Làm ở đâu để lương cao?

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 13:35, 25/01/2022

Dựa trên báo cáo của các doanh nghiệp, tiền lương bình quân của người lao động năm 2021 ước đạt 7,84 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2020.

Bộ LĐ-TB&XH đã công bố mức tiền lương bình quân của người lao động năm 2021 ước đạt 7,84 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội thông tin mức tiền lương cao nhất thuộc về công ty có cổ phần vốn góp chi phối của nhà nước là 185,5 triệu đồng/người/tháng.

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, lao động không có việc làm và thất nghiệp tăng. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động với hàng loạt giải pháp nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh quay trở lại thành phố làm việc.

Thị trường lao động cuối năm có dấu hiệu phục hồi khi số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng tăng. Điều này thể hiện rõ ở mức tiền lương trung bình của người lao động năm 2021 được Bộ LĐ-TB&XH công bố.

Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, tiền lương của người lao động trung bình 9,13 triệu đồng/tháng. Doanh nghiệp dân doanh,mức tiền lương 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 5% so với năm 2020. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tiền lương của người lao động trung bình là 8,26 triệu đồng/tháng, tăng 2% so với năm trước.

Làm ở đâu để lương cao? - Ảnh 1.

Tiền lương bình quân của người lao động tăng 4%. Ảnh minh họa.

Sở dĩ tiền lương bình quân của người lao động tăng 4% như vậy được đại diện Bộ LĐ-TB&XH lý giải từ 2 nguyên nhân.

"Việt Nam là được ghi nhận là nước có thành tựu đặc biệt trong công tác phòng chống dịch và vẫn có tăng trưởng dương. Đối với đơn hàng của những doanh nghiệp có thâm dụng lao động như dệt may, da giày thuỷ sản, điện tử, chế biến gỗ… thì đơn hàng tăng lên rất lớn. Từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 để linh hoạt phòng chống dịch thì có biện pháp tăng lương để thu hút lao động quay trở lại làm việc. Ngoài ra, các cơ chế chính sách tiền lương của doanh nghiệp cũng thường có xu hướng là người lao động được tăng lương theo hàng năm", bà Nguyễn Huyền Lê - Trưởng phòng Tiền lương, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH cho hay.

Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, những năm trước khi có dịch thì tiền lương thực tế và tiền lương danh nghĩa đều tăng cao. Năm 2021, tiền lương danh nghĩa tăng 4% nhưng theo CPI tăng trưởng tiền lương vẫn thấp hơn so với năm trước.

Bên cạnh đó, bức tranh tiền thưởng 2021 cũng có sự khác biệt do doanh nghiệp bị mất nhiều chi phí về logictics, các khoản chi phí liên quan đến phòng chống dịch làm đội chi phí lên, hiêu quả kinh tế của doanh nghiệp giảm, do đó kéo theo tiền thưởng cũng bị giảm so với xu hướng của những năm trước khi có dịch.