính chất dễ gây viêm như các loại hạt chứa dầu.

Do đó phụ huynh cần chú ý trẻ em trong các tình huống sau:

- Không cười đùa hoặc nói lúc thức ăn đang trong miệng

- Không cho trẻ ăn lúc đang khóc, đang ho

- Không sử dụng ống hút để hút các thức ăn/uống có dạng hạt tròn

- Không cho trẻ ăn các thức ăn dễ sặc vào đường thở như hạt dưa, hạt bí, hạt đậu

- Trẻ tập ăn dặm nên sử dụng thức ăn mềm để không tạo thành dị vật khi trẻ cắn nát

- Không cho trẻ chơi các đồ chơi có kích thước nhỏ, hình dạng tròn dễ lọt vào đường thở khi cho vào miệng

ANH ĐÀO