Di chứng “sương mù não”, người từng F0 lạc vào thế giới đãng trí, mệt mỏi

Tin Y tế - Ngày đăng : 10:57, 23/01/2022

TPHCM -  Trong hơn 200 triệu chứng hậu COVID-19 mà thế giới đã ghi nhận, hội chứng “sương mù não” cũng là triệu chứng gặp thường xuyên ở những người mắc di chứng hậu COVID-19 . Nếu không được can thiệp sớm, bệnh nhân sẽ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe.

Sau khi mắc COVID-19, bà N.T.T (53 tuổi, quận Phú Nhuận) thường xuyên vật lộn với bản thân vì các triệu chứng quên trước, quên sau trong sinh hoạt hằng ngày.

“Có rất nhiều lần tôi muốn lấy gì đó, khi tới chỗ lấy đồ thì lại quên là mình cần lấy gì. Ví dụ, tôi đi vào tủ lạnh để lấy đồ ăn nhưng vào tới nơi thì lại luẩn quẩn trong đầu không biết mình vào bếp làm gì”, bà N.T.T chia sẻ.

Bệnh nhân điều trị di chứng hậu COVID-19. Ảnh: Nguyễn Ly
Bệnh nhân điều trị di chứng hậu COVID-19. Ảnh: Nguyễn Ly

Không chỉ đãng trí, bà T còn có nhiều cảm xúc bất thường, nhạy cảm hơn trước, mọi vấn đề và lời nói của những người xung quanh dù là đơn giản nhất nhưng cũng khiến bà T cáu gắt, suy nghĩ tiêu cực hơn.

“Tôi không biết mọi người bị hậu COVID-19 như thế nào, nhưng riêng tôi đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và mối quan hệ gia đình mình”, bà T nói thêm.

Theo các chuyên gia, hội chứng "não sương mù" hay còn gọi là hội chứng "sương mù não" mô tả một hoạt động não của người bệnh hoạt động không còn trơn tru, nhanh nhạy giống như ban đầu, họ khó tập trung, mau quên, khó đưa ra các quyết định dù vấn đề đó rất đơn giản.

TS.BS Nguyễn Như Vinh – Trưởng khoa Thăm dò chức năng Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết: “Trong quá trình chúng tôi thăm khám, điều trị cho bệnh nhân gặp hội chứng sương mù não, bệnh lý này gặp ở nhiều độ tuổi từ già đến trẻ đều có thể gặp phải, khi tinh thần không thoải mái sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chức năng khác của cơ thể”.

Nguyên nhân của "sương mù não" có thể liên quan đến việc các tổ chức, tế bào thần kinh bị virus xâm nhập và tình trạng viêm lan tỏa (bao gồm cả hệ thống thần kinh) do hậu quả của COVID-19.

"Sương mù não" cũng được cho là do bệnh nhân bị lo lắng, căng thẳng dẫn đến ăn ngủ kém, suy nghĩ nhiều, ảnh hưởng đến tâm trạng, hành vi. Ngoài ra, khi nhiễm bệnh, các mạch máu, nhất là các mạch máu nhỏ, bị tổn thương hậu COVID-19, khiến khả năng lưu thông máu lên não kém đi, từ đó dẫn đến tình trạng rối loạn thần kinh thực vật, thiểu năng tuần hoàn não, làm nặng nề hơn tình trạng "sương mù não".

“Những nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy rằng, các trường hợp sương mù não này có thể tự động biến mất, thời gian tùy thuộc vào thể trạng sức khỏe của mỗi người.

Điều quan trọng là bệnh nhân phải ăn uống, tập thể dục để cơ thể ở trạng thái thoải mái nhất để bình phục nhanh hơn. Đặc biệt, hiện nay chưa có bất kỳ loại thuốc nào uống vào để chữa những triệu chứng hội chứng hậu COVID-19, tất cả chỉ có điều trị theo triệu chứng, nên có bất kỳ ai giới thiệu chúng ta mua thuốc đặc trị hậu COVID-19 thì điều này là vô lý”, TS.BS Nguyễn Như Vinh nhấn mạnh.

NGUYỄN LY