Vì sao Ukraine vẫn chưa thế gia nhập NATO?
Đối ngoại - Ngày đăng : 22:15, 21/01/2022
Các cuộc đàm phán căng thẳng giữa Mỹ, Nga và các thành viên châu Âu của NATO tuần qua đã cho thấy rõ một điều: Trong khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định sẽ không cho phép Moscow dập tắt tham vọng gia nhập NATO của Ukraine, Washington vẫn chưa có kế hoạch để nhanh chóng kết nạp nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này vào liên minh.
Dù nhiều lần bày tỏ mong muốn, nhưng Ukraine vẫn chưa thể gia nhập được NATO. (Nguồn: NATO) |
Thứ trưởng Ngoại giao Wendy R. Sherman cho biết, Mỹ cùng các đồng minh NATO đã khẳng định rõ sẽ không phản đối chính sách mở cửa, một chính sách luôn là trung tâm của liên minh NATO. Chính sách này được ghi rõ trong Hiệp ước NATO năm 1949, cho phép tất cả các quốc gia châu Âu được phép gia nhập vào liên minh, nếu có nhu cầu.
Tuy nhiên, trước đó, Pháp và Đức đã nhiều lần lên tiếng không ủng hộ động thái của Ukraine. Điều này khiến cho các nước châu Âu thành viên khác không khỏi lo lắng, bởi việc kết nạp phải được sự đồng tình của tất cả các thành viên. Các nhà lãnh đạo Mỹ và Nga biết rõ điều này.
Nếu trở thành thành viên của NATO, Ukraine sẽ được bảo vệ trước các mối đe dọa, trong đó có Nga. Tuy nhiên, đây vẫn còn là một ước mộng xa vời bởi những lý do sau:
Mỹ thiếu ‘nhiệt huyết’
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ đã vận động thành công NATO chấp thuận tư cách thành viên của 3 quốc gia, gồm Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Czech vào cuối những năm 1990. Khi đó, ông Biden đang làm việc tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và cũng là người thúc đẩy quá trình này. Ông Biden từng nói rằng, việc biến những kẻ thù trong Chiến tranh Lạnh thành đồng minh sẽ đánh dấu “sự khởi đầu của 50 năm hòa bình nữa” cho châu Âu.
Tuy vậy, trong suốt hai thập kỷ chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, các chuyên gia nhận định, nhiệt huyết của ông Biden đối với việc mở rộng NATO đã nguội đi đáng kể.
Năm 2004, 7 nước Đông Âu gia nhập liên minh, và năm 2008, Tổng thống George W. Bush thúc đẩy NATO đưa ra một tuyên bố sớm kết nạp Ukraine và Gruzia trong tương lai, bất chấp sự dè dặt của các cơ quan tình báo Mỹ. Tuy nhiên, khối chưa bao giờ đưa ra một kế hoạch hành động chính thức nào để hiện thực hóa lời kêu gọi trên.
Năm 2014, trong chuyến thăm tới Australia, với tư cách là phó tổng thống, ông Biden đã nói với các quan chức Ukraine rằng nếu có bất kỳ sự hỗ trợ quân sự nào của Mỹ, sự hỗ trợ đó cũng sẽ rất nhỏ. Khi đó, Nga mới sáp nhập thành công đảo Crimea và thông điệp của ông Biden đã khiến nhiều quan chức Ukraine phật ý.
Tạp chí Foreign Affairs nhận định, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng khẳng định rằng Mỹ ủng hộ Ukraine trở thành thành viên NATO hồi tháng 6 vừa qua, Tổng thống Biden lại khá thận trọng trong các bình luận công khai của mình.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. (Nguồn: Reuters) |
Vấn đề nội bộ của Ukraine
Để đáp ứng một trong ba tiêu chí chính khi gia nhập NATO, một quốc gia châu Âu phải thể hiện cam kết về dân chủ, tự do cá nhân và ủng hộ luật pháp. Trong khi các nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng họ đã đạt ngưỡng đó, một số quan chức Mỹ và châu Âu lại lập luận ngược lại.
Trong một phân tích năm 2020, cơ quan giám sát chống tham nhũng mang tên Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã xếp Ukraine thứ 117 trong số 180 quốc gia về chỉ số tham nhũng, thấp hơn bất kỳ quốc gia NATO nào.
Một số quan chức phương Tây cũng đặt câu hỏi liệu Ukraine có thể đáp ứng tiêu chí thứ hai: đóng góp vào việc bảo vệ tập thể các quốc gia NATO hay không. Thực tế, Ukraine đã gửi quân đến các cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu ở Iraq và Afghanistan.
Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với ông Biden tại Phòng Bầu dục, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho rằng trong thời gian tới, Ukraine cần nỗ lực thúc đẩy cải cách pháp quyền, hiện đại hóa khu vực quốc phòng và mở rộng tăng trưởng kinh tế”.
Né tránh phản ứng mạnh từ Nga
Sau khi sáp nhập Crimea, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa quân Ukraine và viện trợ quân sự cho lực lượng ly khai nổi dậy ở miền Đông nước này. Nhà lãnh đạo Nga cũng đã làm điều tương tự ở Gruzia vào năm 2008. Có thể thấy, nếu hai quốc gia này gia nhập NATO, Mỹ và các nước châu Âu sẽ phải đối mặt trực tiếp với các cuộc xung đột đang diễn ra.
Nga cũng có thể khiến châu Âu “trả giá” bằng những hành động khác nhau, chẳng hạn như cắt nguồn cung cấp khí đốt, khiến châu Âu chao đảo vì tình trạng khủng hoảng năng lượng.
Với tất cả những điều đó, Ukraine gần như chắc chắn sẽ không thể đáp ứng tiêu chí chính thứ ba để gia nhập NATO: sự chấp thuận của tất cả 30 thành viên.
Douglas E. Lute, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO, cho biết: “Sự phản đối chính sẽ là: Liệu việc Ukraine gia nhập NATO có thực sự góp phần vào sự ổn định ở châu Âu, hay sẽ chỉ làm gia tăng bất ổn?”.
Stephen M. Walt, giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy cho biết, ngay từ những năm 1990, khi lần đầu tiên đề xuất mở rộng NATO, nhiều nhà chiến lược nổi tiếng của Mỹ đã phản đối việc kết nạp Ukraine. Theo ông Walt, lý do chính là: “Đây là mối quan tâm chính, bởi sẽ không dễ dàng để Ukraine gia nhập NATO mà không đe dọa tới Nga”.
Nguyện vọng ‘không nhất quán’ của Ukraine
Không phải lúc nào các nhà lãnh đạo Ukraine cũng nỗ lực thúc đẩy việc gia nhập NATO. Chính điều này đã định hình cách tiếp cận của Mỹ.
Cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yushchenko từng thể hiện tham vọng gia nhập Ukraine. Tuy nhiên, sau khi Nga đưa quân tới Gruzia, Ukraine trở nên lưỡng lự hơn.
Do đó, người kế nhiệm ông Yushchenko, Tổng thống Viktor Yanukovych, đã từ bỏ mọi động lực để trở thành thành viên NATO, đồng thời chuyển sang thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Nga, thậm chí đồng ý cho phép Moscow tiếp tục thuê một cảng hải quân trên Biển Đen ở Crimea.
Dưới thời cựu Tổng thống Obama, các quan chức Mỹ khuyến khích Ukraine ký một thỏa thuận liên kết chính thức với Liên minh châu Âu thay vì cố gắng gia nhập NATO.
Thế nhưng, ông Putin đã gây sức ép buộc ông Yanukovych từ chối thỏa thuận này, khiến Ukraine chìm trong làn sóng biểu tình cuối năm 2013, đầu năm 2014 (còn được biết đến với tên gọi là EuroMaidan, cách mạng Maidan). Cuộc biểu tình đã khiến ông Viktor Yanukovych bị phế truất, chạy trốn khỏi Ukraine và lưu vong ở Nga. Sau đó, chính quyền mới của Ukraine đã được thành lập với phần lớn là các chính khách thân phương Tây.
Có thể thấy rằng, Ukraine chính quyền của Tổng thống Zelensky hiện nay đang rất mong muốn được sớm gia nhập NATO để bảo vệ lợi ích của mình. Ông Zelensky cũng đã nhiều lần đề nghị người đồng cấp Mỹ Joe Biden về việc này. Tuy nhiên, những gì mà Ukraine nhận lại hiện chỉ là những lời hứa mà không có động thái cụ thể.