TP.HCM lên kế hoạch chia sẻ thông tin công dân giữa các cơ sở dữ liệu

Cuộc sống số - Ngày đăng : 16:13, 23/01/2022

Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, các cơ sở dữ liệu về hộ tịch điện tử, cư trú, căn cước công dân, y tế cùng những cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác sẽ cung cấp thông tin công dân cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Kế hoạch khẩn về triển khai một số nội dung chuẩn bị thực hiện kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư với các dữ liệu quốc gia, CSDL chuyên ngành tại TP.HCM được lãnh đạo UBND thành phố ban hành mới đây.

TP.HCM lên kế hoạch chia sẻ thông tin công dân giữa các cơ sở dữ liệu
Kế hoạch nhằm đảm bảo việc cung cấp dữ liệu thông tin công dân thuộc lĩnh vực các sở, ban, ngành quản lý cho CSDL quốc gia về dân cư được thống nhất, đầy đủ, chính xác, kịp thời (Ảnh minh họa)

Theo kế hoạch, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức quản lý CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành nếu có sự thay đổi về thông tin liên quan đến công dân trong CSDL quốc gia về dân cư thì phải bảo đảm điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 137 ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân và phải thực hiện kết nối với CSDL quốc gia về dân cư.

Việc sử dụng thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư tuân thủ theo quy định tại Điều 11 của Nghị định 137 năm 2015 và Nghị định 37 ngày 29/3/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 137.

Đối với việc chia sẻ thông tin công dân giữa các CSDL, UBND TP.HCM hướng dẫn rõ: CSDL quốc gia về dân cư chia sẻ thông tin về công dân cho CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành và Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện công tác quản lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

CSDL hộ tịch điện tử, CSDL về cư trú, CSDL Căn cước công dân, CSDL về y tế và CSDL chuyên ngành khác cung cấp thông tin về công dân cho CSDL quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật để bảo đảm sự thống nhất, đầy đủ, chính xác và kịp thời của thông tin.

Các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức chia sẻ dữ liệu thông tin công dân thuộc lĩnh vực quản lý để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và công tác quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Việc kết nối, chia sẻ thông tin về công dân ngoài các nội dung trên phải thực hiện theo hướng dẫn của các bộ, ngành và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Lãnh đạo UBND TP.HCM giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức triển khai nội dung cụ thể khi Bộ Công an hướng dẫn việc kết nối, chia sẻ giữa CSDL quốc gia về dân cư với CSDL khác.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT, các sở, ngành có liên quan, UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức thường xuyên đánh giá, kiểm tra lỗ hổng bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin khi thực hiện kết nối, chia sẻ giữa CSDL khác với CSDL quốc gia về dân cư.

Sở TT&TT thành phố có trách nhiệm bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, đường truyền kết nối, quản lý, duy trì, vận hành, phát triển Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP của thành phố sẵn sàng kết nối liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đáp ứng yêu cầu kết nối giữa CSDL quốc gia về dân cư và các CSDL khác tại TP.HCM.

Sở TT&TT cũng được giao phối hợp với Văn phòng UBND thành phố duy trì, vận hành trục liên thông văn bản quốc gia đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với UBND thành phố phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, tỉnh. Cùng với đó, hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức hoàn thiện CSDL, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối, chia sẻ.

Trước đó, vào ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án hướng tới mục tiêu ứng dụng CSDL về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích gồm: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Vân Anh