Di chứng "sương mù não" hậu COVID-19: Tại sao COVID-19 gây ra sương mù não? Cần làm gì để sương mù não sớm biến mất?

Tin Y tế - Ngày đăng : 20:04, 25/01/2022

Sương mù não là thuật ngữ chỉ các triệu chứng liên quan đến tình trạng rối loạn hệ thần kinh thực vật, thiếu máu lên não.

Hậu COVID-19, có vô số những hội chứng mới được ghi nhận, một trong số những hội chứng phổ biến nhất và bí ẩn nhất đó chính là "sương mù não". Đến nay, các nhà khoa học vẫn đang phải đau đầu trong việc tìm hiểu và nghiên cứu những thông tin xung quanh hội chứng này.

Sương mù não là gì?


Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (chuyên gia điều trị rối loạn hệ thần kinh thực vật, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng), sương mù não là thuật ngữ chỉ các triệu chứng liên quan đến tình trạng rối loạn hệ thần kinh thực vật, thiếu máu lên não.

Trong quá trình tư vấn cho bệnh nhân mắc Covid-19, BS Nguyễn Huy Hoàng nhận thấy bệnh nhân có hiện tượng sương mù não chiếm khoảng 20-30%, chủ yếu là người 50 tuổi trở lên.

suong-mu-nao-covid-19-1.jpg

Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học California (Mỹ) cho thấy: Sau khi lấy mẫu dịch não tuỷ từ 17 F0 đã khỏi bệnh khoảng 10 tháng sau khi mắc COVID-19 thể nhẹ. 13 người trong đó đã trải qua những dấu hiệu dai dẳng của sương mù não, trong 13 người này thì 10 người cho thấy có sự hiện diện của chứng viêm thần kinh và lượng kháng thể miễn dịch bất thường.

Hội chứng sương mù não khiến cho người bệnh bị lú lẫn, không thể tập trung hoặc khó đưa ra quyết định, thường xuyên đưa ra lặp đi lặp lại các câu hỏi giống nhau và không thể làm theo hướng dẫn, sau đó thì nhanh chóng cáu gắt.

COVID-19 ảnh hưởng đến não như thế nào? Vì sao COVID-19 gây sương mù não?


Có nhiều cách mà COVID-19 có thể gây hại cho não. COVID-19 có thể gây viêm não, đột quỵ và thiếu oxy lên não. Nhưng cũng có những tác động khác phức tạp hơn, ví dụ như suy giảm liên tục sự chú ý.

Nguyên nhân gây sương mù não có thể liên quan đến việc các tổ chức, tế bào thần kinh bị virus xâm nhập và tình trạng viêm lan tỏa do hậu quả của Covid-19. Sương mù não cũng được cho là do bệnh nhân đã quá lo lắng, dẫn đến việc căng thẳng quá độ, mất ngủ, ăn kém, suy nghĩ nhiều, sau đó ảnh hưởng đến hành vi và tâm trạng.

suong-mu-nao-covid-19-2.jpg

Bên cạnh đó, người mắc COVID-19 thường có mạch máu, đặc biệt là mạch máu nhỏ bị tổn thương, điều đó khiến cho khả năng lưu thông máu lên não kém đi, từ đó dẫn đến tình trạng rối loạn thần kinh thực vật, thiểu năng tuần hoàn não, làm nặng nề hơn tình trạng sương mù não.

Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến não, COVID-19 còn có thể ảnh hưởng lâu dài đến các hệ cơ quan khác, bao gồm mệt mỏi, đau nhức cơ thể, không thể tập thể dục, đau đầu và khó ngủ. Một số vấn đề này có thể là do phổi, tim, thận hoặc các cơ quan khác của họ bị tổn thương vĩnh viễn.

Chúng ta cần làm gì khi mắc di chứng "sương mù não" hậu COVID-19


Điều đầu tiên và quan trọng nhất cần làm là đến gặp bác sĩ và chia sẻ với họ tất cả các triệu chứng mà bạn đang gặp phải. Chúng bao gồm sương mù não của bạn và các triệu chứng thần kinh khác (chẳng hạn như suy nhược, tê, ngứa ran, mất khứu giác hoặc vị giác), và các vấn đề như khó thở, đánh trống ngực và nước tiểu hoặc phân bất thường.

suong-mu-nao-covid-19-3.jpg

Để giúp di chứng "sương mù não" sớm biến mất, bạn cũng có thể thực hiện một số việc sau đây:

- Thực hiện các bài tập thể dục nhịp điệu nhẹ nhàng. Mặc dù không có “liều lượng” tập thể dục nào được thiết lập để cải thiện sức khỏe não bộ, nhưng thông thường bạn nên tập 30 phút mỗi ngày, năm ngày một tuần.

- Ăn các bữa ăn kiểu Địa Trung Hải. Một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm dầu ô liu, trái cây và rau, các loại hạt và đậu, ngũ cốc nguyên hạt đã được chứng minh là có tác dụng cải thiện khả năng tư duy, trí nhớ và sức khỏe não bộ.

- Tránh rượu bia. Rượu bia có chứa chất cồn có thể đe dọa sức khỏe não bộ.

- Ngủ đủ, ngủ sớm. Ngủ là thời gian mà não và cơ thể có thể đào thải chất độc ra ngoài và hướng tới việc chữa bệnh. Bạn cần đảm bảo mình đi ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày, đi ngủ sớm trước 23h đêm.