Tượng hổ giống "lợn quay" gây tranh cãi, chuyên gia văn hóa nói gì?

Dòng chảy - Ngày đăng : 15:35, 26/01/2022

Chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, chúng ta cần có sự phân định rạch ròi nguồn gốc tác phẩm do nhà điêu khắc hay công nhân thực hiện để tránh có những công kích thái quá.

Như Dân trí đã thông tin, gần đây, cư dân mạng xôn xao bàn tán về bức ảnh tượng hổ với hình dáng lạ lẫm tại Thanh Hóa.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Nguyễn Thị Liên - Chủ tịch UBND xã Tiên Trang cho biết, bức tượng hổ này không phải chính quyền địa phương xây dựng mà được thực hiện tại dự án Đô thị - Công nghiệp - Du lịch sinh thái biển Tiên Trang.

Nói về hình thù tượng hổ, bà Liên nhận xét "lưng thì con hổ, đầu thì không phải, còn cái mông thì như con lợn quay".

Tượng hổ giống lợn quay gây tranh cãi, chuyên gia văn hóa nói gì? - 1

Bức tượng hổ với hình thù lạ lẫm tại xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).

Theo nhiều ý kiến của cư dân mạng thì phần đầu bức tượng hổ này trông giống đầu chuột, đầu chó..., khá hài hước. Gay gắt hơn, có người cho rằng: "Linh vật đặt ở nơi công cộng thì phải thẩm mỹ, không thể gây ra tranh cãi như thế này, đã đến lúc những sáng tạo ở nơi công cộng không thể tùy tiện, để người dân cười hết năm này qua năm khác".

Trái lại, một số người cho rằng, đây chỉ là những bức tượng vui vẻ, mang đến không khí rộn ràng ngày xuân, không cần đẩy cao quan điểm, tranh cãi không hồi kết như vậy.

Trước câu chuyện này, trao đổi với PV Dân trí, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - nguyên giảng viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: "Tôi đã xem hình ảnh bức tượng hổ ở Thanh Hóa. Đó là bức tượng do công nhân làm nên chứ không phải một nhà điêu khắc chuyên nghiệp thực hiện".

Chuyên gia Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, cần có sự phân định rạch ròi nguồn gốc của tác phẩm để tránh có những phán xét, định đoạt mang tính chất thái quá: "Nếu tác phẩm là trưng bày của nhà điêu khắc sẽ là câu chuyện khác, họ phải thể hiện được đẳng cấp khác.

Còn đây là tượng linh vật được thực hiện bởi các công nhân không chuyên về thiết kế với mong muốn mang đến không khí chào xuân vui vẻ, lấy chỗ cho mọi người du xuân, chụp hình. Việc làm của họ xuất phát từ cái tâm. Chúng ta phải lấy chữ tình ở đó làm trọng".

Về việc một số người lo lắng hình ảnh linh vật như vậy sẽ trở nên "méo mó", ông Vỹ cho rằng: "Đây là quan điểm tùy từng người, cũng giống như việc, trước đây tôi cho rằng, tranh Guernica của Picasso là "méo mó".

Còn những bức tượng hổ này tôi cho là "vụng", vậy thôi. Nhưng công sức của công nhân làm ra vẫn đáng được ghi nhận".

"Những bức tượng đón xuân như thế này không mới. Trước đây có rất nhiều người làm nhưng không lan truyền trên mạng xã hội, ồn ào khen chê như bây giờ.

Tất nhiên, nếu tất cả đều làm đẹp sẽ tốt hơn. Nhưng nếu có những bạn trẻ đắp không ra thần thái hổ mà mọi người mong muốn thì cũng đừng vội chê một cách xối xả.

Chuyện có người làm đẹp, có người làm xấu cũng như xã hội có người cao, người thấp, người béo, người gầy. Dùng những lời lẽ miệt thị sẽ không khác gì bị chê bai ngoại hình, người ta sẽ tủi thân lắm đấy!

Nghệ thuật điêu khắc cũng như nghệ thuật văn chương, có người hay người dở, miễn là người ta hướng đến yếu tố "vị nhân sinh" là được. Như tôi, giờ ai bắt tôi vẽ làm sao tôi vẽ được như họa sĩ. Từ đó mới sinh ra những người chuyên vẽ hổ, vẽ ngựa,... đừng đòi cái gì cũng tuyệt vời cả", ông Hùng Vỹ nhấn mạnh.

"Tôi xin kể thêm một câu chuyện thế này, có lần tôi về quê chơi, được cô em hái cho ít rau trong vườn nhà, có thể không ngon nhưng tôi vẫn rất trân trọng bởi công sức cô ấy bỏ ra.

Tôi phải nói thẳng, cư dân mạng đôi khi hẹp hòi, khen chê tùy hứng, chấp nhặt quá đáng. Hãy rộng lòng một chút. Chúng ta hãy nhìn nhận mọi thứ đơn giản hơn cho cuộc sống thanh thản", chuyên gia văn hóa bày tỏ.

Tượng hổ giống lợn quay gây tranh cãi, chuyên gia văn hóa nói gì? - 2

Những bức tượng hổ gây xôn xao ở Phú Thọ (Ảnh: Nguyễn Tùng).

Trước khi bức tượng hổ ở Thanh Hóa gây ra tranh cãi, tượng hổ ở Phú Thọ cũng thu hút sự chú ý của dư luận bởi ngoại hình "đặc biệt". Đó là những chú hổ vàng làm bằng sứ đặt trong khuôn viên vườn hoa Quảng trường thị xã Phú Thọ với tạo hình mang biểu cảm khá hài hước.

Tượng hổ giống lợn quay gây tranh cãi, chuyên gia văn hóa nói gì? - 3

Sau khi có những ý kiến tranh cãi, tượng đàn hổ ở Phú Thọ được mang đi sửa chữa (Ảnh: Nguyễn Tùng).

Khi được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng, việc trang trí ở trung tâm thị xã không đảm bảo mỹ quan đô thị. Sau khi nhận những ý kiến đóng góp về đàn hổ "gầy nhom, dị dạng", ngày 16/1, chính quyền địa phương đã mang những bức tượng mang đi tu sửa.

Hay dư luận cũng từng bàn tán không ngớt với hình ảnh "gia đình ông hổ" được trang trí ở đầu đường Nguyễn Tất Thành (phường 1, TP Bạc Liêu) mang gương mặt như "hờn cả thế giới". Sau đó, "gia đình hổ" đã được đơn vị thi công "make-up" lại.

Phương Nhung