Bi hài chuyện 'săn sale 1k'

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 13:33, 22/01/2022

Sale (giảm giá) là một chiến lược bán hàng được rất nhiều gian hàng điện tử sử dụng để gia tăng tương tác, tăng uy tín với khách hàng.

Tuy nhiên đã có rất nhiều gian thương lợi dụng hình thức này đánh vào tâm lý “săn hàng rẻ” của người mua để lừa đảo khiến nhiều người ngậm trái đắng.

Việc khách hàng săn sale giá 1.000 đồng nhưng khi nhận hàng là một cục đá, mấy gói mỳ tôm trẻ em hay nhiều đồ vô giá trị khác không còn là câu chuyện hiếm.

Ngỡ ngàng khi nhận thành quả săn sale

Là một trong những “tín đồ” của hệ săn sale 1k (1.000 đồng), chị Ngô Ngọc Yến (Từ Liêm, Hà Nội) đã từng gặp phải những chuyện dở khóc dở cười. Thời gian ở cữ đứa con gái thứ 2, chị Yến thường lên mạng để săn những món hàng giảm giá. Có lần, chị săn được một bộ quần áo sơ sinh cùng với chiếc yếm dãi chỉ với giá 1k. Hí hửng bóc món đồ ship vừa chuyển tới, chị Yến bàng hoàng khi thấy trong hộp giấy đó là… 3 gói mỳ tôm ăn sống của trẻ em (mỗi gói bằng khoảng 2 đầu ngón tay).

Bức xúc, chị Yến gọi điện khiếu nại tới số điện thoại của shop mà chị đặt thì được shop này giải thích rằng đã gửi đúng theo đơn khuyến mại, có thể dọc đường vận chuyển đã bị đánh tráo. Với cách lý giải như vậy của cửa hàng, chị Yến cũng đành phải chấp nhận. Hơn nữa, vì số tiền bị mất chỉ là phí ship nên chị cũng không muốn làm to chuyện.

Tương tự như chị Yến, chị Hồ Thị Thúy (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Bình thường mình không rành lắm về các cách săn sale trên các sàn giao dịch điện tử nhưng hôm đó nghe bạn mình xúi là đang có chiến dịch bán hàng chỉ với 1k nên mình cũng thử xem sao. Lần đó, mình đặt chiếc ốp điện thoại nhưng đến khi mở hộp thì quá bất ngờ bởi trong đó lại là một chiếc… nơ buộc tóc. Cảm giác lúc đó thực sự là dở khóc dở cười nhưng sau đó mình cũng tặc lưỡi cho qua vì nghĩ rằng thôi thử một lần cho biết”.

Bi hài chuyện “săn sale 1k” -0
Mua hàng là chiếc áo 2 dây nhưng nhận về là mấy cục đá

Nói về lĩnh vực săn sale thì chị Lê Thị Bích (Ngõ Chợ, Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) luôn được bạn bè đùa là “thánh may mắn” bởi hầu hết các món đồ chị Bích săn được giá đều rẻ kịch tầm nhưng chất lượng lại rất ổn. Thế nhưng trong rất nhiều lần ổn ấy, chị Bích cũng từng có một vài lần “dở khóc dở cười” khi đặt một chiếc máy sấy tóc mini dùng cho đi du lịch lại nhận về một… bọc đá. Lần khác chị Bích săn sale 1 chiếc áo hai dây nhưng khi nhận gói hàng, chị mở ra lại là mấy viên đá. Tuy nhiên, chị Bích chỉ bất ngờ chứ không bức xúc bởi chị vẫn hiểu rằng  săn sale là chuyện hên xui.

Việc đặt một món đồ này lại phải nhận về một món đồ khác khiến các “tín đồ săn sale” ngỡ ngàng cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trên thực tế lại có những người được nhận về đúng món đồ mình đặt nhưng vẫn không khỏi “choáng váng” là bởi vì hình ảnh quảng cáo khác xa thực tế.

Bi hài chuyện “săn sale 1k” -0
Săn sale 1 chiếc máy xay sinh tố nhưng cô gái lại nhận về một món đồ chơi

Trước đó, một cô gái đã chia sẻ một đoạn clip “rì viu” về món đồ săn sale mà mình mới nhận được. Khi xem đoạn clip đó nhiều người đã không nhịn được cười, bởi món đồ cô gái săn là một máy xay sinh tố nhưng món hàng mà cô nhận được lại là một chiếc máy xay sinh tố… đồ chơi, to chỉ bằng… vài đầu ngón tay. Khi đăng tải clip này lên trang cá nhân, người tỏ ra thông cảm nhưng người lại bảo rằng “nghĩ gì mà 1k mua được cả cái máy xay sinh tố vậy?”.

Tương tự, một thanh niên đã chụp ảnh đôi dép tổ ong 1k mà anh nhận được từ việc săn sale. Tuy nhiên, đôi dép ấy thanh niên không dùng chân để thử mà dùng 2 ngón tay chỏ xỏ vào mỗi chiếc dép cùng lời tếu táo: “Chắc phải sắm thêm em búp bê cho đôi dép mới này thôi”.

Không phải là mặt hàng không đúng như đã đặt, cũng không phải là những món đồ mini không có giá trị sử dụng mà nhiều khách hàng đã phải ngậm đắng nuốt cay sau khi chốt đơn, các loại phí phải trả cho đơn hàng 1k đội lên tới cả triệu đồng. Đó chính là trường hợp của một khách săn sale ở Tiền Giang. Người này đã chia sẻ “chiến tích” của mình với màn chốt đơn ngày 11-11 qua ứng dụng Shopee, ngồi cả buổi để mua được pin sạc dự phòng với giá chỉ 1.102 đồng. Tuy nhiên, chỉ đến khi tiến hành các bước thanh toán thì chi phí đã “phi mã” lên tới hơn 1,8 triệu đồng. Chính xác, khách hàng này phải trả 1.824.984 đồng cho pin sạc dự phòng. Lúc này dù đã mất công ngồi săn sale nhưng anh này cũng đành ngậm ngùi bỏ qua đơn hàng.

Bi hài chuyện “săn sale 1k” -0
Một khách hàng săn sạc dự phòng giá 1.000  đồng nhưng chi phí các loại lên tới hơn 1,8 triệu đồng

Trước những thông tin này, Shopee đã có những động thái đối với những tài khoản bán hàng lừa đảo, cụ thể là khóa tài khoản. Shopee cũng đã gửi tin nhắn thông báo trên ứng dụng Shopee cho tất cả người mua có liên quan để cảnh báo về khả năng lừa đảo của các nhà bán hàng. Đây là chiêu trò của gian thương đã lợi dụng vào tâm lý hào hứng của khách hàng đối với các chương trình sale. Tất cả các tài khoản sau khi đã xác minh hành vi vi phạm sẽ bị khóa vĩnh viễn và được thông báo với cơ quan chức năng theo mức độ vi phạm.

Lãi luôn thuộc về người bán

Nhiều người cho rằng, việc các gian hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử có chính sách sale giá 1.000 đồng, đương nhiên người bán sẽ bị lỗ. Đây là nguyên nhân khiến người bán đã dùng chiêu trò, giao hàng không đúng với sản phẩm được đặt. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, khi tham gia chính sách sale đối với khách hàng thì người bán sẽ được nhiều hơn người mua.

Theo chia sẻ của những chủ gian hàng, khi chạy chương trình “deal 1k” sẽ không tránh khỏi tình trạng bị thua lỗ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên, mức lỗ này nếu có còn tùy thuộc vào mặt hàng và cách người bán “thương lượng” với sàn thương mại điện tử. Anh Tiến Thiện (chủ một gian hàng thời trang) cho hay, anh từng được lên một deal 1.000 đồng ở Sendo, nhưng được bên sàn hỗ trợ nên không lỗ nhiều. Có nghĩa là sản phẩm đó vẫn bán giá 1.000 đồng, nhưng doanh thu mỗi đơn về là số tiền lúc anh Thiện deal với nhân viên sale của sàn.

“Với đơn hàng 1.000 đồng người bán sẽ được lãi nhiều hơn lỗ. Bởi việc tham gia deal 1.000 đồng sẽ giúp gian hàng tăng lượng truy cập tự nhiên và tăng lượng theo dõi, tạo ưu thế rất lớn trên sàn. Khi đó sản phẩm của mình sẽ được nhiều người biết đến, sẽ có cơ hội bán những mặt hàng khác”, anh Thiện cho hay.

Bi hài chuyện “săn sale 1k” -0
Đặt con khủng long đồ chơi nhưng nhận về 1 con khủng long bé bằng ngón tay

Theo chị Ngọc Minh,  chủ một gian hàng phụ kiện điện thoại trên Shopee, thì khi tham gia “deal 1k” còn giúp shop tăng nhanh số lượt đánh giá. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng vì tâm lý khách hàng thường đọc đánh giá sản phẩm trước khi quyết định mua hàng. “Nếu sản phẩm vừa có giá siêu hời 1.000 đồng vừa có chất lượng tốt, thì đa số sẽ đánh giá 5 sao cho sản phẩm”, Chị Minh cho biết thêm.

Không chỉ vậy, một số gian hàng khi được trợ giá từ sàn thương mại điện tử còn thu lãi trực tiếp. Như trường hợp của chị Hòa, một chủ gian hàng bán phụ kiện thời trang trên Shopee. Chị Hòa bán sản phẩm dây chun buộc tóc. Sau khi được sàn hỗ trợ 7.000 đồng/sản phẩm, trừ chi phí đóng gói chị vẫn thu về 2.000 đồng cho mỗi sản phẩm.

Tuy nhiên, đối với những chủ cửa hàng tham gia deal trên sàn giao dịch điện tử phải là những người sở hữu shop hàng hoạt động lâu dài, doanh số cao, được nhiều người đánh giá và được tin cậy.

Bi hài chuyện “săn sale 1k” -0
Một bọc bánh tráng khuyến mại to bằng 2 đầu ngón tay

Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã cảnh báo đây là chiêu trò lừa đảo không còn mới mẻ, đặc biệt với loại hình thương mại điện tử. Khi người mua và người bán giao dịch với nhau thông qua mạng Internet nên trước tiên phải chọn sàn thương mại điện tử có uy tín. Sau đó, cần phải tìm hiểu kỹ các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận…

Không những vậy, người mua cần cảnh giác với những yêu cầu cung cấp thông tin như: Họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, sở thích, tiền sử khám bệnh…Đây có thể là những chiêu trò sử dụng thông tin người tiêu dùng trái với quy luật, gây phiền toái cho người tiêu dùng hoặc thậm chí đánh cắp các thông tin tài chính của người tiêu dùng. Ngoài ra, cần cảnh giác với thông báo về việc trúng thưởng phiếu mua hàng bởi thường sản phẩm thật có giá trị rất thấp...