Danh sách 81 trường ĐH, CĐ xét tuyển bằng kết quả thi Đánh giá năng lực 2022 của ĐHQG TP. HCM
Xã hội - Ngày đăng : 09:50, 26/01/2022
Theo đó, có 66 trường ĐH, phân hiệu ĐH, Học viện, trong đó có 10 đơn vị thành viên ĐHQG gồm ĐH Bách khoa, ĐH KHXH&NV, ĐH KHTN, ĐH Quốc tế, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH An Giang, Phân hiệu ĐHQG TP. HCM tại Bến Tre, Khoa Y, Khoa Chính trị - Hành chính.
Có 5 trường cao đẳng cũng sử dụng kết quả thi ĐGNL để xét tuyển gồm: CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, CĐ Quốc tế TP. HCM, CĐ Viễn Đông, CĐ Miền Nam và CĐ Sài Gòn Gia Định.
Sự gia tăng số lượng các đơn vị sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển ứng với gia tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL được các trường công bố trong đề án tuyển sinh năm 2022. Nhiều trường ĐH đã giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT và tăng chỉ tiêu xét bằng kết quả thi ĐGNL. Một số trường như ĐH KHTN, ĐH KHXH&NV, ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP. HCM) có chỉ tiêu dự kiến cho phương thức này lên đến 60%-70%.
Theo TS Nguyễn Quốc Chính – Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP. HCM, sự gia tăng số lượng trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển và trên cơ sở tham khảo ý kiến từ các trường đã cho thấy cần có những thay đổi thích hợp để đáp ứng nhu cầu. ĐHQG TP. HCM thực hiện nhiều đổi mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh đăng ký xét tuyển và các đơn vị tuyển sinh.
Năm nay ĐHQG TP. HCM lần đầu tiên tổ chức thi tại 17 tỉnh/thành trong cả nước. Thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng. Các nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên, từ cao xuống thấp. Sau khi kết quả thi đợt 1 được công bố, thí sinh có thể đăng ký bổ sung và sắp xếp lại thứ tự nguyện vọng xét tuyển.
Bắt đầu từ ngày 28/1, ĐHQG TP. HCM sẽ mở cổng đăng ký dự thi đợt 1 cho thí sinh, kéo dài đến 28/2/2022. Ngày thi dự kiến là 27/3/2022. Đợt 2 sẽ mở cổng đăng ký ngày 6/4 – 25/4/2022 và ngày thi là 22/5/2022.
Cấu trúc bài thi ĐGNL gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic, phân tích số liệu và Giải quyết vấn đề, nhằm đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh. Bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm, với thời gian làm bài 150 phút, chú trọng đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng của thí sinh.