Kim loại soán ngôi đắt đỏ của vàng: Một nước nắm quyền 'bá chủ', có 91% trữ lượng toàn cầu
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 12:18, 26/01/2022
Vàng và bạc không phải là kim loại quý duy nhất trải qua giai đoạn sóng gió do đại dịch. Bạch kim và paladi cũng có thể là những kim loại quý bắt đầu quay trở lại đường đua tăng giá.
Bạch kim và paladi là gì?
Bạch kim (hay platin, platinum) là một kim loại chuyển tiếp quý hiếm, màu xám trắng, đặc dẻo, dễ uốn. Bạch kim là một trong những nguyên tố hiếm nhất trong lớp vỏ Trái Đất, thường được tìm thấy ở một số quặng niken và đồng. Bạch kim rất ít bị ăn mòn thậm chí ở nhiệt độ cao, vì vậy nó được xem là một kim loại quý.
Trong khi đó, paladi (hay palladium) là một kim loại hiếm màu trắng bạc và bóng. Paladi cùng với bạch kim, rhodi, rutheni, iridi và osmi tạo thành một nhóm các nguyên tố gọi chung là các kim loại nhóm platin (PGM), tuy nhiên paladi là kim loại có điểm nóng chảy thấp nhất và nhẹ nhất trong số các kim loại quý này. Paladi có khả năng chống xỉn màu, có khả năng dẫn điện ổn định và năng lực chống ăn mòn hóa học cao cùng chịu nhiệt tốt.
Khoảng 80% paladi được sử dụng trong ngành công nghiệp ô tô và khoảng 18% được sử dụng làm đồ trang sức. Kim loại này được coi là kim loại quý và thậm chí còn có mã tiền tệ ISO, có nghĩa là một số ngân hàng có thể chấp nhận thỏi paladi làm tiền gửi. Chỉ có vàng, bạc và bạch kim là những kim loại khác có mã như vậy. Paladi còn được sử dụng làm dụng cụ phẫu thuật, linh kiện điện, bugi và một số công cụ khác.
Giá cả tăng vọt
Giá trị của PGM nói chung đã tăng cao trong những năm gần đây. Vào ngày 10/12/2018, giá paladi đã vượt qua giá vàng trong khi vào tháng 7 năm ngoái, giá paladi cao hơn vàng khoảng 1.000 USD/ounce.
Việc tăng giá của kim loại PGM phần nhiều do sự thay đổi trong nhận thức của con người về ứng dụng của thứ kim loại này.
Paladi đắt hơn vàng do giá trị ứng dụng cao. Các thỏi Paladi sản xuất tại Nga. Ảnh: Wall Street Journal
Paladi là một kim loại quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô. Nó được sử dụng để sản xuất bộ chuyển đổi xúc tác, biến khí thải độc hại thành chất ô nhiễm ít độc hại hơn. Việc kiểm soát chặt chẽ phát thải đã làm tăng nhu cầu đối với paladi trong những năm qua.
Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất ô tô lớn đã đổ tiền vào sản xuất bộ chuyển đổi xúc tác để đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải ngày càng khắt khe.
Sau Vụ bê bối khí thải của Volkswagen, các công ty đã tìm cách hạn chế lượng khí thải trong sản phẩm của mình, từ đó làm tăng đáng kể nhu cầu đối với paladi, cho phép nó soán ngôi vàng trở thành kim loại quý đắt tiền nhất.
Cả bạch kim và paladi đều trải qua đợt giảm giá mạnh do thiếu chip ô tô trong những tháng qua.
Tuy nhiên, thâm hụt nguồn cung đối với hai loại kim loại quý sẽ tăng lên khi tình trạng thiếu chip giảm bớt và mục tiêu sản xuất ô tô được khôi phục. Doanh số bán lẻ đã tăng tốt trong tháng 10, và lạm phát gia tăng sẽ thúc đẩy giá các kim loại quý này tăng thêm.
Bạch kim nói riêng có thể được hưởng lợi từ ngành công nghệ xanh, vì nó là một thành phần quan trọng trong pin cho xe điện. Bạch kim cũng là một trong những chất hiếm nhất trên thế giới, hiếm hơn vàng gấp 30 lần.
Trong khi đó, paladi sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng đối với các loại xe hybrid. Các nguồn cung chính của paladi là ở Nga và Nam Phi. Những vấn đề địa chính trị nóng bỏng có khả năng tiếp tục làm giảm nguồn cung và tăng giá.
Các nước sở hữu PGM
Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), trữ lượng phân bố của PGM trên thế giới không đồng đều. Đáng lưu ý, Nam Phi có trữ lượng các kim loại thuộc nhóm bạch kim lên tới 63 nghìn tấn (chiếm 91% toàn cầu), Nga có 3.900 tấn (chiếm 5,6%), còn lại là các quốc gia khác.
Năm 2020, Nga là thị trường cung cấp paladi lớn nhất với 91 tấn, trong khi Nam Phi cung cấp 70 tấn và Canada với 20 tấn. Xét về bạch kim, Nam Phi là quốc gia dẫn đầu toàn cầu với lượng khai thác đạt 133 tấn (2019) và 120 tấn (2020), nhiều hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại.
Khi paladi trở thành một trong những kim loại quan trọng nhất thế giới, nó chắc chắn sẽ mang lại cho Nga một công cụ kinh tế mạnh mẽ mà nước này có thể sử dụng để tác động đến thị trường toàn cầu, mà qua đó có thể ảnh hưởng tới các nước "kì phùng địch thủ" phương Tây. Các nước vùng Bắc Mỹ có thể điều chỉnh sự mất cân bằng nguồn cung toàn cầu này bằng cách tập trung nhiều hơn vào trữ lượng ở Canada và Mỹ.
Ngoài ra, việc Nam Phi nắm quyền gần như độc quyền về kim loại quý nhóm PGM cũng có tác động không nhỏ tới thế giới. Quốc gia này chìm trong mâu thuẫn bất đồng phe phái, có hố sâu ngăn cách giàu - nghèo và tỷ lệ tội phạm được xếp vào loại cao nhất thế giới. Trong năm qua, Nam Phi liên tục chứng kiến các cuộc biểu tình hóa bạo động, tình trạng bạo lực leo thang gây ra thiệt hại không nhỏ về người và của.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa buộc phải công bố cuộc cải tổ chính phủ lớn chưa từng có, trước sức ép từ người dân chỉ trích phản ứng của chính phủ trong cuộc bạo loạn gần đây.
Ðược ví như “cơn đại hồng thủy”, bạo loạn đã tàn phá nền kinh tế Nam Phi và “đất nước Cầu vồng” đang phải nỗ lực vượt qua khủng hoảng.
Những bất ổn như vậy sẽ là mầm mống khiến nguồn cung của bạch kim và paladi liên tiếp chịu ảnh hưởng, gián tiếp cản trở ngành công nghệ xe điện vốn đang được các quốc gia đẩy mạnh.
Trong khi đó, mặc dù sở hữu rất nhiều kim loại quý cần thiết cho lĩnh vực sản xuất pin, ví dụ như coban, niken, lithium, nhưng tới nay chưa có thống kê cho thấy Việt Nam sở hữu kim loại nhóm bạch kim. Theo báo cáo của USGS, trong năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu một lượng khiêm tốn bạch kim và paladi từ Mỹ.
(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)
Tò mò 'kho báu' khiến cả thế giới thèm muốn ẩn trong nước biển
Trong nước biển có một loại "siêu chất" khiến tất cả các nước trên thế giới mong muốn có được. Vậy đó là gì?