Cập nhật chỉ định tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 cho bệnh nhân ung thư

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 20:28, 24/01/2022

Mạng lưới hướng dẫn thực hành lâm sàng ung thư Hoa kỳ - NCCN khuyến cáo mạnh mẽ tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 cho các bệnh nhân ung thư có suy giảm miễn dịch.

CDC Hoa Kỳ định nghĩa người có suy giảm miễn dịch vừa và nặng bao gồm:

- Đang điều trị bệnh ung thư cho các khối u hoặc ung thư máu.

- Đã được ghép tạng và đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.

- Đã được ghép tế bào gốc trong vòng 2 năm qua hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.

- Suy giảm miễn dịch nguyên phát trung bình hoặc nặng (hội chứng DiGeorge, hội chứng Wiskott-Aldrich).

- Nhiễm HIV giai đoạn nặng hoặc không được điều trị.

- Điều trị corticosteroid liều cao hoặc các loại thuốc khác có thể ức chế đáp ứng miễn dịch.

Hiện tại, Mạng lưới hướng dẫn thực hành lâm sàng ung thư Hoa kỳ - NCCN khuyến cáo mạnh mẽ tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 cho các bệnh nhân ung thư có suy giảm miễn dịch trong phiên bản 5.0, ngày 4/1/2022.

Cập nhật chỉ định tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 cho bệnh nhân ung thư - 1

Ảnh minh họa: A.A.

Cụ thể:

- Khối u ác tính (solid tumor malignancies)

Theo bác sĩ Hoàng Đào Chinh, khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Viện Ung thư,  Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, NCCN khuyến cáo tiêm mũi 3 cho bệnh nhân được điều trị ung thư trong vòng một năm tính từ mũi tiêm vaccine đầu tiên. Khuyến cáo này áp dụng cho tất cả các liệu pháp điều trị ung thư, bao gồm không giới hạn tới hóa trị, điều trị đích, điều trị miễn dịch, điều trị nội tiết, phẫu thuật, xạ trị.

Ngoài ra, những bệnh nhân mới được chẩn đoán ung thư hoặc tái phát sẽ được điều trị ung thư cũng nằm trong số những bệnh nhân được ưu tiên tiêm mũi 3.

- Ung thư máu (hematologic malignancies)

NCCN khuyến cáo tất cả các bệnh nhân ung thư máu có tổn thương ác tính đang hoạt động nên tiêm mũi 3 bất kể họ có đang điều trị ung thư hay không. Lý do cho khuyến cáo này là những bệnh nhân ung thư máu có nguy cơ cao về đáp ứng miễn dịch kém với tiêm chủng do suy giảm miễn dịch gây ra bởi bệnh hoặc liệu pháp điều trị ung thư.

Ví dụ, các bệnh nhân bị ung thư hạch Hodgkin hoặc không Hodgkin, bệnh bạch cầu lympho mãn tính, đa u tủy, hội chứng loạn sản tủy hoặc nhóm bệnh tăng sinh tủy ác tính nên được ưu tiên tiêm mũi 3 ngay cả khi không điều trị tích cực.

- Ghép tế bào tạo máu và liệu pháp tế bào

NCCN khuyến cáo tiêm mũi 3 ở những bệnh nhân được cấy ghép tế bào tạo máu và những người được điều trị bằng liệu pháp tế bào (ví dụ CAR T-cells), ưu tiên những người dưới 2 năm sau thủ thuật.

- Ung thư và các tình trạng ức chế miễn dịch khác

NCCN khuyến cáo tiêm mũi 3 cho bệnh nhân ung thư có các tình trạng suy giảm miễn dịch đồng thời khác như nhiễm HIV hoặc các bệnh tự miễn. Ngoài ra, các bệnh nhân ung thư được điều trị corticosteroid đường uống hoặc tiêm và các thuốc ức chế miễn dịch khác tách biệt với liệu pháp điều trị ung thư nên được ưu tiên tiêm mũi 3.

Thời gian tiêm mũi 3:  CDC Hoa Kỳ khuyến cáo nên tiêm mũi 3 vaccine mRNA Covid-19 ít nhất bốn tuần sau khi tiêm mũi 2 của vaccine Pfizer-BioNTech hoặc Moderna. Đối với những người đã tiêm vaccine Pfizer-BioNTech hoặc Moderna Covid-19, nên tiêm mũi 3 cùng một loại vaccine mRNA nếu có thể. Nếu không có vaccine mRNA tương tự để tiêm mũi 3 hoặc nếu vaccine trước đó không xác định, thì có thể sử dụng vaccine mRNA Covid-19.

Những bệnh nhân đã hoàn thành tiêm chủng đầy đủ bất kỳ loại vaccine Covid-19 nào được WHO liệt kê để sử dụng khẩn cấp (ví dụ: Astra Zeneca, Sinovac, Covaxin) được coi là đã được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, bệnh nhân ung thư và các bệnh nhân suy giảm miễn dịch khác nên tiêm liều thứ ba của vaccine mRNA ít nhất 28 ngày sau khi nhận liều vaccine thứ hai ( ≥12 tuổi), và những người ≥18 tuổi tiêm nhắc lại ít nhất 6 tháng sau khi hoàn thành ba mũi tiêm ban đầu.

Hà An