Tận dụng lều, lán cách ly người từ vùng dịch về quê ăn Tết
Xã hội - Ngày đăng : 11:07, 25/01/2022
Sáng 25/1, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đức Đồng - Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, Thanh Hóa - xác nhận và cho biết đang chỉ đạo kiểm tra lại vấn đề này. "Nếu trong thời gian gần đây, xã Thanh Phong làm sai thì sẽ chấn chỉnh ngay" - ông Đồng khẳng định.
Cũng theo Chủ tịch huyện Như Xuân, quan điểm của huyện là thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh, không có những chỉ đạo phải dựng lều, lán để người dân về cách ly ăn Tết. Những lều lán này đã có từ trước, không phải bắt đầu mới có gần đây.
Theo đó, trong đợt dịch thứ tư năm 2021 bùng phát, thực hiện việc đón lao động từ miền Nam về quê tránh dịch, huyện Như Xuân có chỉ đạo làm các khu cách ly. Hiện những lều, lán này đang tồn tại, không chỉ riêng xã Thanh Phong mà nhiều xã khác trên địa bàn huyện Như Xuân cũng còn những lều, lán như thế này.
"Đối với khu vực miền núi, điều kiện của đồng bào không giống như đồng bằng, thành phố, có khi cả nhà ngủ chung một giường, chỉ có một công trình vệ sinh sử dụng chung. Trong khi những người từ địa phương khác về thuộc diện phải cách ly thì công dân cách ly tại những lều, lán này. Nếu người dân không nằm trong đối tượng mà bắt đi cách ly là sai. Ở khu cách ly của huyện còn hơn 100 giường nhưng không có ai ở cả, đang phải thuê bảo vệ trông coi" - ông Đồng nhấn mạnh.
Hiện UBND huyện Như Xuân đang yêu cầu tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh Thanh Hóa.
Trước đó, theo phản ánh của người dân từ đầu tháng 1/2022, tại xã Thanh Phong (huyện Như Xuân) đã dựng lều, lán bằng tre luồng trong khuôn viên nhà văn hóa thôn Quang Hùng cũ và Trung tâm văn hóa để làm nơi cách ly cho người thuộc diện cách ly khi trở về địa phương ăn Tết.
Qua tìm hiểu được biết, tại địa phương này có nhiều khu lều, lán và nhà văn hóa thôn với hàng chục phòng riêng biệt. Trong các phòng được bố trí giường đơn, điện và wifi miễn phí để phục vụ nhu cầu người dân.
Trong thời gian thực hiện cách ly, việc ăn uống được người thân, gia đình của người cách ly mang đến. Ngoài ra, các đoàn thể của xã Thanh Phong cũng đã tổ chức nhiều buổi nấu ăn tập trung để hỗ trợ người cách ly.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Thanh Phong - cho biết: "Nhu cầu của cộng đồng dân cư, bà con có nguyện vọng khi con em về quê ăn Tết, nhà không đủ điều kiện nên đề xuất chính quyền, tận dụng vật liệu sẵn có ở địa phương làm các lều, lán cho con em về ở".
Cũng theo ông Tuấn, vừa qua xã có tổ chức các khu cách ly bằng nhà tranh được tận dụng lại khu cách ly cũ từ năm 2021. Đến ngày 25/1 không còn công dân nào đang thực hiện cách ly.
"Đây là nguyện vọng của cộng đồng dân cư nên làm để một số con em ở vùng đỏ về ở, để an toàn cho gia đình. Từ đầu tháng 1/2022 đến nay, có khoảng gần 200 công dân rải rác về địa phương. Đến thời điểm này, được sự đồng thuận của người dân nên công tác phòng, chống dịch trên địa bàn xã Thanh Phong được đảm bảo.
Nếu như bà con có nguyện vọng, nhà không đủ điều kiện, không muốn về nhà mà muốn ở tại khu cách ly thì xã vẫn tạo điều kiện để bà con ở. Một số công dân chưa được tiêm vaccine thì nguy cơ lây nhiễm rất cao" - ông Tuấn chia sẻ.
Liên quan đến câu chuyện công dân từ các địa phương khác về quê ăn Tết, trước đó, thành phố Thanh Hóa cũng từng có thư ngỏ trong đó khuyến cáo người dân vận động con em, người thân sinh sống, học tập, công tác xa quê tạm thời không về quê nếu không thực sự cần thiết, nhất là dịp Tết.
Còn tại xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, chính quyền đã thực hiện khóa trái cổng đối với công dân từ các địa phương khác về quê ăn Tết. Tuy nhiên, sau khi nắm bắt được thông tin, UBND huyện này đã chỉ đạo tháo dỡ khóa và thực hiện công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của trung ương và của tỉnh.
Bộ Y tế mới có công văn gửi các địa phương về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê nhân dịp Tết Nguyên đán.
Theo đó, hiện nay, tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại các tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ cao. Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2022 và đảm bảo công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai các nội dung sau.
Thứ nhất, hướng dẫn người dân về quê nhân dịp Tết Nguyên đán thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gồm thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe, không phải cách ly y tế. Nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở... thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-COV-2 và xử trí theo quy định.
Thứ 2, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp.
Bộ Y tế nhận định, tại Việt Nam, đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên dịch vẫn diễn biến phức tạp và khó lường do bản chất của virus có đột biến liên tục và đã ghi nhận nhiều biến thể mới nguy hiểm hơn (4-6 tháng xuất hiện biến thể mới). Bên cạnh đó, biến thể Delta, Omicron với tốc độ lây lan nhanh, rộng trên thế giới. Mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng. Nghị quyết số 128/NQ-CP các hoạt động xã hội trở lại bình thường, người dân giao lưu đi lại.
Ngoài ra, từ ngày 1/1/2022, nước ta mở cửa chuyến bay thương mại, du khách đi du lịch Việt Nam, người Việt từ nước ngoài về đón Tết..., vì thế nguy cơ tiếp tục xâm nhập các ca nhiễm biến thể Omicron. Thời gian tới Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nghỉ dài, giao lưu, chúc Tết, đoàn tụ gia đình. Hơn nữa người dân còn chủ quan sau khi được tiêm đầy đủ các mũi vaccine, chưa thực hiện nghiêm 5K.