Tin thế giới 26/1: Nga ‘không chịu trách nhiệm’ về tiến trình hòa bình đình trệ, Hàn-Trung ký thỏa thuận ‘khủng’ về tài nguyên

Đối ngoại - Ngày đăng : 20:40, 26/01/2022

Nga ‘không chịu trách nhiệm’ về tiến trình hòa bình đình trệ, Hàn-Trung ký thỏa thuận ‘khủng’ về tài nguyên... là những tin thế giới nổi bật 24 giờ qua.
Mỹ đẩy lô vũ khí thứ 3 sang Ukraine; Moscow nói Washington 'nuôi dưỡng tâm lý sợ Nga'. (Nguồn: Reuters)
Căng thẳng Nga-Mỹ về vấn đề Ukraine tiếp tục là mối quan tâm của thế giới. (Nguồn: Reuters)

Nga

Nga ‘không chịu trách nhiệm’ khi tiến trình hòa bình Ukraine đình trệ

Ngày 26/1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moscow sẽ không khoan nhượng trước những âm mưu của phương Tây khi quy cho Moscow phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện thỏa thuận hòa bình Ukraine đang bị đình trệ.

Phát biểu tại Duma Quốc gia Nga, ông Lavrov nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên quyết trấn áp các nỗ lực đẩy trách nhiệm về sự không tiên triển (trong việc thực hiện các thỏa thuận Minsk) cho Nga, đặc biệt là biến chúng tôi trở thành một bên trong cuộc xung đột (ở miền Đông Ukraine), như các nước phương Tây đang cố gắng làm gần đây”.

Đồng thời, người đừng đầu ngành ngoại giao Nga khẳng định Moscow không muốn các cuộc đối thoại về vấn đề Ukraine và những quan ngại an ninh của nước này phải kéo dài vì có thêm sự can dự của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE).

Ông nhấn mạnh nước này sẽ thực hiện “các biện pháp thích hợp” nếu không được hồi đáp mang tính xây dựng từ Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về đề xuất đảm bảo an ninh của mình.

Hiện Moscow trông đợi Washington sẽ gửi văn bản hồi đáp về những đề xuất trên trong tuần này. Trong số những đề xuất của Nga có yêu cầu NATO không kết nạp Ukraine. (Sputnik)

Nga lo ngại vũ khí Mỹ cấp cho Kiev rơi vào tay các chiến binh

Đại sứ quán Nga tại Washington bày tỏ quan ngại, các loại vũ khí mà Mỹ đang chuyển tới cho Ukraine cuối cùng sẽ rơi vào tay các chiến binh và khủng bố.

Phái bộ ngoại giao Nga nêu rõ: “Bộ phận báo chí của Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc gần như ngày nào cũng khoe khoang về những nỗ lực của họ trong việc hỗ trợ quân sự cho chính quyền Kiev. Các nhà chức trách Mỹ làm điều này trong khi biết rõ rằng, vũ khí chết người của Mỹ sẽ rơi vào tay các chiến binh và khủng bố ở Ukraine”.

Đại sứ quán Nga lưu ý rằng, cùng với sự hỗ trợ chính trị và vật chất của Washington "những người theo chủ nghĩa tân Quốc xã, trên thực tế, nhận được sự toàn quyền thực hiện các hành động khiêu khích và hoạt động vũ lực ở khu vực Donbass”.

Trong những ngày gần đây, Mỹ đã gửi 3 lô hàng vũ khí theo đường không đến Ukraine. Một ngày trước đó, 80 tấn quân nhu đã được chuyển tới nước này, bao gồm 300 tên lửa chống tăng Javelin. Phái bộ thường trực của Nga tại LHQ tuyên bố, Ukraine đã “ngập” trong vũ khí từ Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như “vô số” cố vấn từ các nước phương Tây. (Sputnik)

Trừng phạt phương Tây không ảnh hưởng đến quan hệ Nga-Trung

Ngày 25/1, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov khẳng định, việc phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt và thực thi chính sách đe đọa nhằm vào Nga và Trung Quốc không gây ra bất đồng giữa Moscow và Bắc Kinh.

Phát biểu tại họp báo, Đại sứ Denisov nhấn mạnh rằng sự gia tăng các hành động thù địch toàn cầu đã gây phức tạp cho mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Ông cho rằng, mối quan hệ của Bắc Kinh với phương Tây cũng có “nhiều vấn đề và khó khăn”.

Ông nói: “Tất cả những điều này hoàn toàn là do lập trường của những người chống lại chúng tôi. Cả Trung Quốc và Nga đều không phải là nguyên nhân gây ra những căng thẳng quốc tế gần đây. Trách nhiệm của việc này thuộc về phía bên kia”.

Đại sứ Denisov nhấn mạnh, mặc dù Moscow và Bắc Kinh lưu tâm đến các biện pháp trừng phạt do “Mỹ và các nước châu Âu theo chân Washington” áp đặt, nhưng các biện pháp này không có bất kỳ tác động nào đến quan hệ Nga-Trung, vốn có “một giá trị độc lập và rất đặc biệt” đối với cả hai nước.

Theo ông, sự hợp tác giữa 2 quốc gia trong mọi lĩnh vực là “một yếu tố mạnh nhằm ngăn chặn căng thẳng lan rộng” cũng như “ổn định tình hình khu vực và quốc tế”. (RT)

Ukraine: Nga ‘chưa đủ’ lực lượng ở biên giới để tấn công

Phát biểu họp báo ngày 26/1, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba khẳng định Kiev không phản đối việc Mỹ hồi đáp bằng văn bản những đề xuất đảm bảo an ninh của Nga, như một phần trong các cuộc đàm phán nhằm tránh leo thang căng thẳng ở Ukraine.

Bên cạnh đó, ông Kuleba cũng cho rằng, lực lượng Nga triển khai ở khu vực biên giới “chưa đủ” để thực hiện một cuộc tấn công, dù rằng ông không loại trừ nguy cơ này.

Trong một tin liên quan, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak đã ca ngợi đàm phán bốn bên giữa Ukraine, Nga, Đức và Pháp (nhóm Bộ tứ Normandy) tại Paris là một tín hiệu mạnh mẽ nhằm đạt được hòa bình ở miền Đông Ukraine.

Viết trên Twitter khi tới Paris, ông Yermak viết: “Cuối cùng chúng tôi đã sử dụng được định dạng này (cuộc họp của nhóm Bộ tứ Normandy) và đó là một tín hiệu mạnh mẽ về sự sẵn sàng cho một giải pháp hòa bình. Hy vọng sẽ có một cuộc đối thoại mang tính xây dựng vì lợi ích (của Ukraine)”. (Reuters)

Hàn Quốc

Hàn Quốc, Nga thảo luận về vấn đề Triều Tiên

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, ngày 26/1, các nhà ngoại giao cấp cao của Hàn Quốc và Nga đã điện đàm để thảo luận về các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên và tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên.

Cuộc điện đàm giữa Đặc phái viên về các vấn đề hòa bình và an ninh Bán đảo Triều Tiên của Hàn Quốc Noh Kyu-duk và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng tuần trước ám chỉ sẽ nối lại hoạt động thử hạt nhân và tên lửa tầm xa sau nhiều năm.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ: “Hai bên đã trao đổi sâu về tình hình mới nhất trên Bán đảo Triều Tiên, bao gồm cả việc Triều Tiên gần đây liên tục phóng tên lửa và thảo luận các biện pháp nhằm ngăn tình hình thêm trầm trọng”.

Đặc phái viên Noh nhấn mạnh rằng, cần sớm khởi động lại các đàm phán bị đình trệ hiện nay nhằm giải quyết mối đe dọa đang gia tăng từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Nga đóng vai trò “mang tính xây dựng” hơn nhằm xoa dịu căng thẳng trên bán đảo này. (Yonhap)

Hàn-Trung đạt thỏa thuận về xuất nhập khẩu tài nguyên quan trọng

Ngày 26/1, Hàn Quốc và Trung Quốc đã nhất trí sẽ thông báo trước cho nhau khi một trong hai nước áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với năng lượng và các tài nguyên khoáng sản quan trọng.

Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, hai bên đã đạt thỏa thuận trong cuộc họp ủy ban chung lần thứ 4 về Hiệp định Thương mại tự do Hàn Quốc - Trung Quốc được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của quan chức thương mại cấp cao hai nước.

Tại cuộc họp, hai bên cam kết sẽ phối hợp để giảm thiểu tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng ở mỗi nước bằng cách gửi thông báo trước cho nhau nếu một trong hai bên áp lệnh cấm xuất khẩu đối với năng lượng và tài nguyên khoáng sản. Hai bên cũng cam kết tăng cường hợp tác nhằm tạo thuận lợi về thủ tục nhập cảnh cho doanh nhân hai nước, thiết lập chuỗi vận tải thông suốt cho ngành logistics, tạo điều kiện cho việc thông quan hàng hóa. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng kêu gọi Trung Quốc tạo điều kiện để sản phẩm văn hóa của nước này tiếp cận được thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các quan chức hai nước cũng đã tiến hành đánh giá những thành tựu đạt được trong khuôn khổ hiệp định thương mại tự do song phương. Kể từ khi hiệp định có hiệu lực vào tháng 12/2015, thương mại hai chiều đã tăng 32,6%.

Theo số liệu của Chính phủ Hàn Quốc, chỉ riêng trong năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 24,8% lên 301,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc nhận định, hiệp định này đã thúc đẩy thương mại song phương, bất chấp khó khăn của kinh tế toàn cầu trong đại dịch Covid-19.

Hàn Quốc - quốc gia vốn phụ thuộc lớn vào nguồn cung ure và các nguyên liệu thô khác từ Trung Quốc - đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung dung dịch urê, sau khi Trung Quốc áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu urê vào tháng 10/2021 để đảm bảo nguồn cung trong nước. Ure trở thành một phụ gia quan trọng đối với Hàn Quốc sau khi nước này áp đặt các quy định bắt buộc các tài xế phải sử dụng loại chất lỏng này để giảm thiểu khí thải của xe. (Yonhap)

Hàn Quốc, UAE hội đàm cấp cao về dự án năng lượng hạt nhân

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, nước này và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 16/1 đã tổ chức cuộc họp cấp cao và nhất trí thành lập một nhóm đấu thầu chung cho các dự án năng lượng hạt nhân ở các nước thứ ba.

Hai bên đã thỏa thuận trong phiên họp thứ tư của tham vấn cấp cao về năng lượng hạt nhân theo hình thức trực tuyến, do Thứ trưởng Ngoại giao thứ hai Hàn Quốc Choi Jong-moon và Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp UAE Suhail Mohamed Al Mazrouei dẫn đầu.

Cả hai bên cũng nhất trí tiến hành nghiên cứu chung về sự xuống cấp của kết cấu bê tông, có tính đến điều kiện khí hậu của UAE và bắt đầu nghiên cứu phân tích hiệu suất riêng biệt về nhiên liệu chịu được tai nạn (ATF), nhằm ngăn chặn hydro phát nổ trong một vụ tai nạn hạt nhân. Ngoài ra, hai bên đã tham vấn ý kiến về việc tiến hành khảo sát chung về lò phản ứng module nhỏ (SMR) và cũng nhất trí mở rộng hợp tác đào tạo an ninh hạt nhân. (Yonhap)

Minh Quân