Muốn về ăn Tết nhưng ở quê...'nhắc khéo'

Gia đình - Ngày đăng : 07:26, 27/01/2022

Chỉ còn vài ngày nữa là bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, với mỗi người con đi làm xa quê, đây có lẽ là thời điểm mong chờ nhất sau một năm quá nhiều khó khăn, mệt mỏi vì COVID hoành hành. 

Năm nay dù Tết muộn nhưng chuyện có về quê ăn Tết hay không cũng khiến nhiều người phải băn khoăn.

Những năm trước, điều trăn trở với những người con đi làm xa quê là mua vé tàu thế nào? Về nhà ngày nào để xe khách đỡ đông? Tết mang được gì về biếu bố mẹ hay mua gì làm quà cho bà con làng xóm... Năm nay, những trăn trở càng nhiều hơn trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khi mỗi địa phương đưa ra những quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khác nhau.

Lên Yên Bái xây dựng vùng kinh tế mới và định cư hơn 30 năm nay nhưng năm nào gia đình bác Nguyễn Thị An (quê Nam Định) cũng có thói quen đưa con cái, cháu chắt về quê ăn Tết. Như những người đi làm ăn xa quê, với vợ chồng bác An thì dù có mâm cao cỗ đầy nhưng chẳng có nơi nào ấm áp, thân thường bằng Tết ở Nam Định.

“Mẹ tôi sinh được hai chị em gái, năm nay mẹ tôi cũng tròn 90 tuổi, hiện bà đang ở với vợ chồng em gái. Đi làm và lập nghiệp ở vùng đất khác nhưng năm nào hai vợ chồng cũng đưa các con, các cháu về ăn Tết ở quê, cũng là để được đón Tết cùng mẹ.

Hai vợ chồng tôi đều quê gốc tại Nam Định, thời trẻ cũng vài lần ăn Tết xa quê nhưng rồi nhận ra chẳng có nơi nào đấm ấm bằng Tết đoàn viên cạnh mẹ, cạnh những người thân yêu”, bác An chia sẻ.

tet-que.jpeg
Ảnh minh họa

Gần một năm nay vợ chồng bác không về thăm quê vì dịch diễn biến phức tạp.

“Thế là tôi đành gói ghém hết tâm tư, hy vọng của mình vào dịp Tết Âm lịch này, mong một lần được trở về bên gia đình, để thấy người mẹ mái tóc bạc trắng ở nhà vẫn khỏe mạnh, anh chị em tề tựu đông đủ sau một năm quá nhiều biến cố.

Cách đây 3 ngày, đứa cháu con nhà em gái gọi và nhắc khéo rằng năm nay chúng tôi đừng về quê ăn Tết vì ở quê dịch bệnh cũng căng thẳng lắm... Tôi cũng hiểu đằng sau câu nói ấy chính là lo sợ của những người ở quê khi Tết này họ phải đối diện với nhiều nguy cơ dịch bệnh.

Vậy là dù không muốn nhưng vợ chồng tôi đành hủy kế hoạch về quê đón Tết và cũng không biết đến khi nào mới được ăn bữa cơm đoàn viên cùng người mẹ già 90 tuổi ngóng con mỗi ngày”, bác An trăn trở.

Làm việc tại Hà Nội, Tết này chị Nguyễn Thu Liễu cũng rất muốn về quê nhà tại Hải để đón Tết cùng bố mẹ nhưng anh cũng e ngại quy định “tự theo dõi tại nhà 7 ngày” đối với những người từ tỉnh khác về quê ăn Tết.

Thực sự, chị Liễu rất lo lắng việc nếu mình trở về mà làng xóm lại kỳ thị, thành những “con hủi” thì còn gì là niềm vui đón Tết. “Ngay lúc này đứng giữa những trăn trở có vè quê ăn Tết không tôi mới thấm thía rằng đúng là càng đi xa càng muốn về vì đó là quê hương”, chị Liễu chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ, anh Trần Trung Kiên (quê Hà Tĩnh) cũng công tác ở Hà Nội và gần 1 năm nay chưa về nhà. Anh Kiên tâm sự: “Gần 2 năm trời xa gia đình, xa quê, nhiều thời điểm dù rất nhớ mẹ, nhất là khi mẹ bệnh nhưng tôi không dám về quê Hà Tĩnh. Tôi muốn dồn hết nhớ thương cho chuyến về nghỉ Tết này.

Dù Hà Tĩnh đã bỏ quy định bắt buộc cách ly 7 ngày với người trở về từ Hà Nội nhưng họ hàng, làng xóm tôi vẫn nặng nề chuyện những người trở về từ vùng dịch như Hà Nội khiến tôi vô cùng khó xử. Muốn về thăm bố mẹ nhưng lại lo bố mẹ bị liên lụy, bị kỳ thị”.

Có lẽ, vớ nhiều vùng quê thì việc nặng nề những định kiến với người trở về từ vùng dịch cũng khiến nhiều gia đình đành phải bỏ dở dự định trở về quê hương trong những ngày đặc biệt nhất năm.

Liệu về có bị cách ly không, có mất Tết không, có bị xa lánh không...? Đó là những câu hỏi luôn bủa vây những người như anh Kiên, chị Liễu cũng nhưng những người con xa quê lúc này.

Có một điều không thể phủ nhận rằng Tết Âm lịch vẫn là khoảng thời gian thiêng liêng với nhiều người Việt nhất là những người xa quê. Tết đoàn viên ai cũng mong sớm được trở về đoàn tụ với gia đình sau một năm xa cách, được cùng nhau ăn bữa cơm đoàn tụ...

MINH AN