Nơi ô tô cũ được bán với giá cao hơn cả căn hộ ở vị trí đắc địa

Đối ngoại - Ngày đăng : 20:41, 26/01/2022

Giữa lúc khủng hoảng kinh tế, giá bán một chiếc ô tô cũ ở Sri Lanka đang cao hơn cả một căn hộ ở vị trí đắc địa.

Những kệ hàng trống trơn trong siêu thị, nhà hàng không còn phục vụ đồ ăn, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka lại đang là mảnh đất ăn nên làm gia với những người buôn ô tô cũ. Nguồn cung thiếu hụt đẩy giá bán ô tô cũ ở nước này lên mức cao hơn cả một ngôi nhà nằm ở vị trí đẹp.

Nơi ô tô cũ được bán với giá cao hơn cả căn hộ ở vị trí đắc địa
Ô tô cũ được bán với giá cao hơn cả căn hộ ở vị trí đắc địa tại Sri Lanka. (Ảnh minh họa)

Quốc gia 22 triệu dân đang đứng trước bờ vực phá sản và lạm phát đang là vấn đề nóng. Để đối phó trước tình hình, chính phủ Sri Lanka đã cấm nhập khẩu “các mặt hàng không thiết yếu” nhằm tiết kiệm USD để mua thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát ở Sri Lanka đã đạt con số kỷ lục 14% vào tháng 12/2021.

Trên thị trường ô tô, lệnh cấm 2 năm khiến những chiếc ô tô mới cóng không còn lăn bánh trên đường phố Sri Lanka.

Vào dịp cuối tuần gần đây, ông Anthony Fernando đã dạo qua nhiều bãi bán xe ô tô cũ ở ngoại ô thủ đô Colombo để tìm kiếm một chiếc xe phù hợp giúp cô con gái.

“Con bé nghĩ giá bán sẽ giảm xuống, nhưng nay nó đang phải trả giá vì sự chần chừ”, người bố (63 tuổi) nói con gái đã đi tìm mua xe suốt gần 1 năm nay.

“Giá bán xe đang nằm ngoài tầm với của những người bình thường”, ông Fernando nhấn mạnh.

Cụ thể, một chiếc Toyota Land Cruiser đã sử dụng 5 năm được chào bán với giá 62,5 triệu rupee (312.500 USD), tăng gấp 3 lần so với trước thời điểm lệnh cấm nhập khẩu ô tô được ban hành. Số tiền này đủ để mua một căn nhà ở khu hạng trung của thủ đô Colombo, hoặc một căn hộ hạng sang mới xây dựng ở trung tâm thành phố.

Một ví du khác là một chiếc Fiat qua sử dụng 10 năm cũng được rao bán với giá 8.250 USD, cao hơn gấp đôi so với mức thu nhập trung bình hàng năm của người dân Sri Lanka.

“Ô tô và căn nhà là biểu tượng của sự thành công. Đó là lý do tại sao nhiều người vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra mua, dù giá cả tăng cao”, ông Sarath Yapa Bandara, chủ nhân của một trong những cửa hàng bán ô tô có quy mô lớn nhất ở Sri Lanka cho hay.

Việc sở hữu một chiếc ô tô hiện trở thành nhu cầu thiết yếu đối với người dân Sri Lanka sinh sống ở thành phố Colombo, bởi xe buýt và mạng lưới đường sắt luôn trong tình trạng quá tải.

Số lượng xe taxi cũng đang giảm mạnh, khi mà các tài xế buộc phải bán xe để có tiền mua thực phẩm giữa lúc giá bán những mặt hàng thiếu yếu tăng cao. Ngay cả những tài xế taxi còn bám nghề cũng đã tăng giá chở khách lên gấp hơn 2 lần.

“Bạn cần có một chiếc xe của riêng mình. Chúng ta không thể hy vọng giá bán xe sẽ sớm giảm xuống khi nhìn vào tình hình nền kinh tế quốc gia”, ông Udaya Hegoda Arachchi, một người mua xe nhận định.

Dịch bệnh Covid-19 đẩy nền kinh tế Sri Lanka tụt dốc, do quốc gia này phụ thuộc lớn vào ngành du lịch và kiều hối.

Hồi tháng 3/2021, chính phủ Sri Lanka đã cho ban hành lệnh cấm nhập khẩu hàng loạt mặt hàng như ô tô mới để ngăn dòng ngoại tệ chảy ra khỏi quốc gia.

Tuy nhiên, chính sách này không những không thể ngăn dòng chảy USD, mà còn khiến Sri Lanka phải vật lộn với tình trạng thiếu nguồn cung các mặt hàng quan trọng.

Bởi thực tế, những người bán lẻ thực phẩm hiện chỉ có rất ít hàng hóa để kinh doanh. Các nhà hàng phải đóng cửa vì không có dầu ăn để chế biến thực phẩm. Hay như người nông dân cũng không có phân bón để trồng trọt.

Nhiều chuyên gia cảnh báo nền kinh tế Sri Lanka có thể sớm sụp đổ, dù chính phủ nước này khẳng định sẽ thực thi các cam kết đã đưa ra. Theo đó, Sri Lanka đang cố tái đàm phán các khoản nợ với Trung Quốc.

Lệnh cấm nhập khẩu còn khiến nguồn cung phụ tùng ô tô để sửa chữa và thay thế linh kiện cho các chiếc xe cũ bị mắc kẹt.

Ông Ravi Ekanayake, chủ gara sửa chữa ô tô ở Colombo, cho hay nhiều chủ xe hiện không thể gánh được chi phí để tân trang và sửa chữa phương tiện trong trường hợp xe bị hỏng.

Nhà phân tích tài chính Murtaza Jafferjee nhấn mạnh giá cả tăng phi mã còn phản ánh thực trạng ngân hàng trung ương Sri Lanka đã in ra số lượng tiền mặt quá dư thừa. Theo ông Jafferjee,  Sri Lanka đang trải qua tình trạng “tiền quá thừa trong khi chỉ có ít hàng hóa để mua”.

Minh Thu (lược dịch)