Vụ phóng tên lửa lần thứ 6 trong tháng của Triều Tiên có gì đặc biệt?
Đối ngoại - Ngày đăng : 10:46, 27/01/2022
Hôm nay (27/1), quân đội Hàn Quốc thông báo Triều Tiên đã cho phóng thêm vật thể được cho là 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn về bờ biển phía đông nước này. Đây là vụ phóng tên lửa thứ 6 trong tháng này của Triều Tiên.
Khởi đầu Năm mới 2022, Bình Nhưỡng cho thực hiện hàng loạt vụ phóng thử nghiệm các loại tên lửa mới phát triển và cả những loại đã được đưa vào biên chế.
Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho hay cơ quan này phát hiện vụ phóng vật thể dường như là 2 tên lửa đạn đạo vào lúc 8h sáng nay (theo giờ địa phương) từ khu vực gần Hamhung thuộc bờ biển phía đông Triều Tiên. Tên lửa của Triều Tiên đã di chuyển được khoảng 190 km và đạt độ cao tối đa là 20 km.
Triều Tiên tiến hành vụ phóng tên lửa lần thứ 6 trong tháng. (Ảnh minh họa) |
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết 2 tên lửa của Triều Tiên đã rơi xuống khu vực nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố chính phủ vẫn đang thu thập chi tiết thông tin về vụ phóng và nhấn mạnh vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo là “vô cùng đáng tiếc”, đồng thời vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trong tháng này, Triều Tiên nhấn mạnh nước này sẽ tăng cường năng lực phòng thủ để đối phó với Mỹ và cân nhắc nối lại “tất cả những hoạt động bị tạm dừng” ngụ ý nói tới các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa.
Còn vào ngày 25/1, Triều Tiên đã cho phóng 2 tên lửa hành trình vào khu vực thuộc bờ biển phía đông nước này.
Đáng nói chỉ trong tháng Một, Triều Tiên đã cho phóng thử cả các loại tên lửa dẫn hướng chiến thuật và 2 “tên lửa siêu thanh”, cùng một hệ thống tên lửa được phóng từ toa tàu hỏa.
“Chính quyền của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đang phát triển đa dạng các loại vũ khí tấn công bất chấp nguồn lực có hạn và những thách thức kinh tế nghiêm trọng”, Reuters dẫn lời Giáo sư Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha ở Seoul.
Cũng theo ông Easley, những vụ thử nghiệm của Triều Tiên là nhằm phát triển năng lực mới nhất là né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa. Một số vụ phóng nhằm thể hiện khả năng sẵn sàng hoạt động và sự linh hoạt của lực lượng tên lửa mà Triều Tiên đang phát triển.
“Một số nhà quan sát cho rằng những vụ phóng thường xuyên của ông Kim là nhằm thu hút sự chú ý, nhưng Bình Nhưỡng thực tế đang chạy đua vũ trang với Seoul”, ông Easley nói.
Trong bài phát biểu hôm 25/1 tại Hội nghị Giải trừ vũ khí hạt nhân được Liên Hợp Quốc tài trợ, đại sứ Triều Tiên Han Tae Song đã cáo buộc Mỹ tiến hành hàng trăm “cuộc tập trận quân sự chung”, đồng thời vận chuyển thiết bị quân sự tấn công công nghệ cao tới Hàn Quốc, cũng như triển khai nhiều vũ khí hạt nhân chiến lược tới khu vực.
“Hành động này đe dọa nghiêm trọng tới an ninh của Triều Tiên”, ông Han cáo buộc.
Kể từ năm 2017, Triều Tiên đã không cho thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hay vũ khí hạt nhân. Nhưng sau khi các cuộc đàm phán hạt nhân gặp thất bại vào năm 2019, chính quyền Bình Nhưỡng bắt đầu phát triển và thử nghiệm hàng loạt thiết kế tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới.
Minh Thu (lược dịch)