Xung đột gia tăng ở vùng Đông Bắc, lý do Ấn Độ lo lắng về Trung Quốc và Myanmar
Đối ngoại - Ngày đăng : 12:15, 26/01/2022
Không chỉ vậy. Ấn Độ còn lo lắng rằng hai quốc gia láng giềng có thể sẽ can thiệp và làm tình hình trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc-Myanmar ngày càng khăng khít.
Bang Nagaland của Ấn Độ nhìn từ làng Longwa ở vùng Sagaing, Myanmar. (Nguồn: AFP) |
Khu vực Đông Bắc của Ấn Độ gồm 8 bang, trong đó có ba bang Nagaland, Manipur và Mizoram nằm tại biên giới với Myanmar và bang Arunachal Pradesh nằm sát với biên giới với Trung Quốc. Nửa cuối năm 2021, tại những bang này đã chứng kiến hàng loạt cuộc biểu tình phản đối chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi.
Vùng viễn Đông giàu tài nguyên của Ấn Độ có hơn 200 nhóm người dân tộc và bộ lạc thiểu số sinh sống, cũng là khu vực tồn tại nhiều xung đột có gốc rễ từ lịch sử với hàng loạt phong trào nổi dậy và ly khai diễn ra.
Người dân tại các bang này phản đối chính phủ Ấn Độ vì đã không giúp đỡ họ phát triển nhưng lại khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên của khu vực họ sinh sống.
Kể từ tháng 8/2021, nhiều cuộc đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và các phong trào ly khai đã phá vỡ hòa bình mong manh tại khu vực này.
Đỉnh điểm, sự việc quân đội Ấn Độ tấn công một xe bán tải do nhầm tưởng là xe chở quân nổi dậy, khiến 8 người dân thường bang Nagaland thiệt mạng đã đẩy căng thẳng và xung đột lên mức cao nhất với hàng loạt cuộc biểu tình chống chính phủ lan rộng khắp khu vực và phát triển thành xung đột và bạo lực.
Trước tình hình căng thẳng leo thang, chính phủ Ấn Độ không chỉ lo ngại về bất ổn trong nước mà còn phải để mắt đến hai người hàng xóm là Myanmar và Trung Quốc.
Các bộ lạc tại biên giới Ấn Độ và Myanamar vốn có quan hệ khá thân thiết với nhau. Trước đó, người dân Ấn Độ tại đây đã giúp đỡ người tị nạn Myanmar chạy trốn khỏi cuộc chính biến diễn ra tại Myanmar, thậm chí phản đối lại lệnh cấm nhập cảnh người tị nạn từ Myanmar mà New Delhi đưa ra.
Vì vậy, chính phủ Ấn Độ lo ngại rằng, khu vực biên giới Myanamar hoàn toàn có thể trở thành thiên đường trú ẩn cho các nhóm nổi dậy tại các bang Đông Bắc Ấn Độ.
Đối với Trung Quốc, Ấn Độ đã luôn nghi ngờ nước này có các hành động hỗ trợ các phiến quân nổi dậy tại khu vực biên giới. Theo báo chí Ấn Độ, nhiều phiến quân nổi dậy được tổ chức và đào tạo tại Trung Quốc.
Ngoài ra, New Delhi cũng lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ lợi dụng bất ổn tại khu vực biên giới hai nước để có thể uy hiếp nước này trong các vấn đề khác như vấn đề Đài Loan hay tranh chấp biên giới.
Đặc biệt, mới đây, việc Trung Quốc công bố 15 tên tiếng Trung mới cho 15 địa điểm tranh chấp ở Arunachal Pradesh (bang tại biên giới Trung - Ấn), và cho rằng việc đổi tên hoàn toàn nằm trong “phạm vi chủ quyền của Trung Quốc” đã lại dấy lên những căng thẳng giữa hai quốc gia.
Trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc-Myanamar đang ngày càng phát triển và thân thiết hơn, và quan hệ Ấn Độ-Myanmar có phần lạnh lẽo, Ấn Độ càng phải đề phòng và khéo léo xử lý bất ổn và các vấn đề đối ngoại liên quan.
Trong đó, việc không làm phật lòng chính quyền quân sự Myanmar và duy trì quan hệ tốt đẹp giữa hai bên nên là một trong những ưu tiên của Ấn Độ.