Sự xuất hiện của BA.2 - chủng phụ của biến chủng Omicron - khiến WHO phải xem xét liệu nó có đặt ra thách thức mới cho các quốc gia trong tiến trình thoát khỏi đại dịch hay không.
BA.2 là chủng phụ của biến chủng Omicron - phiên bản mới nhất của virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh chóng, gây ra sự gia tăng đột biến số ca mắc tại Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới. Các nhà virus học gọi biến chủng Omicron ban đầu là BA.1.
“BA.2 là chủng về sau, khác với BA.1 ở số lượng đột biến, bao gồm cả số lượng đột biến trong gai protein", Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) viết trên trang web. "Các cuộc điều tra về những đặc điểm của BA.2, bao gồm cả đặc tính né tránh miễn dịch và độc lực, nên được ưu tiên tìm hiểu một cách độc lập với BA.1".
Virus đột biến liên tục, và hầu hết virus sẽ đột biến theo những cách vô hại. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy BA.2 có độc lực mạnh hơn, lây lan nhanh hơn hoặc có khả năng né tránh miễn dịch tốt hơn BA.1, theo Washington Post.
"Các biến chủng xuất hiện, rồi các biến chủng lại biến mất", Robert Garry - nhà virus học tại Đại học Y khoa Tulane - cho biết. “Tôi không nghĩ có lý do gì để nghĩ rằng chủng này tệ hơn rất nhiều so với biến chủng Omicron hiện tại".
Câu hỏi mở
Theo các quan chức y tế và phương tiện truyền thông đưa tin, BA.2 được phát hiện ở Ấn Độ, Đan Mạch và Anh, cùng các quốc gia khác. Ở châu Âu, chủng này xuất hiện nhiều nhất ở Đan Mạch. Điều này có thể là do quốc gia vùng Scandinavia có khả năng xây dựng chương trình giải trình tự bộ gene của virus nhanh và tân tiến hơn.
Mỹ đã xác nhận ít nhất ba trường hợp nhiễm chủng BA.2 tại Bệnh viện Houston Methodist ở Texas - nơi cũng đang nghiên cứu cấu trúc gene của các mẫu virus từ bệnh nhân.