Chủ tịch TPHCM: Tập trung giải quyết nạn kẹt xe, ngập nước sau dịch
Xã hội - Ngày đăng : 07:21, 26/01/2022
Tối 25/1, lãnh đạo TPHCM tổ chức buổi gặp mặt thường niên với cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài. Buổi gặp mặt diễn ra trong thời điểm, TPHCM sắp bước sang một năm 2022 với nhiều dự định, kế hoạch sau một năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, cách đây khoảng 5 - 6 tháng, không ai có thể nghĩ rằng một buổi họp mặt đông đủ như hôm nay có thể diễn ra. Trong những ngày TPHCM chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, bà con kiều bào ở nước ngoài luôn lo lắng, thậm chí quặn lòng khi nghĩ về thành phố.
"Tết là thời khắc rất thiêng liêng, là quãng thời gian đoàn viên. Bởi, ai đi xa cũng muốn về nhà với gia đình, người thân. Trong năm qua, những cuộc gặp mặt đầm ấm, đông đủ đã không thể diễn ra do dịch Covid-19", Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ.
TPHCM cần thêm thời gian khắc phục
Người đứng đầu chính quyền thành phố bộc bạch, khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 với chủng Delta bắt đầu xuất hiện, địa phương chưa có nhiều hiểu biết về biến chủng mới này. Do vậy, các dự báo, kịch bản ứng phó chưa thể đưa ra đúng mức, cao điểm của đợt dịch khiến TPHCM bị động, lúng túng và chịu nhiểu tổn thất.
"Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã gây ra những tổn thất nặng nề cho cả nước. Đặc biệt, TPHCM cùng các tỉnh, thành phía nam trở thành tâm dịch với những tổn thất nặng nề về sức khỏe, tính mạng của người dân và những hệ lụy đến kinh tế, xã hội. Đến nay, chúng ta vẫn cần nhiều thời gian để khắc phục", ông Phan Văn Mãi chia sẻ.
Phân tích rõ hơn những thiệt hại mà thành phố gặp phải, Chủ tịch UBND TPHCM viện dẫn con số tăng trưởng kinh tế của thành phố trong năm qua giảm đến 6,78% - thấp nhất từ sau thời kỳ đổi mới. Công nghiệp xây dựng và 4 ngành dịch vụ trọng yếu của địa phương cũng suy giảm tăng trưởng rất nặng.
Với những chỉ số vĩ mô giảm sâu, nền kinh tế của toàn thành phố cùng sinh kế của người dân chịu ảnh hưởng nặng nề.
Bên cạnh thông tin tiêu cực, ông Phan Văn Mãi đã đưa ra những điểm sáng trong sự phát triển. Cụ thể, thu ngân sách của địa phương đạt dự toán, thu hút đầu tư nước ngoài FDI tăng trên 38% với 7,38 tỷ USD. Lượng kiều hối của bà con nước ngoài gửi về đạt trên 6,6 tỷ USD,
"Chúng tôi xem nguồn kiều hối là nguồn lực rất lớn và cần những chính sách, nghiên cứu, để thu hút, tạo động lực phát triển mới. Trong năm qua, kiều hối bà con gửi về cũng gần bằng với nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Với một năm đầy khó khăn bởi đại dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, địa phương đạt được những kết quả khả quan trên là do sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết, đùm bọc của bà con thành phố, người dân cả nước và cả đồng bào ta ở nước ngoài.
Hàng loạt vấn đề cần khắc phục sau dịch
Qua đại dịch Covid-19, TPHCM đã bộc lộ nhiều vấn đề lớn trong quản lý, vận hành và phát triển. Những hạn chế đầu tiên được Chủ tịch UBND TPHCM đề cập tới là lĩnh vực quản trị thành phố, cơ cấu các ngành kinh tế với đặc điểm là đô thị 10 triệu dân.
Ngoài ra, dù được nhắc tới là một đô thị thông minh, đô thị sáng tạo, đô thị chuyển đổi số, nhưng hệ thống cơ sở dữ liệu và kết nối dữ liệu để quản trị thành phố chưa được thực hiện tốt thời gian qua. Sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, TPHCM đặt mục tiêu tập trung cho đầu tư hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, trong đó có cơ sở dự liệu và trung tâm điều hành thông minh.
"Đối với các vấn đề văn hóa, xã hội, sau đại dịch, chúng tôi thấy người dân càng bức xúc, chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi những điểm nghẽn như ùn tắc giao thông, ngập nước, nhà ở. Đó là những điều mà thành phố cần tập trung nguồn lực để giải quyết", ông Phan Văn Mãi khẳng định.
Chủ tịch UBND TPHCM thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, địa phương đã tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế. Do vậy, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư tương xứng khiến nhiều vấn đề phức tạp phát sinh. Thành phố sẽ phân bổ thêm nguồn lực để phát triển hạ tầng trong thời gian tới.
Đối với hạ tầng giao thông, TPHCM sẽ chú trọng đến việc hoàn thành các tuyến vành đai 3, vành đai 4, tuyến Metro số 1, số 2 và cao tốc nối TPHCM với các địa phương trong khu vực. TPHCM cũng lên kế hoạch tổ chức lại hệ thống giao thông công cộng trên nền giao thông thông minh nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề ùn tắc.
Để phục hồi và phát triển năm 2022, ông Phan Văn Mãi cho biết, thành phố vẫn xem công tác phòng, chống dịch là điều kiện tiên quyết. Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, những cơ chế đặc thù để hệ thống chính trị từ cơ sở đến thành phố vận hành hiệu quả, một trong số đó là cơ chế đặc riêng cho thành phố Thủ Đức.
"Thành phố Thủ Đức đã thành lập một năm và là mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước. Tuy nhiên, vấn đề hiện tại là cơ chế nào để địa phương này vận hành hiệu quả, không phải 3 quận nhập lại thành một quận lớn hơn", Chủ tịch UBND TPHCM đặt vấn đề.
Đặc biệt, trong năm tới, TPHCM sẽ nghiên cứu để có đề xuất hoàn chỉnh việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, đây là chủ trương của Trung ương và là việc khó đối với TPHCM. Để thực hiện thành công phần việc này, TPHCM cần nhiều bài học kinh nghiệm, sự chia sẻ, góp ý, hỗ trợ của bà con kiều bào ngoài nước.