Rêu phong trên nghĩa trang các thái giám ở chùa Từ Hiếu
Xã hội - Ngày đăng : 16:13, 22/01/2022
Sáng 22/1/2022, hàng ngàn người đã tìm về chùa Từ Hiếu, phường Thủy Xuân, cố đô Huế. Đêm qua, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch tại đây. Đoàn người đông đảo xếp hàng trong im lặng đến để nhìn mặt Sư Ông lần cuối.
Từ Festival Huế lần đầu tiên năm 2004, chùa vắng lại thêm một lần tấp nập... Từ năm 1893, ngôi chùa đó đã là một biểu tượng của sự ẩn thân lặng lẽ. Ngôi chùa luôn nổi tiếng và im ắng như ý nguyện náu thân trong hư vô cõi Phật bởi ngay từ đầu, chùa Từ Hiếu đã được dựng nên bởi căn nguyện của một lớp người không mong danh lợi ồn ào. Chùa được gọi dân dã bằng bằng một cái tên khác: Chùa Thái Giám.
Cấm cung cố sự
Có lẽ, họ là lớp người chiếm số lượng ít nhất (và không thể xác định) trong đời sống xã hội phong kiến. Họ không thuộc về bất kỳ một giai cấp nào, bởi sinh ra để làm nô bộc, nhưng ân sủng và quyền hạn đạt được rất lớn, đôi khi còn lấn át cả các bậc công hầu.
Họ là các thái giám.
Suốt đời sống trong cung cấm nhưng không được bàn dự việc triều đình. Họ chẳng thụôc hàng quan lực, cũng không mấy khi được ló mặt ra đường, tên tuổi họ không thuộc về chính sử. Không có con cái nối dõi, số phận còn bắt họ phải chối bỏ họ hàng quyến thuộc, nên khi lìa đời, họ cũng chẳng có kẻ khói hương. Sinh ra trong khiếm khuyết, các thái giám ra đi trong quên lãng. Vết tích duy nhất về họ còn lưu lại đến ngày nay là vài mươi ngôi mộ ẩn sau bốn bức tường rêu phủ nằm trong khuôn viên chùa Từ Hiếu (TP Huế), một ngôi chùa vẫn được gọi bằng cái tên khác là “Chùa Thái Giám”.
Người đời nhất là cánh đàn ông thường bảo “sướng như vua” để bày tỏ lòng ao ước và nỗi... ghen tị về một sự hưởng thụ vương giả khi bên cạnh luôn có hàng trăm cung tần mỹ nữ chờ đợi và chiều chuộng. Thế nhưng, những ông vua thực sự chưa chắc đã nghĩ thế. Thậm chí đời sống đế vương trong chốn hậu cung đối với họ còn là một nỗi khổ ải, cực hình.
Vua Gia Long (1762 - 1820), người có tới hàng chục năm bôn tẩu, chinh chiến trước khi đoạt được quyền lực và ngai vàng (1802), khi lên làm vua có tới hơn 100 phi thứ cung tần đã từng phải ngửa mặt than: “Trị nước còn dễ dàng hơn, không khó nhọc bằng trị chốn nội cung của mình”.
Trong một lần “giãi bày tâm sự” riêng tư với Đức J.B.Chaigneau, một cận thần người Pháp của mình, Vua Gia Long đã phải lắc đầu ngao ngán:
"Khanh không thể tưởng tượng nổi cái gì đang đợi trẫm ở đấy (chốn hậu cung) đâu. Vào trong đó, trẫm phải gặp một lũ quỷ sứ thật sự. Chúng cãi vã nhau, cấu xé nhau, phỉ báng nhau và sau đó tất cả cùng chạy đến cầu xin trẫm phân xử... Trẫm sẽ ở giữa một đám yêu phụ làm trẫm điếc tai nhức óc".
Tuy khốn khổ vì số lượng “các bà” quá dư thừa, quá nhiễu sự, nhưng Vua Gia Long cũng như tất cả các ông vua khác của triều Nguyễn vẫn không thể loại bỏ bớt số lượng phi, tần, bởi lẽ, họ hầu hết đều là con gái của các quan đại thần đang nắm giữ các vị trí “lương đống” của quốc gia, được vua đồng ý “nạp thiếp” như một lời hứa bảo đảm địa vị chính trị hoặc một thứ ân sủng.
Theo thời gian, dù tuổi tác của vua ngày một tăng thì hàng năm, các vị đại thần vẫn tiếp tục đem dâng các cô con gái xinh đẹp vừa chớm tuổi cập kê của mình lên cho “Ngài Ngự”. Để bảo đảm không xảy ra bất hòa, hiềm khích, chia rẽ giữa đám trọng thần, các bậc đế vương lại đành nhắm mắt chấp nhận thêm một mớ “quỷ sứ” vốn đã đầy kín trong thâm cung lãnh viện.
Trong thực tế, các hoàng đế triều Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh... mỗi người đều có hơn 100 phi tần. Ngôi “quán quân” thụôc về Vua Minh Mạng. Ông có đến 236 bà vợ.
Ngay sau khi Minh Mệnh đăng quang (14/2/1820), quan ngự y Lê Quốc Chước (ông cố ngoại của TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm, nhà khoa học đã điều chế ra các loại trà, viên nang Trinh Nữ Hoàng Cung ngừa trị u xơ tử cung cho phụ nữ và ngăn trị chứng phì đại, ung thư tiền liệt tuyến cho đàn ông) đã chế ra một thứ rượu bổ có công dụng “giúp vua” nhất dạ ngũ giao tam hữu tử” và kích thích tiêu hóa, bồi bổ sức khỏe. Công dụng của thứ rượu bổ này đến mức nào, người phàm không phải là vua, không được dùng e khó biết nhưng sự thật là vua Minh Mạng đã có đến 142 người con, 78 hoàng tử và 64 công chúa.
Vua Tự Đức thậm chí còn đáng buồn hơn, hơn trăm bà vẫn không thể có con dù là trai nối dõi hay gái phụng thờ. Ông phải nuôi ba người con nuôi, sau này đều lên ngôi hoàng đế. Người thứ nhất là Ưng Chân (1852-1885), con trai của Hường Y Thoại Thái Vương, lên ngôi trở thành vua Dục Đức, ở ngôi chỉ 3 ngày đã bị Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường truất ngôi và bức tử. Người thứ hai là Ưng Đăng (1869-1884), con thứ ba của Hồng Cai Kiến Thái Vương, làm vua lây niên hiệu Kiến Phúc, ở ngôi 8 tháng thì bị bệnh băng hà. Người thứ ba là Ưng Kỷ (1864-1889), con trai trưởng của Hồng Cai Kiến Thái Vương, sau khi vua Hàm Nghi bôn tẩu (14/9/1885) được Pháp đưa lên làm vua lấy hiệu là Đồng Khánh, ở ngôi được 4 năm thì mất.
Thân phận 'những kẻ mặc áo lụa xanh'
Để tổ chức quản lý đám cung tần mỹ nữ quá đông đúc và rắc rối trong hậu cung, một lớp thái giám đã được đưa vào Tử Cấm thành. Công việc của họ là hầu hạ nhà vua trong các công việc liên quan đến chuyện gối chăn. Họ phải sắp xếp thứ tự, lên danh sách các phi, tần và sắp xếp lịch, giờ để vua “ngự dâm”.
Mỗi lần vua “treo đèn lồng đỏ” tại phòng của phi tần nào, các thái giám đều phải cẩn thận ghi chép lại danh tính của bà phi đó, cùng với giờ giấc, ngày tháng cẩn thận để sau này nếu bà phi có con với vua sẽ được xác nhận, tránh sự nhầm lẫn tai hại có thể xảy ra. Một số thái giám khác được điều sang phục dịch, hầu hạ các cung phi góa bụa của vua đời trước tại cấm cung hoặc các lăng tẩm.
Để phân biệt với lớp quan lại, họ được cấp một loại trang phục riêng bằng lụa xanh, dệt hoa trước ngực, đội một thứ mũ cứng hoặc khăn đóng. Khi sống, họ lo phục dịch trong Tử Cấm thành hoặc lăng tẩm. Đến khi già yếu, họ buộc phải rời Đại nội, ra dưỡng bệnh hoặc nằm chờ chết tại một tòa nhà ở phía Bắc Hoàng thành, gọi là Cung Giám viện, không được chết cùng nơi vốn là chốn dành riêng cho vua chúa hoặc Hoàng gia.
Dưới tirều Gia Long, các thái giám vẫn còn được tham gia quốc sự. Ngay từ khi mới xưng vương ở miền Nam, Gia Long đã đặc biệt tin cẩn, cất nhắc một Thái giám Lê Văn Duyệt. Phù Nguyễn Ánh, lập nhiều công trọng nên khi Gia Long lên ngôi, Lê Văn Duyệt đã được phong Tổng trấn Gia Định thành, thực quyền như một vị phó vương tại phương Nam.
Theo bài viết của Công sứ A.Laborde đăng trong tập V bộ B.A.K.H (Những người bạn của cố đô Huế), năm 1918 thì đến triều Minh Mạng, Tả quân Lê Văn Duyệt đã bị tân vương ghét bỏ vì hai lý do. Thứ nhất là vì ông ủng hộ Hoàng Tử Anh, cháu nội của dòng chính lên ngôi vua, phản đối sự kế vị Gia Long của Hoàng tử Đảm (vua Minh Mạng). Tiếp đó, với tư cách một đại thần đương triều, Tả quân Lê Văn Duyệt đã công khai chỉ trích thái độ “bài Tây” – ngược với Gia Long của vua Minh Mạng. Ngoài ra, ông còn bị coi là ngông nghênh, hỗn xược khi quân - dù không tuyên dụ - khi đến trước tân vương vẫn giữ đặc ân của tiền triều là "nhập triều bất bái".
Đã thế, "phó vương" còn cả gan giết cả Huỳnh Công Lý, cha của một sủng phi của Hoàng Đế Minh Mạng. Tuy nhiên, do uy tín, vị trí của Lê Văn Duyệt tại Nam kỳ quá lớn nên sau khi ông mất (1832), hành động trả thù của vua Minh Mạng mới diễn ra. Hàng loạt bà con thân thích, tay chân của Lê Văn Duyệt đã bị bãi chức, tống ngục. Phần nào, nó là nguyên nhân dẫn đến cuộc bạo loạn do Lê Văn Khôi - con nuôi của Lê Văn Duyệt khởi xướng. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, bạo loạn Lê Văn Khôi đã bị dập tắt.
Từ mối ác cảm này đồng thời để hạn chế sự lộng hành của các thái giám, ngày 17/3/1836, Vua Minh Mạng đã ban bố một tờ dụ khắc vào bia Văn Miếu ở Huế, trong đó quy định rõ các thái giám tuyệt đối không được tham gia triều chính, không được xếp vào quan phẩm. Thay vào đó, đội ngũ thái giám được chia thành 5 đẳng trật: Thủ đẳng, Thứ đẳng, Trung đẳng, Á đẳng và Hạ đẳng, mỗi đẳng trật lại chia thành 2 cấp với bổng lộc hằng tháng từ 24 quan tiền, 24 bát gạo đến 72 quan tiền và 72 bát gạo. Đến đời Vua Thành Thái năm thứ 2 (1890), chế độ lương trả bằng tiền và lúa bị xóa bỏ, thay bằng lương trả chỉ bằng tiền với 7 mức từ 180 đồng đến 540 đồng/năm.
Trở thành thái giám, tuy bản thân không đạt được vinh dự như hàng quan tước song các thái giám vẫn có thể đem lại cho cha mẹ, họ hàng của họ những quyền lợi nhất định. Những thái giám thuộc 3 đẳng trật cao nhất (Quảng vụ, Điển sự, Kiểm sự và Phụng nghi) có thể xin chức Nhiêu Phụ (cho cha) hoặc Miễn Nhiêu (cho em, cháu) để họ được miễn thuế và miễn phục dịch cả đời. Dưới ba bậc này, cái thái giám không được xin cho cha, chỉ được xin cho em hoặc cháu.
Có hai loại thái giám là Giám sinh và Giám lặt. Giám lặt là những người bình thường chấp nhận bị thiến để được vào cung sống bên cạnh hầu hạ các bà, đề phòng xảy ra “sự cố”. Giám sinh là những người bẩm sinh ngay từ khi mới chào đời đã không có sinh thực khí, dù của đàn ông hay của đàn bà. Luật triều Nguyễn năm Minh Mạng thứ 16 (1836) quy định, khi có giám sinh chào đời, cha mẹ đứa trẻ phải báo ngay cho làng, xã để lập danh sách báo lên cho Bộ Lễ nắm. Khi đứa trẻ lên 10, Bộ Lễ sẽ đưa nó vào cung, dạy dỗ đứa trẻ đầy đủ những lễ nghi phức tạp về kiến thức, cách xử sự trong Hoàng cung để khi nó lớn lên thì tuyển vào đội quân Thái giám. Làng nào giấu giếm "giám sinh” sẽ bị phạt nặng.
Ngược lại, làng nào có “giám sinh” nghiễm nhiên sẽ được miễn thuế 3 năm, xem như có “đại phúc”. Vì thế, những đứa trẻ “giám sinh” khiếm khuyết không những không bị coi thường mà còn được dân làng cung kính gọi tên là “ông Bộ”. Tài liệu của Công sứ A.Laborde ghi nhận, trong dân quê một số vùng, người ta vẫn thường bảo nhau bằng câu cửa miệng: "Ăn mà đẻ “ông Bộ” cho làng nhờ".
Không có tài liệu nào ghi chép chính xác số lượng thái giám trong mỗi đời vua triều Nguyễn, nhưng ước lượng ở giai đoạn đầu, mỗi triều thường xuyên có khoảng 200 cả “giám sinh” lẫn "giám lặt”. Đến đời Vua Thành Thái (1879-1954), số lượng thái giám giảm hẳn, chỉ còn lại 15 người. Đến triều Vua Duy Tân (1899-1945), vua chỉ duy nhất một lần “nạp thiếp” (bà Hoàng Quý Phi Mai Thị Vàng) cho nên các thái giám bị... thất nghiệp. Đến năm 1914, việc tuyển chọn thái giám thật sự chấm dứt, chỉ còn lại 9 vị thái giám còn được lưu lại trong cung để sống nốt những ngày cuối cùng của năm tháng tuổi già.
Vua Khải Định (1885-1925) thể chất ốm yếu, hầu như không ham muốn chuyện phòng the. Ông chỉ có duy nhất một người con là Hoàng tử Vĩnh Thụy, lên ngôi lấy niên hiệu Bảo Đại. Vị Hoàng đế cuối cùng này của triều Nguyễn nổi tiếng đào hoa đi mây về gió. Nhưng năm 1934, dưới sự sắp xếp của Khâm sứ Trung kỳ Charles – người đỡ đầu của Bảo Đại trong thời gian học tập tại Pháp, ông đã cưới cô Nguyễn Hữu Thị Lan, vốn là con gái một gia đình Công giáo toàn tòng nên chuyện đa thê – trên hình thức – Bảo Đại đành chịu bị... cấm tiệt. Ông cũng là vị Hoàng đế duy nhất của triều Nguyễn tấn phong Hoàng hậu, vì ngoài Nam Phương Hoàng hậu, trên danh nghĩa ông nào có phi tần nào khác nữa đâu.
Do đó, dưới triều hai ông vua này, việc khôi phục lại đội ngũ thái giám đã trở nên không cần thiết, cũng không còn ai bàn tới. Vĩnh viễn, một lớp người từng tồn tại cả ngàn năm trong lịch sử phong kiến Việt Nam đã biến mất. Khoảng những năm 1950, vị thái giám cuối cùng còn sót lại cũng quy tiên vì tuổi tàn lực kiệt.
Phế tích và hồi ức
Phải đến đoạn Festival Huế lần đầu năm 2002, những hồi ức về Đất và Người xứ Thần Kinh một thuở mới được quan tâm nhiều trở lại. Trải qua dâu bể, cửu đỉnh vẫn đứng sừng sững trong Đại Nội. Rải rác trong các sân rồng xưa vẫn còn đôi chiếc vạc đồng nặng ngàn cân đứng uy nghi với thời gian. Những dấu chứng quyền lực của một vương triều phong kiến vẫn còn đứng đó nhưng không ngăn được thiên tai, bom đạn... những sự tàn phá của thời gian và lịch sử biến lăng tẩm, đền đàn xưa thành phế tích, không ngăn được hoa quê, cỏ dại từ những xóm nghèo của bách tính lê dân suồng sã mọc lan chiếm chỗ những lầu rồng bệ ngọc của một vương triều.
Tam cung, lục viện không còn, Cung Giám viện nơi ở của các thái giám xưa chỉ còn lại một nền gạch đổ nát. Chỉ còn lại một vài viên gạch đổ nát. Cái còn lại chỉ là đôi chút hoài niệm ngậm ngùi về một lớp người mang thân phận của “những chiếc bóng”.
Hình ảnh của các thái giám còn lưu lại đến tận ngày nay là một vài tấm ảnh trên những tấm bưu thiếp do Collection Dieulefils, Hà Nội ấn hành năm 1907 - 1908. Phía mặt sau của tấm bưu thiếp có ảnh 4 vị thái giám đứng ngồi bên thềm Đại Nội do nhà nghiên cứu Phan Thuận An sưu tầm được và cho chúng tôi tham khảo, một du khách Pháp thời đó đã "caption" mô tả các thái giám của triều Nguyễn như sau:
“Người ta gọi thái giám là những người có danh vọng trong thành. Nói đúng hơn, họ là những người tai to mặt lớn. Đó là những người đặc biệt trong dân chúng An Nam. Cũng như các đồng hương của họ, những người thái giám đội khăn đóng chứ không che mặt như kiểu các tín đồ công giáo ở bên Pháp của ta. Ngược lại, họ để lộ mặt mũi, hình dung rất rõ ràng – Huế 20/3/1908”.
Ở một bức khác, ảnh chụp hai vị thái giám đứng hai bên, ở giữa là hai vị nữ quan đã già.
Ngoài ra, những người hoài cổ còn có thể tìm thêm được một di tích hiếm hoi khác về các thái giám. Đó là chùa Từ Hiếu ở núi Dương Xuân, xã Thủy Xuân, TP Huế, cách Tử Cấm thành 5km về phía tây nam. Năm 1843, sau khi trao quyền điều hành chùa Quốc Tự (gần cầu Nam Giao ngày nay) cho Pháp đệ là Hòa Thượng Nhất Niệm, Hòa thượng Nhất Định đã lên đồi Dương Xuân dựng "Thảo Am an dưỡng" để tịnh tu và chăm sóc mẹ già.
5 năm sau, năm 1848, Thảo Am an dưỡng được mở rộng và xây dựng quy mô, nhờ sự ủng hộ lớn của một thái giám tên là Châu Phước Năng. Với sự vận động của vị thái giám này, Dực Tông Hoàng đế (Tự Đức), bà Hoàng thái hậu Từ Dụ và nhiều đại thần trong triều đã góp tiền của để xây dựng cơ ngơi và dự khánh thành chùa. Chính Vua Tự Đức đã ban cho chùa tên hiệu Từ Hiếu, với ý nghĩa “từ” là đức lớn của Phật, “hiếu” là hạnh đầu của Phật.
Về sau, một số thái giám khác lường trước được số phận cô đơn hiu hắt của họ lúc xế chiều đã nhiều lần quyên tiên tu bổ, kiến thiết lại chùa để có chỗ náu thân lúc tuổi già. Đến năm 1893, đời Vua Thành thái năm thứ 5, chùa Từ Hiếu được các Hòa thượng trùng tu lớn, nhiều thái giám lại tiếp tục quyên tiền đóng góp và gửi gắm ý nguyện được chôn cất tại đây. Và họ đã được thỏa nguyện. Sống hết mình thờ phụng đấng quân vương, thác yên lặng nương mình bên cửa Phật, họ đã khiến người đời gọi chùa Từ Hiếu là “Chùa Thái Giám”, nơi duy nhất và cuối cùng lưu giữ dấu tích còn lại của một lớp người.
Ngày nay, bên tay phải chùa Từ Hiếu vẫn còn một khu nghĩa trang các thái giám. Sau bốn bức tường rêu phủ nằm lẩn khuất giữa rừng đầy cỏ hoang, hoặc hoa dại là 23 mộ phần của các thái giám, trong đó có 2 mộ đã được bốc vài ba mộ không để bia, số còn lại là những mộ phần được xây cất tử tế, bia mộ chỉ đơn giản ghi mỗi cái tên người đã khuất mà không ghi gì thêm, dù chỉ một dòng năm sinh, năm mất hay quê hương bản quán. Sống lặng lẽ họ cũng ra đi lặng lẽ. Những tâm sự, buồn vui, phiền muộn của một kiếp người đều theo họ vùi sâu vào đáy mộ. Chỉ có tấm bia đá dựng trước cổng nghĩa trang phủ dày rêu là vẫn còn đọc được, giúp nhân gian biết được về họ chung trong một nỗi niềm.
Bia đề: “Trong đời sống, chúng tôi tìm thấy ở đây sự yên bình. Khi ốm đau, chúng tôi lui về đây và sau khi chết, chúng tôi sẽ được chôn chung ở đây. Dù sống hay chết, chúng tôi vẫn tìm thấy được ở nơi đây sự yên bình”.
Tổ đình Từ Hiếu - Chùa Thái Giám là nơi Thiền sư Thích Nhất Hạnh bắt đầu con đường xuất gia tu học vào năm 1942. Sau 40 năm hoằng dượng Phật pháp ở nước ngoài, từ tháng 10/2018, ông chọn quay lại chốn xưa làm nơi tĩnh dưỡng. Ngài đã viên tịch ngay tại nơi khởi phát lúc 0h ngày 22/1/2022. Di nguyện trước khi về với "Đường xưa mây trắng" của Ngài là sự tiếp bước lặng lẽ của cõi Không: "Trong này không có gì, ngoài kia cũng chẳng có gì. Nếu có gì thì nó có trong bước chân và hơi thở của bạn".
Thêm lần nữa, Tổ đình rêu phong lại phủ dày thêm rêu di sản!
Nguyễn Hồng Lam