Ngày Tết làm sao để tránh thực phẩm '3 không'?
Tin Y tế - Ngày đăng : 10:26, 26/01/2022
Đối với bánh kẹo
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, bánh kẹo nằm trong danh mục thực phẩm thường bắt buộc phải đảm bảo đủ các điều kiện về an toàn thực phẩm. Trong đó, sản phẩm khi lưu thông trên thị trường phải công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại cơ quan y tế có thẩm quyền.
Khi lựa chọn mua bánh kẹo trong dịp Tết Nguyên đán, người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm bánh kẹo đã được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
Lựa chọn bánh kẹo của các thương hiệu uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh mua phải hàng nhái kiểu dáng, nhãn hiệu. Quan sát kỹ thông tin trên bao bì bánh kẹo (nơi sản xuất, ngày sản xuất, ngày hết hạn, thành phần, cách bảo quản sản phẩm). Khi mua giỏ quà cần chú ý chất lượng bánh kẹo bên trong, nên tự chọn bánh kẹo rồi nhờ chủ quán xếp thành giỏ quà.
Đối với các sản phẩm mứt khô nên chọn loại có màu sắc tự nhiên, hạn chế loại có nhiều màu sắc tổng hợp; bao bì còn nguyên vẹn, bày bán nơi thoáng mát, mới sản xuất và còn hạn sử dụng. Quan sát kỹ bên ngoài sản phẩm nếu phát hiện mứt bị mốc thâm kim hay mốc xanh, mùi hôi, chảy nước, mùi chua thì tuyệt đối không dùng.
Đối với thực phẩm rau, củ quả... tuyệt đối không nên chọn mua các loại củ đã mọc mầm, đặc biệt khoai tây mọc mầm rất độc, có thể gây ngộ độc cho người ăn.
Chọn rau, củ, quả loại có màu tự nhiên, không quá đẹp vì dễ có thuốc kích thích để giữ màu. Nên chọn loại rau, củ quả còn tươi, còn nguyên cuống không dập nát, héo úa hay có đốm màu lạ.
Đối với các loại thịt, cá
Không nên chọn những loại có mùi hôi thối. Riêng cá thì nên phân biệt đâu là mùi tanh tự nhiên, đâu là hiện tượng hôi tanh do cá bắt đầu phân hủy.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng phải thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.
Người dân cũng cần chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng khi phát hiện các loại thực phẩm nghi ngờ là hàng nhái, hàng giả cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATTP để cơ quan chức năng có biện pháp kiểm tra, giám sát và kịp thời ngăn chặn.
Bảo quản thực phẩm ra sao
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), không nên coi tủ lạnh là "bảo bối" tích trữ thực phẩm dịp Tết Nguyên đán. Việc tích trữ số lượng lớn thực phẩm trong tủ lạnh không chỉ khiến cho chất lượng bảo quản thực phẩm kém, mà tiềm ẩn nguy cơ khiến chúng trở nên độc hại cho người sử dụng.
Thời gian bảo quản thực phẩm hữu hiệu và an toàn nhất là từ 3 – 5 ngày. Mặt khác, tủ lạnh chỉ có khả năng kiềm hãm hoạt động của vi khuẩn trong một thời gian nhất định ngắn hạn, chứ không thể tiêu diệt chúng hoàn toàn.
Với thực phẩm chế biến, không để thức ăn quá 2 giờ ở ngoài nhiệt độ thông thường. Sau khi lấy thực phẩm từ tủ lạnh ra phải đun sôi kỹ lại mới dùng vì tủ lạnh chỉ giúp ngăn chặn quá trình biến chất của thực phẩm chứ không phải là giữ được hoàn toàn như món mới nấu.
Các chuyên gia về dinh dưỡng cho hay, người tiêu dùng không nên trữ thức ăn quá nhiều trong tủ lạnh. Đối với các loại bánh được làm từ nếp thì bảo quản vào ngăn mát tủ lạnh, phần còn lại thì dùng màng che thực phẩm bao kín. Cần luộc, hấp lại hoặc rán trước khi ăn; không sử dụng các loại bánh bị mốc trắng, lên men, mùi chua…
Đối với giò chả thì bảo quản ở nhiệt độ thường, dưới 25 độ C. Khi bảo quản ngăn mát sẽ giữ được 4-6 ngày, nếu để ở ngăn đá giữ được khoảng 10 ngày. Với những món thịt chế biến sẵn như thịt kho, thịt đông… nên chia thành từng hộp nhỏ vừa đủ ăn từng bữa để bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Không nên ăn các món ăn đã được chế biến từ rau đã để qua đêm; không nên để thức ăn đã nấu chín trong môi trường nhiệt độ thường quá 2 giờ đồng hồ; đun nóng lại thức ăn thừa, để nguội trước khi đưa vào trong ngăn mát tủ lạnh.
Thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh cần đựng vào hộp riêng, đậy nắp kín; bảo quản thực phẩm chín ở trên, thực phẩm sống ở dưới để tránh bị nhiễm chéo.