'Đàm phán với kẻ thù không có nghĩa là đầu hàng', Iran hy vọng 'cái kết đẹp' tại Vienna

Đối ngoại - Ngày đăng : 22:20, 21/01/2022

Các nhà đàm phán hạt nhân Iran cần đạt được thỏa thuận với phương Tây trong vài tuần còn lại ở Vienna, trước khi Mỹ và châu Âu mất kiên nhẫn và thay đổi chiến lược.
Ván cược của Iran tại Vienna
Chỉ còn vài tuần nữa để Iran và phương Tây cứu vãn JCPOA. (Nguồn: Iran Press)

Nhu cầu "nghỉ ngơi" sau các lệnh trừng phạt

Thời gian đang cạn dần với các nhà lãnh đạo Iran trong các cuộc đàm phán tại Thủ đô Vienna của Áo, nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015-Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Phía Mỹ chưa cho thấy sự cấp bách cần thiết. Nước Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã đơn phương rút khỏi JCPOA vào năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đối với Iran. Bất luận đòn giáng đó, Iran vẫn tham gia thỏa thuận trong 14 tháng trước khi nâng mức độ làm giàu hạt nhân vượt giới hạn do JCPOA đặt ra.

Sau 6 tuần đàm phán ở Vienna, thậm chí cả những thông tin về sự tiến triển chậm chạp trong các cuộc đàm phán cũng giúp tăng 10% giá trị đồng Rial của Iran, vốn đã giảm xuống mức thấp mới vào cuối năm ngoái, khi đàm phán bắt đầu xấu đi. Tuy nhiên, triển vọng các bên sẽ đạt được một thỏa thuận trước khi Mỹ và châu Âu mất kiên nhẫn trước tiến độ làm giàu hạt nhân nhanh chóng của Iran là rất mong manh.

Phía Iran có nhu cầu “nghỉ ngơi” sau các lệnh trừng phạt, vì Tổng thống bảo thủ của Iran Ebrahim Raisi phải thực hiện lời hứa tăng trưởng kinh tế. Lạm phát đã lên mức 44% kể từ khi ông Raisi lên làm tổng thống hồi tháng 6/2021. Người dân Iran, vốn đang chứng kiến mức sống của họ giảm xuống như thời cách đây 20 năm, đang chờ đợi tin vui từ Vienna.

Đặc biệt, hiện có nguy cơ Liên hợp quốc (LHQ) tái áp dụng các lệnh trừng phạt Iran trước thời điểm JCPOA ra đời, dẫn tới thắt chặt vòng vây kinh tế đối với quốc gia Trung Đông này. Điều này là một nỗi lo rất lớn của Tổng thống Raisi.

Tuy nhiên, vì lý do thực tế và ý thức hệ, phái đoàn Iran đặt ra những yêu cầu mới trong các cuộc đàm phán ở Vienna, loại bỏ những khuôn khổ do Tổng thống tiền nhiệm Hassan Rouhani đã đồng ý vào tháng 6/2021, trước khi đàm phán bị đình trệ.

Những người theo đường lối cứng rắn tại Iran tin rằng thỏa thuận năm 2015 có hai khiếm khuyết cơ bản. Điều đầu tiên là sự không cân xứng giữa Iran và Mỹ khi trả giá cho việc Mỹ từ bỏ thỏa thuận. Mỹ từ chối cam kết sẽ không rời bỏ thỏa thuận lần nữa. Việc giới chức Mỹ lặp lại danh sách dài các lý do để trừng phạt Iran cũng khiến cho việc thỏa hiệp càng trở nên khó khăn hơn.

Khiếm khuyết thứ hai được biểu hiện rõ trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Barack Obama, người đã ký kết JCPOA. Nhiều công ty nước ngoài đã do dự trong việc giao dịch, đầu tư vào Iran vì lo ngại Mỹ vẫn có thể truy tố và phạt họ theo các lệnh trừng phạt không liên quan đến hạt nhân.

Trong bối cảnh vẫn chưa có giải pháp rõ ràng cho vấn đề nêu trên, Iran đã cố gắng gia tăng phí tổn đối với bất kỳ việc rút lui nào của Mỹ trong tương lai. Tehran chống lại các nhà đàm phán Mỹ bằng cách "câu giờ" 5 tháng (từ tháng 6-11/2021) trước khi bắt đầu vòng đàm phán hiện tại ở Vienna, và rồi từ chối ngồi chung một phòng đàm phán với người Mỹ. Iran cũng tiếp tục tăng cường chương trình làm giàu hạt nhân, giảm thời gian chế tạo bom từ một năm, theo quy định trong JCPOA, xuống còn vài tuần như hiện nay. Liệu các bước này có dẫn đến một thỏa thuận có lợi hơn cho Iran hay không vẫn là điều chưa rõ ràng.

Bất ổn kinh tế của Iran về cơ bản là do vấn đề trong nước và có thể được xử lí bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn đang được áp dụng. Iran nên khắc phục sự phụ thuộc vào nhập khẩu và khủng hoảng ngân hàng trước khi bước vào các cuộc đàm phán hạt nhân, vì phục hồi kinh tế sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho Iran so với một thỏa thuận đạt được từ một vị thế yếu.

Những người theo chủ nghĩa cứng rắn khác của Iran lại coi bế tắc trong đàm phán hạt nhân hiện tại là cơ hội để chuyển hướng nền kinh tế của Iran về phía Đông, bao gồm cả việc thông qua các thỏa thuận đối tác lâu dài với Trung Quốc và Nga.

Nỗi sợ lịch sử lặp lại

Tuy nhiên, Tổng thống Raisi sẽ khó thực hiện được những lời hứa đầy tham vọng về việc làm và nhà ở, nếu nền kinh tế không phục hồi. Tình trạng khó khăn này được phản ánh trong ngân sách đề xuất cho giai đoạn 2022-2023 với giả định các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ tiếp diễn.

Tổng chi tiêu chính phủ dự kiến tăng 9,6%, song lạm phát năm 2022 có thể lên tới 40%. Trong bối cảnh tiền lương và tiền công dự kiến sẽ tăng 10%, mức lạm phát này dẫn tới giảm 30% thu nhập thực tế của hơn 3 triệu lao động trong khu vực công.

Với các quỹ hưu trí chính của Iran đang trong tình trạng báo động đỏ và phải sử dụng tiền công để duy trì hoạt động, 6 triệu người về hưu khác cũng có thể phải đối mặt với việc mất thu nhập thực tế.

Có lẽ nỗi sợ hãi sâu sắc nhất của Tổng thống Raisi là lặp lại thất bại của cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, một người theo đường lối bảo thủ và cứng rắn, người đã mắc sơ suất khiến LHQ áp đặt các lệnh trừng phạt Iran vào năm 2010.

Động lực mạnh nhất của Tổng thống Raisi để đạt được một thỏa hiệp ở Vienna là nhằm tránh lịch sử lặp lại. Trong bối cảnh đó, tuyên bố của nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei rằng “đàm phán với kẻ thù không có nghĩa là đầu hàng” có thể là tín hiệu cho thấy các nhà đàm phán hạt nhân Iran cần đạt được thỏa thuận trong vài tuần còn lại trước khi "tiếng còi kết thúc trận đấu” vang lên.

Vy Anh